Việt Nam sắp lọt Top 20 kinh tế thế giới, cần nhanh chân lên 'chuyến tàu cơ hội'

The Conversation nhận định và nhấn mạnh Việt Nam đang nổi lên như một đối tác chiến lược đầy tiềm năng mà Australia cần chủ động kết nối sâu rộng hơn nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại cũng như củng cố vị thế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…

Mới đây, nền tảng xuất bản tin tức và phân tích học thuật The Conversation đã đưa ra nhận định rằng trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng, Australia cần mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác kinh tế.

Tác giả bài viết, bà Anne Vo, Giảng viên cao cấp về văn hóa và chính trị Việt Nam tại Đại học Wollongong (Australia) nhấn mạnh, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra hàng loạt rào cản thuế quan đối với hàng nhập khẩu nước ngoài, làm suy yếu các thỏa thuận đa phương và thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Cùng thời điểm, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, cũng không ít lần sử dụng thương mại như một công cụ để gây sức ép địa chính trị. Năm 2020, Bắc Kinh áp thuế hơn 200% đối với rượu vang Australia, khiến giá trị xuất khẩu của ngành sụt giảm tới 30%.

Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa quan hệ kinh tế không chỉ là mục tiêu cần thiết mà còn mang tính chiến lược cấp thiết.

Đáng chú ý, Việt Nam đang nổi lên như một cơ hội đầy hấp dẫn về kinh tế - thương mại cũng như địa chính trị mà Australia cần chủ động nắm bắt để củng cố vị thế trong khu vực.

VIỆT NAM - CỬA NGÕ KINH TẾ ĐÔNG NAM Á

Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi Mới năm 1986, Việt Nam liên tục đẩy mạnh tự do hóa kinh tế và chuyển dịch chính sách theo định hướng thị trường. Những cải cách này mở cửa cho thương mại quốc tế, cho phép sở hữu tư nhân và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Từ mức tăng trưởng chỉ 1,6% năm 1980, Việt Nam hiện đang trên lộ trình trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Việt Nam tích cực hội nhập sâu rộng, khẳng định vị thế như một cường quốc kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Nam Á.

 Việt Nam đang đứng trong hàng ngũ những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á

Việt Nam đang đứng trong hàng ngũ những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á

Riêng trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút 8,5 tỷ AUD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phản ánh niềm tin mạnh mẽ từ giới đầu tư quốc tế vào triển vọng kinh tế đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, mức độ hiện diện của Australia vẫn bị giới chuyên môn đánh giá là khá khiêm tốn. Mặc dù có vị trí địa lý gần gũi và lợi ích kinh tế tương đồng, sự hiện diện của Australia tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Australia vào Việt Nam chỉ đạt 3 triệu AUD, tương đương vị trí thứ 22, sau cả Thụy Sĩ và Seychelles.

Về thương mại, khoảng cách giữa tiềm năng và thực tế cũng rất rõ rệt. Việt Nam chỉ chiếm 2,33% kim ngạch xuất khẩu và 1,4% nhập khẩu của Australia. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 26,3 tỷ AUD (tương đương 17,3 tỷ USD) vào năm 2022, một sự chênh lệch đáng kể nếu so sánh với mức 191,9 tỷ USD trong thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Australia đã có bước đi cụ thể tại Việt Nam. BlueScope Steel, Linfox và SunRice mạnh dạn đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất, hậu cần và nông nghiệp. Đại học RMIT đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực giáo dục xuyên quốc gia kể từ khi thành lập cơ sở đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2000. Ngoài ra, ANZ và Qantas cũng sớm góp mặt tại thị trường tài chính và hàng không. Dù vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp tại Australia, vẫn vắng bóng. Phần lớn lựa chọn hình thức hợp tác xuất khẩu hoặc phân phối thay vì đầu tư trực tiếp.

THÁO GỠ RÀO CẢN, MỞ LỐI CHO DOANH NGHIỆP AUSTRALIA VÀO VIỆT NAM

Trên thực tế, doanh nghiệp Australia từ lâu có xu hướng ưu tiên các thị trường nói tiếng Anh hoặc nơi mang lại sự quen thuộc về thể chế, văn hóa và khung pháp lý. Ngược lại, môi trường kinh doanh tại Việt Nam dựa nhiều vào yếu tố kết nối, khiến doanh nghiệp không có mạng lưới quan hệ tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với rào cản càng lớn do còn thiếu hỗ trợ về mặt thể chế, hiểu biết pháp lý cũng như thông tin thị trường.

Trước thực trạng này, chính phủ Australia đã có những bước đi nhằm thu hẹp khoảng cách. Chiến lược Tăng cường Gắn kết Kinh tế song phương được công bố năm 2021 đặt mục tiêu nhân đôi quy mô đầu tư hai chiều và nâng quan hệ thương mại giữa hai nước lên nhóm đối tác hàng đầu. Chiến lược cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp, giáo dục, năng lượng sạch, công nghệ số và sản xuất. Tuy nhiên, văn bản ký kết không kèm theo các cam kết pháp lý, ưu đãi thuế quan hay cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể.

 Sản xuất một trong những lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế của Australia với Việt Nam

Sản xuất một trong những lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế của Australia với Việt Nam

Sự thiếu vắng những công cụ hỗ trợ thiết thực là điểm cần lưu ý. Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều đã áp dụng loạt chiến lược đồng bộ, bao gồm khoản vay ưu đãi, khung pháp lý vững chắc và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tại chỗ, giúp họ thích nghi tốt hơn với môi trường pháp lý phức tạp tại Việt Nam. EU thậm chí còn tạo dựng điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Nếu không có các công cụ tương đương, những sáng kiến từ phía Australia có nguy cơ chỉ mang tính kỳ vọng hơn là khả thi. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm ngoái là tín hiệu tích cực về mặt chính trị. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Australia cần theo đuổi những chính sách dài hạn hơn, tập trung tháo gỡ rào cản gia nhập thị trường, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư trực tiếp và thúc đẩy phát triển kỹ năng chung giữa hai bên.

Australia cũng nên chủ động mở rộng sang các lĩnh vực mới nổi tại Việt Nam như năng lượng tái tạo, công nghệ số, chăm sóc sức khỏe, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hạ tầng thông minh và công nghệ nông nghiệp.

Trong khi đó, ưu tiên phát triển bền vững về môi trường, chuyển đổi số và đào tạo lực lượng lao động của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của Australia, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư chiến lược và hợp tác song phương.

Nhìn về dài hạn, Australia có cơ hội xây dựng một mối quan hệ đối tác năng động với Việt Nam, cùng nhau trở thành những trụ cột kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/viet-nam-sap-lot-top-20-kinh-te-the-gioi-can-nhanh-chan-len-chuyen-tau-co-hoi-post560347.html