Rủi ro như làm...Thủ tướng Thái Lan
Việc đình chỉ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra không chỉ châm ngòi bất ổn nội bộ Thái Lan mà còn làm bùng phát căng thẳng biên giới với Campuchia. Một lần nữa, bóng ma đảo chính và 'thiết chế ngầm' phủ bóng lên nền dân chủ mong manh của Bangkok.

Việc đình chỉ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra không chỉ châm ngòi bất ổn nội bộ Thái Lan mà còn làm bùng phát căng thẳng biên giới với Campuchia. Ảnh: Reuters.
Văn hóa đảo chính - Đặc trưng lịch sử Thái Lan
Trong lịch sử chính trị Đông Nam Á đương đại, khó có biên giới nào “nóng- lạnh” thất thường như đường biên hơn 800 km giữa Thái Lan và Campuchia. Nhưng căng thẳng biên giới thời gian gần đây không chỉ đến từ tranh chấp lãnh thổ lâu đời quanh quần thể đền Preah Vihear; nó còn là hệ quả trực tiếp của cơn địa chấn chính trường Bangkok.
Ngày 1/7, Tòa án Hiến pháp ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra vì một cú điện đàm riêng tư với “bác Hun Sen”.
Ở Thái Lan, cương vị Thủ tướng không chỉ là vị trí quyền lực mà còn là nghề mang tính rủi ro cao nhất trong chính trường. Trong gần một thế kỷ qua, hiếm có Thủ tướng Thái nào rời nhiệm sở một cách yên ổn. Những cuộc đảo chính quân sự, sự can thiệp của Tòa án Hiến pháp, sự phân cực xã hội và mô hình quyền lực ngầm đã biến chiếc ghế Thủ tướng Thái Lan thành một cái bẫy chính trị, nơi “người chiến thắng hôm nay có thể trở thành kẻ bị lưu đày ngày mai”.

Ông Thaksin Shinawatra, em gái Yingluck (Phải) và con gái út Paetongtarn, ba đời Thủ tướng của Thái Lan. Ảnh: The Nation.
Kể từ sau cuộc cách mạng chính trị dẫn đến đổi mới hiến pháp 1932, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và mở đường cho nền quân chủ lập hiến, Thái Lan đã chứng kiến ít nhất 13 cuộc đảo chính quân sự thành công và hàng chục âm mưu bất thành. Đây là con số cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Học giả Nicholas Farrelly (Trưởng Khoa Khoa học Xã hội, Đại học Tasmania, chuyên gia hàng đầu về Thái Lan) gọi đây là “coup culture” (Văn hóa đảo chính): đảo chính trở thành phương thức giải quyết bế tắc chính trị được xã hội chấp nhận như điều bình thường
Điểm mấu chốt của vòng lặp này nằm ở ba trụ cột ngoài lá phiếu: (1) Quân đội - lực lượng tự nhận là “người bảo hộ quốc gia & vương triều”; (2) Tư pháp hiến định, đặc biệt là Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng, thường đứng về phe bảo hoàng; (3) Hoàng gia - biểu tượng chính danh cho mọi hành động “chỉnh lý trật tự”.
Mỗi khi chính phủ dân cử bị cáo buộc “xâm phạm lợi ích an ninh” hoặc “đe dọa chế độ quân chủ”, tam giác này lập tức siết chặt. Nhiều Thủ tướng Thái từng bị lật đổ hoặc mất chức giữa nhiệm kỳ, các trường hợp tiêu biểu gồm:
- Thủ tướng Pridi Banomyong (1946-1947): Nhà tư tưởng hàng đầu của cách mạng 1932, bị cáo buộc liên quan đến cái chết của Quốc vương Ananda Mahidol và bị quân đội đảo chính, buộc phải sống lưu vong đến cuối đời.
- Thủ tướng Plaek Phibunsongkhram (nhiều nhiệm kỳ): Một lãnh đạo độc tài quân sự thân Nhật trong Thế chiến II, sau bị lật đổ bởi chính đồng minh trong quân đội năm 1957.
- Thủ tướng Chatichai Choonhavan (1988- 1991): Chính trị gia dân sự đầu tiên lãnh đạo sau thời kỳ quân trị, bị tướng Suchinda Kraprayoon đảo chính với cáo buộc “tham nhũng và để chính trị gia mua bán quyền lực”.
Nhưng không một gia đình chính trị nào trong lịch sử hiện đại Thái Lan để lại dấu ấn, và cũng gánh chịu nhiều sóng gió, như nhà Shinawatra. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và em gái ông, Yingluck, là hai người từng làm Thủ tướng và đều bị lật đổ, buộc phải sống lưu vong.
