Bà Phạm Chi Lan: Lợi ích quốc gia cần đặt lên trên hết!
Các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đầu tư làm điện tuy có lợi về kinh tế nhưng cần cẩn trọng về nhiều mặt để đảm bảo yêu cầu an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng của nước nhà.
Làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo đang bùng nổ ở Việt Nam. Bên cạnh những dự báo về một viễn cảnh tươi sáng cho mạng lưới điện, nó cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản trị sự phát triển này.
Đó là tình trạng doanh nghiệp xin dự án tràn lan; các địa phương trải thảm đỏ hết cỡ; nhà đầu tư ngoại nhảy vào kiểm soát các dự án điện tái tạo ở những khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền Trung; nỗi lo về công nghệ lạc hậu được đưa vào các dự án; nỗi lo về môi trường và xử lý rác thải sau này; vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng…
Dõi theo sự biến thiên của kinh tế đất nước trong suốt hơn ba thập kỷ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan luôn bền bỉ đóng góp tiếng nói phản biện đầy tâm huyết và trí tuệ, nhất là trước những vấn đề nóng của đất nước hay mang tính sống còn với doanh nghiệp và người dân.
Trong câu chuyện với TheLEADER về vấn đề an ninh năng lượng, nhất là ở bối cảnh đặc biệt như hiện nay, một lần nữa bà Lan lại tỏ ra hết sức lo ngại và đưa ra những cảnh báo.
Vấn đề an ninh năng lượng đối với Việt Nam hiện nay nên được nhìn nhận như thế nào thưa bà?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: An ninh năng lượng (ANNL) từ lâu đã là vấn đề mọi quốc gia quan tâm. Việt Nam cũng vậy. Trước đây chúng ta lo chủ yếu về đảm bảo nguồn cung và sự an toàn của các nhà máy điện, ngày nay có thêm nhiều điều phải lo hơn.
Nhà đầu tư ngoại nắm quyền kiểm soát nhiều dự án điện tái tạo
Thứ nhất, công nghệ cao và công nghiệp thiết bị điện phát triển trên thế giới mang lại nhiều lợi ích to lớn và nhiều lựa chọn. Song những con chip nhỏ xíu trong hệ thống điều hành cũng có khả năng đe dọa lớn đối với các nhà máy điện không kém con Covid-19 đối với con người. Chất lượng, độ tin cậy của nguồn cung công nghệ, thiết bị do vậy phải là yêu cầu số 1 chứ không thể chỉ chọn thứ giá rẻ hay vì yếu tố nào khác.
Thứ hai, những năm gần đây, do sự khan hiếm tài nguyên năng lượng hóa thạch (như than, dầu mỏ) cùng một số sự cố điện hạt nhân ở các nước, đồng thời với yêu cầu tăng cao về bảo vệ môi trường, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã cố gắng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo (NLTT). NLTT ngày càng có ưu thế nhờ nguồn tài nguyên dồi dào và rẻ, công nghệ và thiết bị liên tục cải tiến, qui mô mạng lưới linh hoạt, chi phí đầu tư giảm mạnh và hoàn toàn cạnh tranh được với các loại điện “truyền thống”.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào một số nguồn cung nhất định về công nghệ, thiết bị cho NLTT lại có thể dẫn đến rủi ro khi các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, ví dụ như tấm pin điện mặt trời chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc. Điều này buộc các nước nhập khẩu công nghệ, thiết bị phải tính kỹ về nhiều mặt để đảm bảo ANNL.
Thứ ba, do khó khăn về nguồn vốn, ta phải kêu gọi FDI đầu tư vào điện. Song một số nước dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng đã nhận những bài học đắng. Ví dụ như Lào, do không trả được nợ, đã phải để cho Trung Quốc nắm quyền vận hành cả hệ thống điện quốc gia, tạo nên rủi ro lớn về ANNL và ngành xuất khẩu điện của Lào. Hoặc khi các nhà đầu tư bán lại dự án cho nhà đầu tư khác, nếu không qui định chặt chẽ từ đầu thì nước chủ nhà có thể bị giảm, thậm chí mất quyền kiểm soát các dự án đã đổi chủ.
