Bà Paetongtarn nói gì sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức Thủ tướng?
Bà Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng sau bê bối điện thoại với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, liên quan đến tranh chấp biên giới.
Ngày 1/7, 7 trong số 9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bỏ phiếu thuận, nhất trí xem xét việc luận tội Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra liên quan đến đoạn ghi âm cuộc gọi gây tranh cãi với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen và đã đi đến quyết định đình chỉ chức vụ của bà.
Thủ tướng Paetongtarn có 15 ngày để giải trình và kháng cáo.
“Giờ khi phán quyết đã được đưa ra, tôi xin chấp nhận sự cân nhắc của tòa án. Tôi không chắc lệnh đình chỉ sẽ kéo dài bao lâu, nhưng tôi sẽ có 15 ngày để giải trình. Tôi sẽ cố gắng hết sức để bày tỏ thành ý thật sự của mình liên quan đến đoạn ghi âm bị rò rỉ- rằng ý định thật sự của tôi trăm phần trăm là vì đất nước, để bảo vệ chủ quyền, để gìn giữ mạng sống của quân đội và từng người lính, vì hòa bình trong đất nước.”, bà Paetongtarn trả lời báo chí sau phán quyết của tòa.

Thủ tướng Paetongtarn vẫy chào công chúng
“Tôi rất tin tưởng vào điều này. Dù vậy, cách tiếp cận của tôi có thể khiến nhiều người hài lòng hoặc không hài lòng. Dù thế nào, tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng đó là ý định và nỗ lực thật sự hơn 100% của tôi, là vì đất nước. Tôi không có ý làm điều gì vì lợi ích cá nhân. Tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để tránh hỗn loạn, tránh xung đột và tránh tổn thất về người… Nếu lắng nghe kỹ, bạn sẽ hiểu rằng tôi không có ác ý. Đó là điều tôi sẽ tập trung giải thích một cách rõ ràng trong thời gian tới.”, bà Paetongtarn giải thích thêm, đồng thời cảm ơn những lời chia sẻ, động viên từ công chúng.
Mặt khác, bà cũng gửi lời xin lỗi tới những người dân Thái Lan cảm thấy khó chịu hay phiền lòng về vụ việc.
Bà Paetongtarn nói rằng, trong thời gian bị đình chỉ, bà sẽ tiếp tục làm việc vì đất nước dù ở cương vị nào, với bất kỳ thân phận nào hay đơn giản với tư cách là một công dân Thái Lan.

Bà Paetongtarn trả lời trước báo chí sau khi nhận được lệnh đình chỉ chức vụ. Ảnh: Paetongtarn Shinawatra Fanclub.
Phó Thủ tướng Thái Lan Suriya Jungrungreangkit đảm đương vị trí Quyền Thủ tướng, theo luật định Thái Lan.
Trước đó, vào ngày 20/6, một nhóm 36 thượng nghị sĩ, do Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Mongkol Surasajja dẫn đầu, đã gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp và yêu cầu điều tra cuộc điện đàm giữa nữ Thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện Hun Sen.
Đơn kiến nghị viện dẫn các Điều 82 và Điều 170 của Hiến pháp Thái Lan.
Đơn này còn yêu cầu tòa xem xét việc bãi nhiệm bà Paetongtarn vì cho rằng bà đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức.
Trước đó vào sáng 1/7, trang web của Hoàng gia Thái Lan đã đăng tải sắc lệnh miễn nhiệm một số Bộ trưởng và bổ nhiệm các vị trí mới trong Chính phủ của bà Paetongtarn. Theo đó, nữ Thủ tướng kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa.

Truyền thông tiếp cận bà Paetongtarn sau khi bà bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng. Ảnh: Paetongtarn Shinawatra Fanclub.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 70 năm, một Thủ tướng Thái Lan kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Văn hóa.
Thành phần nội các mới đã được Nhà vua Thái Lan chuẩn y và lễ tuyên thệ nhậm chức được ấn định vào ngày 3/7.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, việc Thủ tướng Paetongtarn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa là một bước đi chiến lược nhằm duy trì hiện diện trong Chính phủ, khi Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà.
Trường hợp bà Paetongtarn kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Văn hóa tương tự với tiền lệ của Tướng Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng thứ 29 của Thái Lan, người từng bị Tòa án Hiến pháp yêu cầu tạm ngưng thực thi nhiệm vụ trong khi chờ phán quyết về vụ kiện “giới hạn nhiệm kỳ 8 năm”. Trong thời gian bị đình chỉ chức vụ, ông Prayut vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Quốc phòng.

Bà Paetongtarn Shinawatra cùng cha, tỷ phú, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin. Ảnh: Getty.
Trả lời báo chí ngày 30/6 về lý do nhận thêm chức vụ Bộ trưởng Văn hóa, bà Paetongtarn giải thích việc cần tập trung vào quyền lực mềm.
Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ Văn hóa, cơ quan đóng vai trò quảng bá văn hóa đất nước và đưa sức mạnh mềm của quốc gia ra quốc tế.
Theo tờ The Nation của Thái Lan, Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai, một nhân vật chủ chốt trong Chính phủ, thừa nhận rằng tương llai của Thủ tướng Paetongtarn hiện vẫn chưa rõ ràng sau vụ rò rỉ.