Bà nội sát hại cháu đối diện mức án nào?
Theo các luật sư, trong vụ án này, bà Hường đang phải đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 12 năm, cao nhất là tử hình.
Nghi án bà nội sát hại cháu gái lớp 6 đang khiến dư luận tỉnh Nghệ An và cả nước bàng hoàng. Mặc dù thời gian gần đây, những vụ án liên quan đến sát hại người thân không phải hiếm gặp nhưng việc bà nội sát hại cháu ruột của mình là một biểu hiện rất đáng quan ngại, báo động sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo nghĩa gia đình, tình thân bị xem nhẹ, là minh chứng cho việc một bộ phận người đã mất đi tính chuẩn mực về đạo đức xã hội.
Sự bất thường trong mối quan hệ gia đình gắn bó
Liên quan đến vụ án, chiều 13/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Hường (65 tuổi, người địa phương) về tội “Giết người”. Nạn nhân là Nguyễn Thị Tâm (SN 2008, học lớp 6, trú tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An)- cháu nội nghi phạm.
Hiện cơ quan CSĐT đã chứng minh được động cơ gây án của bà Hường do mâu thuẫn gia đình. Cơ quan CSĐT cũng bác thông tin bị can giết cháu nội để lấy tiền bảo hiểm hoặc do theo giáo phái lạ.
Theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, chiều 3/11, trong lúc đi cùng cháu Tâm, bà Hường nói việc con trai từng nhiều lần hỗn láo và hai bà cháu to tiếng. Bà khai ấm ức vì cháu nội cãi lời nên khi đến đập nước bà xuống tắm rồi nhờ cháu gái kỳ lưng. Khi đứa trẻ không để ý bà Hường đã xô cháu gái xuống dòng nước ở đập Bàu Ganh. Bà Hường cũng ngã theo, nhưng ngoi lên được bờ, sau đó vứt xe đạp của nạn nhân cách hiện trường vài chục mét nhằm xóa dấu vết.
Dưới góc độ xã hội, tình cảm bà nội với cháu ruột vốn là tình cảm thiêng liêng. Nhưng trong vụ án này, người bà đang tâm sát hại cháu-người mà tự tay mình chăm sóc nuôi nấng từ nhỏ đến lớn. Qua đây cho thấy sự bất thường trong mối quan hệ gắn bó trong gia đình.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, hành vi giết người dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý theo khoản 1 điều luật này. Mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 123 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Như vậy bà Hường đang phải đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 12 năm, cao nhất là Tử hình.
Tuy nhiên khi lượng hình, Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình phạt. Hoặc giả dụ như bà Hường khi phạm tội bị mắc bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức thì cũng được xem xét giảm nhẹ
“Theo quy định của Bộ luật hình sự, người từ đủ 70 tuổi trở lên mới là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn bà Hường 65 tuổi không thuộc trường hợp này nên việc điều tra vẫn được tiến hành bình thường như các trường hợp khác, không phụ thuộc vào tuổi của bà Hường”-luật sư Giang Hồng Thanh nói.
Theo luật sư Thanh, hành vi giết người dưới 16 tuổi, lại là cháu ruột của mình, vì mâu thuẫn gia đình là hành vi tàn ác, không có lý do gì để biện minh. Người bị hại là trẻ em được pháp luật đặc biệt quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, vậy mà lại bỏ mạng dưới tay người thân thương ruột thịt của mình. Theo vị luật sư này, nếu tại thời điểm thực hiện tội phạm, bà Hường bị thần kinh hoặc mắc bệnh khác dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì còn có thể lý giải được hành động đó của bà. Nhưng nếu bà Hường khi đó vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, tỉnh táo, quả thực là rất khó có thể phân tích được tâm lý của bà Hường.
Cần giám định tâm thần cho nghi phạm
Luật sư Huỳnh Mỹ Long, công ty Luật TNHH Tâm Chí cũng cho rằng, đây là vụ án phức tạp nên quá trình điều tra phải xem xét, giám định tâm thần cho bà Hường. Bởi đây là trường hợp rất đặc biệt vì bà khi phạm tội nghi phạm đã 65 tuổi, lại sát hại chính cháu ruột của mình 11 tuổi.
Theo vị luật sư này, để có hình phạt phù hợp, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử Tòa án cần xem xét, căn cứ trên các hoạt động điều tra đó là: Trong quá trình phạm tội, bà Hường có thực hiện hành vi đến cùng hay không: “Giả sử trong quá trình điều tra, bà đẩy cháu xuống, cháu vẫn bám vào tay bà và bà cố đẩy cho bằng được. Đây là thực hiện hành vi cho đến cùng”. Hoặc có thể xảy ra trong trường hợp khác là bà không đẩy cháu đến cùng nhưng lại bắt cháu phải nhảy xuống. Trong trường hợp này có thể vì mối quan hệ bà cháu, do sợ mà cháu nhảy xuống, phải xem xét yếu tố người phạm tội lệ thuộc mình.
“Cùng với đó, trong quá trình điều tra, cũng cần phải làm rõ tình tiết nữa là cháu có biết bơi không? Có thể cháu vô tình bị ngã xuống thì đó sẽ là tội danh khác là “bỏ mặc người bị nguy hiểm đến tính mạng mà không cứu giúp. Còn hiện giờ chưa có lời khai trên báo chí, CQĐT mới khởi tố về tội Giết người vì có yếu tố tội Giết người, nếu sau có đủ căn cứ sẽ chuyển tội danh. Đây cũng là trình tự thủ tục, tố tụng hình sự rất bình thường”- Luật sư Huỳnh Mỹ Long chia sẻ thêm.
Mặc dù nghi phạm đã 65 tuổi, nhưng theo vị luật sư này chỉ là yếu tố xem xét để giảm nhẹ theo sự phán quyết của tòa án nhưng không thuộc về tình tiết giảm nhẹ trong Bộ Luật Hình sự: “Không phải người cao tuổi thì được giảm nhẹ theo BLHS” Trong vụ án này, theo luật sư Long, tòa chỉ xem xét các yếu tố giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra. Ngoài ra sẽ xem xét các yếu tố như người có công với cách mạng. Kể cả bố mẹ cháu có đơn xin giảm nhẹ thì nó cũng phụ thuộc vào việc xem xét động cơ. Nếu động cơ đê hèn, thực hiện tội ác đến cùng thì không được giảm./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/ba-noi-sat-hai-chau-doi-dien-muc-an-nao-978534.vov