Ba nỗi oan của kem chống nắng

Nhiều người lo rằng kem chống nắng sẽ làm cơ thể không nhận được lợi ích từ ánh sáng mặt trời, ví dụ như vitamin D. Ý kiến của chuyên gia cho thấy điều ngược lại.

Trong một cuộc khảo sát 1.000 người trưởng thành ở Mỹ, 11% số người được hỏi cho rằng kem chống nắng có thể làm cơ thể trở nên yếu ớt, thiếu hụt vitamin D vì ngăn họ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Một số người cho rằng kem chống nắng làm họ bị rối loạn giấc ngủ và làm mất khả năng cải thiện tâm trạng của ánh sáng.

Chia sẻ với The New York Times, các chuyên gia y tế đưa ra quan điểm ngược lại. “Một trong những nỗi oan lớn nhất của kem chống nắng là làm cơ thể người thiếu hụt vitamin D”, TS Steven Q. Wang, Giám đốc khoa Ung thư da tại bệnh viện Hoag Memorial Presbyterian (California, Mỹ), nói thêm có ba hiểu lầm thường thấy đối với kem chống nắng.

Làm mất khả năng cải thiện tâm trạng

TS Elisabeth Richard, Phó giáo sư Da liễu tại Trường Đại học Y Johns Hopkins, cho biết ánh sáng mặt trời có tác dụng cải thiện tâm trạng và giải tỏa căng thẳng. “Nhưng bạn không cần phơi nắng để tận dụng lợi ích này”, bà nhấn mạnh.

 Kem chống nắng không ảnh hưởng đến các lợi ích mà ánh sáng mặt trời mang lại.

Kem chống nắng không ảnh hưởng đến các lợi ích mà ánh sáng mặt trời mang lại.

Khi nhìn thấy ánh sáng, cơ thể người sẽ tiết ra hormone serotonin có khả năng giải tỏa căng thẳng, TS Deborah Sarnoff, giáo sư da liễu tại Đại học New York, cho biết.

TS Richard nói thêm chỉ cần con người nhận thức bản thân đang sinh hoạt dưới ánh mặt trời thì họ đã tận dụng khả năng cải thiện tâm trạng của nó. “Thực ra chỉ cần được sinh hoạt dưới ánh nắng, dù là đi bộ một mình hay dã ngoại với bạn bè, thì đã đủ mang lại niềm vui”, bà nói.

Gây rối loạn giấc ngủ

Đồng hồ sinh học của con người phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời. Khi mặt trời lặn, cơ thể người sẽ giải phóng hormone melatonin giúp ta rơi vào giấc ngủ. Ngược lại, ánh sáng sẽ đánh thức con người khi mặt trời mọc.

Theo TS Richard, chúng ta không cần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để giải tỏa hormone ngủ. “Khả năng cân bằng chu kỳ ngủ - thức của ánh sáng mặt trời hoạt động nhờ vào thị giác nhiều hơn là xúc giác”, bà nói. “Ngay khi bạn đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi tia UV, bạn vẫn nhìn thấy đủ ánh sáng để điều hòa nhịp sinh học của bản thân”.

Thiếu vitamin D

 Dù thoa kem chống nắng 2 tiếng/lần, con người cũng không thể giúp da tránh được 100% tia UV.

Dù thoa kem chống nắng 2 tiếng/lần, con người cũng không thể giúp da tránh được 100% tia UV.

Nhiều người tin rằng làn da sẽ sản xuất vitamin D khi tiếp xúc trực tiếp với tia UV. Do đó, việc thoa kem chống nắng mỗi ngày sẽ làm cơ thể họ thiếu loại vitamin hỗ trợ hấp thụ canxi và ngừa bệnh loãng xương.

Theo TS Sarnoff, hầu hết con người đều tiếp xúc với tia UV với cường độ đủ để cơ thể tạo ra lượng vitamin D cần thiết. “Dù là bạn là người thoa kem chống nắng thành thạo nhất thế giới và có lượng kem chống nắng vô hạn cho phép bạn thoa 2 tiếng/lần, bạn vẫn không thể tránh được toàn bộ tia UV từ ánh sáng mặt trời”, TS Sarnoff nói.

TS Robert Ashley, bác sĩ nội khoa tại UCLA Health, lại cho biết ánh nắng không phải là nguồn vitamin D duy nhất. “Cơ thể người có thể nhận được vitamin D nhờ chế độ ăn uống phù hợp, ví dụ như ăn cá hồi, cá thu, sữa, ngũ cốc…”, TS Ashley phân tích.

Đông Tùng

Theo The New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ba-noi-oan-cua-kem-chong-nang-post1486585.html