Ông Thaksin Shinawatra (2001–2006), vị tỷ phú viễn thông, thành lập đảng Thai Rak Thai và giành chiến thắng vang dội với chương trình “dân túy thông minh” (smart populism): trợ cấp y tế, tín dụng cho nông dân, phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa uy tín quần chúng và tham vọng cải tổ đã khiến ông va chạm mạnh với quân đội, giới bảo hoàng và thiết chế tư pháp.
Năm 2006, giữa lúc ông đi dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, quân đội đảo chính. Họ lấy danh nghĩa “chống tham nhũng”, nhưng thực chất là phản ứng với việc ông lấn sâu vào các lĩnh vực vốn do quân đội và giới hoàng gia kiểm soát như an ninh, truyền thông, giáo dục và kinh tế quốc doanh. Sau đó, Tòa án Hiến pháp tuyên bố giải tán đảng Thai Rak Thai. Ông Thaksin sống lưu vong gần 15 năm.
Tiếp đến là bà Yingluck Shinawatra (2011- 2014). Là nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, bà Yingluck được coi là “hình bóng chính trị” của anh trai. Bà lãnh đạo đảng Pheu Thai (hậu thân Thai Rak Thai), tiếp tục chiến lược dân túy. Tuy nhiên, vụ trợ giá gạo (rice pledging scheme) gây thiệt hại ngân sách lớn, trở thành cái cớ để giới bảo thủ và tòa án công kích. Bà bị Tòa Hiến pháp phế truất, và chỉ vài ngày sau đó, Tướng Prayut Chan-o-cha tiến hành đảo chính, lập chính phủ quân sự từ 2014 đến 2019. Năm 2017, Yingluck bị kết án vắng mặt 5 năm tù. Bà bí mật rời khỏi Thái Lan, sống lưu vong tại Dubai cùng anh trai.
Đến ngày 1/7 vừa qua, Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà Paetongtarn, thế hệ thứ 3 của nhà Shinawatra, vì nghi vấn “tiết lộ bí mật an ninh” trong cuộc gọi 17 phút với ông Hun Sen. 36 thượng nghị sĩ bảo hoàng ký tên yêu cầu xem xét đạo đức, trong khi Ủy ban Chống tham nhũng mở cuộc điều tra song song. Liên minh cầm quyền lập tức rạn nứt: Đảng Bhumjaithai rút khỏi nội các, biểu tình nổ ra trên đường phố Bangkok với khẩu hiệu “Không bán chủ quyền”.
Hai anh em Thaksin-Yingluck và con gái ông Thaksin, bà Paetongtern, là hiện thân rõ nét của hiện tượng chính trị Thái Lan: những nhà lãnh đạo được dân bầu với tỷ lệ áp đảo nhưng không thể chống lại thiết chế quyền lực ngầm.
Làm Thủ tướng ở Thái Lan là một vinh dự lớn, nhưng đồng thời là canh bạc sinh tử trong một hệ thống quyền lực phức tạp. Những nhà lãnh đạo dân cử thường bị loại bỏ không phải vì thất bại trước dân chúng, mà vì xung đột với giới tinh hoa truyền thống.
Trường hợp dòng họ Thaksin là minh chứng điển hình: họ thắng cử nhiều lần, nhưng vẫn bị loại bỏ bằng biện pháp phi dân chủ. Dù hiện nay, ông Thaksin đã trở về Thái Lan sau thời gian sống lưu vong, và có tin đồn ông đang vận động hậu trường để đưa con gái Paetongtarn Shinawatra lên làm Thủ tướng, thì nguy cơ bị đảo chính – trực tiếp hay qua tư pháp – vẫn còn nguyên.
Trong dòng lịch sử đầy đảo điên của Thái Lan hiện đại, chức vụ Thủ tướng chưa bao giờ là một đỉnh cao vững chắc. Nó là một chiếc ghế điện, nơi quyền lực song hành cùng rủi ro, và là tấm gương phản chiếu cuộc chiến khốc liệt giữa dân chủ bầu cử và quyền lực bảo thủ.
Quân đội: Trục xoay quyền lực của nền chính trị Thái
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan là một trường hợp đặc biệt: một nền dân chủ có bầu cử đều đặn nhưng không ổn định, nơi quyền lực không chỉ nằm trong tay các đảng chính trị hay cử tri, mà quan trọng hơn cả, là nằm trong tay quân đội. Không thể hiểu đầy đủ về chính trường Thái Lan nếu bỏ qua vai trò then chốt và nhất quán của lực lượng vũ trang nước này, không đơn thuần là thiết chế quân sự, mà là trục xoay quyền lực thực sự của vương quốc.
