Ba 'nút thắt' cần tháo gỡ trong việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, muốn cải tạo nhà chung cư cũ trên địa bàn, thành phố Hà Nội cần phải tháo được 3 'nút thắt'.Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, muốn cải tạo nhà chung cư cũ trên địa bàn, thành phố Hà Nội cần phải tháo được 3 'nút thắt'.
Ba "nút thắt" trong vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, suốt 20 năm qua, chỉ có 1% trên tổng số 1.579 nhà chung cư cũ ở Hà Nội được cải tạo, sửa chữa. Có 3 “nút thắt” dẫn đến tình trạng trên.
Nút thắt thứ nhất đó là chính sách đất cho nhà chung cư được sử dụng dài hạn và thiếu phù hợp với cách thức phát triển nhà ở chung. Ở các quốc gia phát triển, họ chỉ cho tồn tại đất ở đối với chung cư có thời hạn và thời hạn này chính bằng tuổi thọ của nhà chung cư còn ở nước ta không quy định thời hạn của nhà chung cư.
"Đây là nguyên nhân khiến khó khăn trong việc giải quyết bài toán cải tạo chung cư ở Hà Nội" - GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Theo quy định thì việc cải tạo chung cư cũ phải đảm bảo 100% chủ sở hữu ủng hộ. Qua tham khảo ở một số quốc gia, để cải tạo nhà chung cũ chỉ cần 70% chủ sở hữu đồng ý. Vì vậy, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét vấn đề này.
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phong
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, "nút thắt" thứ hai đó là, theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Quy định này gần như không thể thực hiện được trong thực tế là một rào cản lớn trong việc cải tạo, sửa chữa nhà chung cư cũ nát và cần phải được điều chỉnh, sửa chữa lại.
"Nút thắt" thứ ba đó là cách thức để mang lại lợi ích cho chủ đầu tư khi bỏ tiền ra cải tạo chung cư cũ. Trong nội đô, các khu chung cư không được xây cao tầng. Việc này khiến các chủ đầu tư bị giảm sút nhiều lợi ích và e ngại không muốn bỏ tiền vào đầu tư cải tạo chung cư cũ.
Công bằng, minh bạch để các bên đều thấy rõ lợi ích của nhau
Đưa ra các giải pháp để tháo gỡ cho những vấn đề trên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, để cải tạo chung cư cũ nát, việc xã hội hóa thôi chưa đủ mà cần phải hài hòa 3 nhóm lợi ích là Người dân - Doanh nghiệp - Thành phố.
Theo đó, cần phải có khung pháp luật để chứa đựng các giải pháp này. Đối với thành phố Hà Nội, khi được cải tạo, sửa chữa lại, bộ mặt đô thị của thành phố sẽ trở nên đẹp đẽ, khang trang và đồng bộ quy hoạch hơn.
Đối với vấn đề điều phối lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần hướng đến cân đối một cách công bằng, minh bạch sao cho các bên đều thấy rõ lợi ích của nhau. Điều này sẽ phụ thuộc vào phương án cải tạo của chủ đầu tư dự án bỏ ra.
"Ngoài ra, để đảm bảo yếu tố nhà đầu tư có thể sinh lời trong việc đầu tư, xây dựng, cải tạo sữa chữa chung cư cũ nát thì cần đề xuất không gian cải tạo toàn khu chứ không phải chỉ từng nhà chung cư riêng lẻ" - GS.TS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
Còn về phần cư dân, theo GS.TS Đặng Hùng Võ họ phải thấy được lợi ích khi có căn hộ mới tiện nghi, phần diện tích được cơi nới rộng hơn. Khi điều hòa được lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân thì nút thắt sẽ được hóa giải.
Cũng theo GS.TS Đặng Hùng Võ, một trong những vướng mắc lớn từ phía người dân hiện nay đó là chính sách đền bù, hỗ trợ. Nhiều người dân lo lắng họ khó quay lại sau khi chung cư cũ được cải tạo.
Để giải quyết vấn đề trên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc tái định cư phải được tái định cư tại chung cư được cải tạo chứ không phải tại một địa điểm khác. Bên cạnh đó, những chi phí phát sinh khác do quá trình phải đi thuê nhà ở, tái định cư tạm thời phải được thỏa thuận, đền bù để đảm bảo quyền lợi cho người dân./.
Đề xuất ban hành nghị quyết riêng về các cơ chế, chính sách đặc thù
Đầu tháng 4/2021, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để sớm thực hiện cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Trong đó lưu ý cần rà soát, tính toán về phương án sử dụng đất và dân số phù hợp với từng khu vực, vừa bảo đảm tuân thủ các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, vừa đáp ứng tình hình thực tiễn của thành phố nói chung và từng khu vực nói riêng.
Ban Cán sự đảng UBND TP cần đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội.