Ba 'núi' rác bao quanh, hàng trăm hộ dân Thủ đô 'chịu trận'

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại tổ dân phố số 12, số 22 thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải ăn ngủ với mùi xú uế từ những điểm rác thải tự phát. Sự việc được nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng diện tích của những điểm rác này ngày càng mở rộng...

“Núi” rác thải xây dựng tự phát tại ao Hoàng Giáp gây bức xúc. Ảnh: Hoàng Trọng

“Núi” rác thải xây dựng tự phát tại ao Hoàng Giáp gây bức xúc. Ảnh: Hoàng Trọng

Ăn ngủ với mùi rác

Phản ánh đến Báo Gia đình & Xã hội, anh Trịnh Bảo Trung (40 tuổi, trú tại tổ dân phố số 12 phường Định Công) cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, người dân sinh sống tại tổ dân phố số 12 và 22 phải "chịu trận" sự ô nhiễm từ những điểm rác tự phát trong và gần khu vực dân cư. Đó là 3 điểm rác tại ngõ 16, ngách 77 và ao Hoàng Giáp (ngõ 99 phố Định Công).

Anh Trung cho biết, ao Hoàng Giáp là phần đất của cụ Đỗ Hoàng Giáp (người họ Trịnh - được vua ban từ thời xưa). Sau phần đất này ngập nước nên người dân làng Định Công xưa gọi là ao Hoàng Giáp. Ao Hoàng Giáp rất vuông vắn, là nơi cung cấp nước cho hoạt động canh tác nông nghiệp cho người dân trong khu vực, là không gian xanh điều hòa cảnh quan khu vực và cũng là diện tích mặt nước rất quý hiếm đối với người dân. Bởi đến nay, theo dòng chảy của đô thị hóa, diện tích ao hồ, mặt nước trên địa bàn phường Định Công đã dần thu hẹp. Thế nhưng bây giờ, ao Hoàng Giáp lại trở thành bãi đổ rác thải xây dựng lớn nhất khu vực, kéo theo nhiều hệ lụy về cảnh quan và môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cũng theo anh Trung, hoạt động đổ rác trộm diễn ra công khai, cả ban ngày lẫn ban đêm. Rác thải đổ ra đây gồm: Thạch cao, hóa chất sơn, gạch, xi măng, bê tông… bởi những công trình xung quanh trong khu vực Định Công có rất nhiều nhà làm xây dựng, sản xuất công nghiệp. "Có thể, người ta không muốn trả tiền cho Công ty Môi trường đô thị để xử lý một cách hợp pháp mà cứ thuê những xe cải tiến với chi phí tiết kiệm để đổ ra khu ao. Đến nay, diện tích bị đổ trộm rác thải đã lên đến hàng ngàn mét vuông", anh Trung nói.

Hoạt động đổ trộm rác thải diễn ra công khai. Ảnh: Hoàng Trọng

Hoạt động đổ trộm rác thải diễn ra công khai. Ảnh: Hoàng Trọng

Anh Trung cho biết thêm: "Chất thải làm ô nhiễm nguồn nước trong ao, trong khi người dân dùng nước này tưới hoa màu. Như nhà tôi múc nước lên tưới cây thì xuất hiện rất nhiều cặn trắng của thạch cao. Những ngày mưa to, nước ô nhiễm tràn vào khu xóm xung quanh, cuốn theo rất nhiều rác lên mặt đường".

Anh Hoàng Thanh Tuyền (43 tuổi, sinh sống tại tổ 22) cho biết: "Điểm rác thải ao Hoàng Giáp có diện tích rộng nhưng mùi xú uế thì không thể bằng được điểm rác tại con đường chạy dọc đằng sau Trường Tiểu học và THCS Định Công. Mặc dù biển cảnh báo phạt tiền 500.000 đồng/lần đã được cắm ở đó nhưng không hiểu vì sao, diện tích rác thải cứ "nguốn" trọn con đường và mùi xú uế thì mỗi ngày một nhiều. Không biết là học sinh ngồi trong lớp sẽ phải chịu trận ra sao nhưng người dân thì thấy rõ. Có những đêm chúng tôi phải ngủ trong mùi xú uế từ rác thải bay đến. Bức xúc vô cùng".

UBND phường Định Công có quyết liệt xử lý?

Rác thải sinh hoạt “nguốn” trọn con đường phía sau Trường Tiểu học và THCS Định Công. Ảnh: Hoàng Trọng

Rác thải sinh hoạt “nguốn” trọn con đường phía sau Trường Tiểu học và THCS Định Công. Ảnh: Hoàng Trọng

"Nhìn diện tích rác thải cứ tăng từng ngày, chúng tôi rất đau lòng. Nhưng bức xúc hơn là tình trạng này cứ mãi tiếp diễn mà chúng tôi chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền.

Trao đổi nhanh với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết: "Rác thải đổ ở những điểm như Báo Gia đình & Xã hội nêu là từ công trình dự án xung quanh. Trong việc tiếp xúc cử tri của phường vừa qua, chúng tôi cũng đã tiếp thu các ý kiến của nhân dân. Đặc biệt là những hộ dân tại ngõ 99 khu vực ao Hoàng Giáp.

Mặc dù, lực lượng chức năng đi tuần tra cũng bắt được một vài trường hợp và có xử phạt nhưng tình trạng này chủ yếu diễn ra vào ban đêm, lúc không có người. Trong khi đó, phường không phải lúc nào cũng có thể cử người trông coi ở đó được. Hơn nữa, khu ao Hoàng Giáp là khu đất quy hoạch 100,9ha thuộc dự án Chỉnh trang khu đô thị Bắc Đại Kim mở rộng. Vì vậy, chúng tôi cũng có những khó khăn nhất định. Bởi nếu không phải là đất công, đất quy hoạch dự án treo thì chúng tôi đã đề xuất thực hiện các nhà văn hóa hoặc sân bóng cho người dân.

Việc kiểm soát hoạt động này cũng rất khó với phường, chúng tôi chỉ có thể giao cho khu dân cư và cảnh sát khu vực nếu phát hiện thì xử lý, chứ phương án rào bao quanh hay đóng cọc, hạn chế chiều cao phương tiện cũng không đủ lực để rào. Bởi diện tích quá rộng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có báo cáo quận và thành phố xem phương án xử lý. Còn một số điểm rác thải như phía sau Trường Tiểu học và THCS Định Công thì chúng tôi sẽ có phương án thu dọn triệt để".

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ba-nui-rac-bao-quanh-hang-tram-ho-dan-thu-do-chiu-tran-20200708171647961.htm