Từ cuộc đảo chính đầu tiên năm 1932, quân đội Thái Lan đã giữ vị thế đặc biệt, không chỉ là lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà còn là “người bảo hộ” cho hệ thống chính trị bảo thủ và quân chủ lập hiến. Với ít nhất 13 cuộc đảo chính quân sự thành công, như đã nói ở trên, gần như trung bình mỗi thập kỷ lại có một chính phủ bị lật đổ bởi lực lượng vũ trang.

Quân đội Hoàng gia Thái Lan có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị của nước này. Ảnh: Thai Enquirer.
Khác với nhiều nền chính trị nơi quân đội bị buộc phải “phi chính trị hóa”, quân đội Thái Lan phát triển thành một thế lực chính trị bán thường trực, không ngần ngại bước ra khỏi doanh trại mỗi khi cảm thấy “an ninh quốc gia” hoặc “vai trò của hoàng gia” bị thách thức. Những khái niệm trừu tượng đó được sử dụng như một “công cụ chính danh hóa” cho can thiệp quân sự, cho dù chính phủ dân cử vẫn đang điều hành trên cơ sở hợp hiến và hợp pháp.
Thêm vào đó, quân đội không đơn độc. Họ có liên minh với các trụ cột quyền lực khác như Tòa án Hiến pháp, Ủy ban chống tham nhũng (NACC) và đặc biệt là Thượng viện, nơi 250 ghế đều do hội đồng quân sự bổ nhiệm. Bộ ba này tạo nên một kiềng quyền lực, có thể vô hiệu hóa hoặc giải tán bất kỳ chính phủ nào bị xem là “lệch chuẩn”.
Tầm ảnh hưởng của quân đội Thái Lan không chỉ nằm trong quyền kiểm soát vũ lực, mà còn trong quản trị tư tưởng: từ hệ thống giáo dục, truyền thông, cho đến các hoạt động “tuyên truyền lòng trung thành” trong xã hội. Quân đội Thái Lan vừa là người viết luật chơi, vừa là người cầm cò súng, vừa là người tuyên truyền chuẩn mực.
Trong một quốc gia mà dân chủ luôn phải “thỏa hiệp” với các thế lực phi dân cử, thì quân đội không chỉ là một người chơi, họ là trọng tài, người làm luật, và người cầm còi. Chính vì vậy, mọi thay đổi chính trị ở Thái Lan, dù thông qua bầu cử hay cải cách, đều không thể thành công nếu không có sự đồng thuận, hoặc ít nhất là sự im lặng chấp nhận, của quân đội.
Kịch bản nào cho chính trường và biên giới Thái Lan?
Việc tòa án Hiến pháp ra phán quyết tạm đình chỉ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra - đúng 11 tháng sau khi bà nhậm chức - đã xới tung sân khấu chính trị vốn chưa kịp ổn định sau bầu cử 2024. Phe bảo hoàng coi đây là thắng lợi pháp lý, trong khi những người ủng hộ Shinawatra phẫn nộ tràn xuống đường. Sự kiện lập tức làm dấy lên câu hỏi ai sẽ lèo lái Bangkok giữa lúc căng thẳng biên giới với Campuchia vừa cướp đi sinh mạng một binh sĩ Phnom Penh hồi 28/5?
Nhiều nhà bình luận quốc tế về tình hình Thái Lan đều có chung nhận định rằng, sẽ có ba kịch bản cho Bangkok:
Thứ nhất, nếu bộ máy quyền lực chấp nhận để Phó Thủ tướng Suriya Juangroongruangkit giữ ghế quyền Thủ tướng cho tới khi tòa ra phán quyết cuối cùng, Thái Lan sẽ có vài tháng điều hành “cầm chừng”.
Thứ hai, Quốc hội, hiện chia rẽ vì đảng Bhumjaithai vừa rút khỏi liên minh, có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc phải bầu thủ tướng mới khi Paetongtarn chưa kịp trở lại.
Thứ ba, khủng hoảng leo thang thành biểu tình quy mô lớn, tái diễn vòng luẩn quẩn “tòa- đường phố- đảo chính” vốn ám ảnh chính trị Thái suốt hai thập niên qua.