Thứ tư, ngày nay các quan hệ quốc tế trở nên phức tạp hơn, năng lượng có thể trở thành một vũ khí khi có tranh chấp, nên ANNL càng được các nước coi trọng. Việt Nam với những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, vấn đề Biển Đông nóng bỏng đương nhiên phải đề cao ANNL hơn nữa, gắn chặt với an ninh kinh tế nói chung và an ninh quốc phòng của nước nhà.
Cuối cùng, do tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và khát vọng phát triển lớn, nước ta đang có nhu cầu lớn về đầu tư để tăng nguồn cung cấp điện. Với cường độ sử dụng điện cao, lại chưa chú trọng đúng mức tới tiết kiệm điện, kể cả khi lựa chọn các dự án công nghiệp dùng nhiều điện, với chính sách giá điện còn phần nào bao cấp để thu hút FDI, chúng ta đang đẩy nhu cầu tăng nguồn điện lên thậm chí có thể quá mức.
Cơ cấu các nguồn điện cũng đang phải chuyển đổi mạnh sang tăng tỷ trọng NLTT khi tỷ trọng thủy điện giảm dần, điện than thì không nên và không thể tăng (do phản ứng xã hội đối với vấn nạn môi trường từ điện than, do nguồn cung vốn và thiết bị có chất lượng tốt cho điện than ngày càng hạn hẹp, do nguồn than trong nước không còn đủ mà phải nhập khẩu, và do chi phí đầu tư cao nếu tính đủ các chi phí ngoại biên như vận tải, bến bãi chứa than và xử lý xỉ than, tác động môi trường và sức khỏe của người dân…), và điện hạt nhân thì còn xa vời.
Thị trường điện cạnh tranh cũng đang có sức ép phải sớm hình thành đầy đủ, đồng bộ. Quản trị ngành điện cả ở cấp vĩ mô và vi mô đều cần tăng cường mọi mặt, từ tầm nhìn, định hướng chiến lược, đến năng lực đầu tư và vận hành, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực...
Với nhiều vấn đề phải giải quyết cùng một lúc như vậy, yếu tố ATNL càng cần phải đặt ra và gắn vào mọi chính sách và giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành điện Việt Nam hiện nay và tương lai.
Theo bà, những khía cạnh nào liên quan đến an ninh năng lượng cần xem xét?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Thứ nhất, ANNL là vấn đề chiến lược, phải đặt trong chiến lược phát triển năng lượng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và gắn với chiến lược an ninh quốc phòng. Cần xem xét một cách dài hạn thay vì chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu trong 5 - 10 năm. Ngành điện nước ta hiểu điều đó nên đã xây dựng các tổng sơ đồ điện và tầm nhìn cho một thời kỳ dài vài chục năm. Vấn đề là khi thực hiện thì từng giai đoạn 5 năm, 10 năm cũng phải tuân thủ yêu cầu ANNL và chiến lược phát triển dài hạn, không thể “du di”.
Thứ hai, cần nhận thức và dự báo những xu hướng thay đổi về công nghệ, về các điều kiện kinh tế, kỹ thuật, môi trường, an ninh các mặt và về các quan hệ quốc tế. Từ đó chủ động đưa ra và thực hiện các phương án thích ứng. Không thể khư khư làm theo những quy hoạch đã duyệt có thể nhanh chóng lỗi thời, để rồi bị lạc hậu so với các nước, các ngành khác, hoặc lúng túng trong ứng phó với các biến động, từ đó tạo nên thách thức mới.
