Ba nỗi sợ được hóa giải, doanh nghiệp tư nhân xông pha đầu tư dự án lớn

Các doanh nghiệp tư nhân liên tiếp đề xuất các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực hạ tầng, xâm nhập các lĩnh vực vốn là 'sân chơi' truyền thống của doanh nghiệp nhà nước.

Những tín hiệu đầu tiên

Ngay sau khi Nghị quyết 68 được Bộ Chính trị ban hành nhằm thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân, nhiều tập đoàn lớn đã chủ động đề xuất tham gia đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay, cảng biển, đường sắt đô thị và điện lực.

Liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tập đoàn Hòa Phát (gọi tắt là DCH) vừa gửi văn bản đến UBND TP.HCM, đề xuất tham gia thi công các dự án đường sắt với vai trò tổng thầu EPC (thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị).

Liên danh DCH bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện nghiên cứu và tham gia vào các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt là tuyến metro Bến Thành - Tham Lương. Tuyến metro này dài hơn 11km, đi qua sáu quận, dự kiến khởi công cuối năm nay.

Liên danh DCH cho rằng, các thành viên trong liên danh có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực vật liệu, kết cấu thép, giải pháp kỹ thuật và thi công công trình, đặc biệt là các dự án ngầm với vai trò tổng thầu EPC.

Trong lĩnh vực metro, các thành viên liên danh từng tham gia thi công hai nhà ga ngầm là Ba Son và Nhà hát thành phố cũng như trung tâm bảo dưỡng, điều hành của tuyến metro số 1.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed thuộc hệ sinh thái Vingroup cũng đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến 61,3 tỷ USD. VinSpeed đặt mục tiêu khởi công dự án trước tháng 12/2025 và đưa toàn tuyến vào khai thác trước tháng 12/2030.

Để hiện thực hóa kế hoạch này, công ty đang xúc tiến hợp tác với các đối tác công nghệ từ Trung Quốc, Đức, Nhật Bản là những quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp đường sắt để chuyển giao công nghệ, sản xuất đầu máy, toa xe và hệ thống điều khiển ngay tại Việt Nam.

Ngoài ra, Vingroup cũng có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt kết nối từ trung tâm đi Cần Giờ với chiều dài khoảng 48,7km. Đầu tháng 5/2025, UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận việc Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án theo phương thức đối tác công tư.

Các doanh nghiệp tư nhân đang muốn tham gia vào lĩnh vực metro. Ảnh: HA

Các doanh nghiệp tư nhân đang muốn tham gia vào lĩnh vực metro. Ảnh: HA

Trước đó, Tập đoàn IPP Group cũng đề xuất đầu tư mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cam kết, tiến độ thi công sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nhằm đưa công trình vào khai thác trước thềm APEC 2027.

Tại dự án này, Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời cũng đã đề xuất được đầu tư xây dựng sân bay Phú Quốc theo phương thức đối tác công tư.

Sự tin tưởng hai chiều và hóa giải ba nỗi sợ

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 68 có thể coi là quyết sách mang tính chỉ đạo sâu sắc của Trung ương dành cho nền kinh tế Việt Nam.

Ông nhìn nhận, kinh tế tư nhân là một trong những thành phần kinh tế hiệu quả, năng động trong cơ cấu kinh tế nói chung, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, vấn đề nhấn mạnh của Nghị quyết 68 là “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” là một quyết sách rất đúng đắn.

“Phải hiểu rõ vấn đề không hình sự hóa quan hệ kinh tế có nghĩa là không phải bất cứ vấn đề gì có tranh chấp kinh tế đều đưa qua cơ quan điều tra. Khi đưa qua cơ quan điều tra thì có nhiều vấn đề như: tạm giam để điều tra, hoãn xuất cảnh... Trong khi các hoạt động giao thương về kinh tế thì thường thiên về giao dịch dân sự nên nếu hình sự hóa sẽ khiến doanh nhân chùn chân”, ông Phương nói.

Đặc biệt, theo chuyên gia này, đôi khi xảy ra tranh chấp về kinh tế, có khi doanh nhân, doanh nghiệp không sai nhưng phía đối tác chỉ cần thưa kiện là có thể dẫn đến những hệ lụy khó kiểm soát đối, dẫn đến đi quá mức cần thiết.

“Rõ ràng, thông điệp của Trung ương, Chính phủ sẽ giúp cho chủ doanh nghiệp, doanh nhân mạnh tay phát huy năng lực, sáng kiến, đẩy mạnh các giao dịch kinh tế nhiều hơn”, ông Phương nhận định.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đây là câu chuyện có tính chất hai chiều. Một chiều cho thấy sự tin tưởng, quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo từ Trung ương, Chính phủ, các ban ngành đối với kinh tế tư nhân.

Ngược lại cho thấy kinh tế tư nhân đã đủ khả năng, năng lực, trình độ, công nghệ… để tham gia vào các dự án lớn, đòi hỏi nguồn lực về vốn, chất xám, công nghệ…

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, lâu nay doanh nghiệp tư nhân có ba nỗi sợ.

Thứ nhất, sợ ma trận thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài “hành” là “chính”, nhất là lĩnh vực bất động sản mất 3-5 năm hoặc lâu hơn để thực hiện các thủ tục hành chính làm mất cơ hội đầu tư, khiến thị trường lệch pha cung cầu, đẩy giá nhà lên quá cao.

Thứ hai, sợ bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần làm “khổ” doanh nghiệp.

Nỗi sợ thứ ba là sợ bị vướng pháp luật hình sự trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết 68 đã hóa giải được ba nỗi sợ của các doanh nghiệp tư nhân, mở ra kỷ nguyên mới và không gian rộng mở để phát triển. Đây sẽ là động lực chính của nền kinh tế quốc gia, tạo điều kiện trong 10-15 năm tới sẽ hình thành 10-15 tập đoàn kinh tế tư nhân “đại bàng, sếu đầu đàn".

Những tín hiệu tích cực từ Nghị quyết 68 và sự chủ động của doanh nghiệp tư nhân hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới trong phát triển hạ tầng và kinh tế Việt Nam. Việc tháo gỡ các rào cản thể chế và tạo môi trường thuận lợi sẽ giúp thu hút nguồn lực tư nhân mạnh mẽ hơn vào các dự án trọng điểm quốc gia trong thập niên tới.

An Nhiên

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ba-noi-so-duoc-hoa-giai-doanh-nghiep-tu-nhan-xong-pha-dau-tu-du-an-lon-d40290.html