Tòa án Hiến pháp từ lâu đã nghiêng về phe bảo hoàng; đây là lần thứ ba một thủ tướng thuộc dòng họ Shinawatra bị treo ghế. Song bối cảnh 2025 khác các năm 2008 và 2014: lực lượng cử tri trẻ ở đô thị lớn, từng đưa Move Forward thắng cử, nay kết hợp với cánh nông dân vùng Đông Bắc ủng hộ gia tộc Shinawatra, tạo ra mặt trận dân túy- cải cách rộng hơn. Chỉ trong 3 tháng, uy tín của Paetongtarn giảm từ 30% xuống 9,2%, nhưng làn sóng phản kháng lại nhằm vào “trật tự cũ” chứ không chỉ cá nhân bà. Điều này khiến nguy cơ đối đầu giữa người biểu tình và bộ máy an ninh tăng cao.
Tình hình Thái Lan hiện tại đã ngấm tác động kinh tế tức thì. Chứng khoán Bangkok mất 4% sau tin tòa ra phán quyết; đồng baht trượt xuống mức thấp nhất 18 tháng. Các quỹ đầu tư lo ngại ngân sách 2025, vốn dự trù tăng chi xã hội, rơi vào tình trạng “chính phủ khuyết danh”. Nếu khủng hoảng kéo dài, Thái Lan có thể mất thêm 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng, khi du lịch chưa kịp hoàn toàn phục hồi sau đại dịch.

Hiện hai bên đã triển khai khoảng 2.000 quân cùng pháo hạng nhẹ dọc tuyến Chong Bok-Dangrek; chợ biên giới đóng cửa, thương lái gạo và cao su mắc kẹt. Ảnh: The Nation.
Điểm trớ trêu là cú vấp pháp lý của bà Paetongtarn bắt nguồn từ cuộc gọi bị rò rỉ với cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen về vụ đụng độ ở “tam giác Ngọc Bích”. Trong mắt phe đối lập, bà vừa “yếu kém” trong xử lý xung đột vừa “thiếu minh bạch” khi thương lượng hậu trường. Điều này khiến chủ nghĩa dân tộc Thái trở thành lá bài chính trị dễ kích hoạt, đẩy Bangkok-Phnom Penh đứng trước chuỗi trả đũa quân sự, truyền thông leo thang.
Cuộc giao tranh sáng 28/5 làm một binh sĩ Campuchia thiệt mạng chỉ kéo dài 17 phút, song phá vỡ cơ chế “không nổ súng” duy trì từ 2011. Hiện hai bên đã triển khai khoảng 2.000 quân cùng pháo hạng nhẹ dọc tuyến Chong Bok-Dangrek; chợ biên giới đóng cửa, thương lái gạo và cao su mắc kẹt.
Nếu Bangkok rơi vào khoảng trống quyền lực, tướng lĩnh Thái có thể chủ động siết an ninh biên giới để chứng tỏ vai trò, trong khi Phnom Penh, dưới thời tân Thủ tướng Hun Manet, khó để quân đội bị xem là “yếu thế”. Tổ chức nghiên cứu ORF (Observer Research Foundation – Tổ chức Nghiên cứu Quan sát) dự báo xác suất “đụng độ cục bộ lặp lại” trong ba tháng tới là 45%. Điều mấu chốt là cả hai bên đều có động cơ chuyển hướng bất mãn nội bộ sang “kẻ thù ngoài”, khiến tai nạn hay tính toán sai lầm dễ vượt ngưỡng kiểm soát.
Điều mà hai bên cần làm lúc này là cần “tháo ngòi nổ” xung đột để nó không bùng lên ngọn lửa chiến tranh lan rộng.
Tình trạng khủng hoảng hiện nay phơi bày ba tầng rủi ro: tính dễ tổn thương của thể chế “nửa tiến bộ, nửa bảo thủ” Thái Lan; khả năng chủ nghĩa dân tộc vượt tầm kiểm soát; và khoảng trống hợp tác an ninh ASEAN khi mỗi nước bận đối phó bài toán nội bộ.
Thái Lan sẽ chọn trở lại quỹ đạo pháp quyền, hội nhập, hay chệch sang chu kỳ xung đột mới, tùy vào cách các bên xử lý 15 ngày “định mệnh” mà Tòa án Hiến pháp dành cho Paetongtarn. Tương lai Đông Nam Á yên bình hay lún sâu vào chủ nghĩa cường quyền sẽ được phản chiếu từ Bangkok những ngày tới.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/rui-ro-nhu-lamthu-tuong-thai-lan-post187115.html