Thứ ba, cần cái nhìn và cách làm tổng thể. Chiến lược phát triển và ANNL cần đáp ứng nhu cầu của cả nước và các vùng miền, và cần có sự phối hợp giữa các ngành. Trong thiết kế chiến lược cũng như khi thực thi trong từng thời kỳ, ngành điện phải đảm bảo phục vụ sự phát triển của các ngành công nông nghiệp, dịch vụ, an ninh quốc phòng, đồng thời các ngành khác cũng phải chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm điện, giảm cường độ, tăng hiệu quả sử dụng điện. Không thể “vênh” nhau để gây cản trở hoặc lãng phí cho bên này, bên khác.
An ninh quốc phòng còn đòi hỏi ngành điện khi đầu tư phải phối hợp, tính toán kỹ các vấn đề như địa điểm đầu tư, nguồn vốn, nguồn công nghệ, ai làm… và nhà nước sẽ kiểm soát như thế nào.
Thứ tư là bài toán toàn diện trong phát triển ngành điện. Hệ thống phát điện, truyền tải, lưu trữ, phân phối điện cần được đầu tư đồng bộ, phân bổ và kết nối hợp lý giữa các vùng để phát huy hiệu quả của toàn mạng lưới.
Một yêu cầu khác của bài toán toàn diện trong đầu tư vào ngành điện là nhà đầu tư phải có năng lực về nhiều mặt. Không chỉ có vốn, nhà đầu tư phải đảm bảo cung cấp công nghệ, thiết bị kỹ thuật tin cậy và năng lực quản trị, vận hành tốt. Ngành điện có quyền đòi hỏi toàn diện ở nhà đầu tư, bởi đây là ngành cung cấp đầu vào quan trọng bậc nhất cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, cũng như gắn với an ninh quốc phòng.
Từ đó, phải có nhiều quy định sâu, toàn diện và nghiêm ngặt hơn đối với các dự án điện so với những dự án khác. Các hiệp định thương mại, đầu tư quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng luôn bảo lưu quyền của nhà nước can thiệp khi đụng đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Vì vậy những vấn đề nói trên cần được nêu thật cụ thể, đầy đủ, minh bạch trong các quy định pháp luật liên quan, nhất là trong Luật Đầu tư và Luật Điện lực.
Những quy định nào cần được làm rõ hoặc bổ sung, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cần lưu ý những vấn đề sau:
Một là tiêu chí về năng lực toàn diện của nhà đầu tư năng lượng. Ngay cả với nhà đầu tư đăng ký đáp ứng đủ các yêu cầu về vốn, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật… thì cũng cần biết các nguồn đó đến từ đâu. Phải dứt khoát từ chối những nhà đầu tư với nguồn cung không đủ tin cậy.
Hai là cần ràng buộc nhà đầu tư về trách nhiệm bảo đảm thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành và bảo hành, kể cả về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiến độ thời gian. Trong toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành, nhà đầu tư phải chịu sự giám sát của Nhà nước Việt Nam, và phải chịu sự trừng phạt, thậm chí rút phép nếu vi phạm. Điều này giúp tránh trường hợp đầu cơ, xin dự án để bán, hoặc làm không đúng cam kết, đẩy rủi ro cho phía Việt Nam.
Ba là, quy định về chuyển nhượng dự án, trên tinh thần: nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng sau một thời gian nhất định; nước chủ nhà được quyền ưu tiên mua lại dự án; và Nhà nước Việt Nam có quyền từ chối đối tượng được nhà đầu tư chọn chuyển nhượng dự án, nếu đối tượng đó không đủ năng lực hoặc có nguy cơ gây phương hại cho ANNL, an ninh quốc phòng của Việt Nam.
Bốn là, quy định thật rõ ràng, chi tiết về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các ngành, các cấp liên quan trong phát triển ngành điện và đảm bảo ANNL. Kể cả về trách nhiệm phối hợp cũng phải minh bạch. Tôi rất sợ cách làm việc tập thể của ta, với rất nhiều đơn vị, cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm tham gia, nhưng lại thiếu phối hợp, thiếu trách nhiệm giải trình, ít hỗ trợ mà còn gây khó cho công việc của ngành điện và các nhà đầu tư.
Tôi không rõ tình trạng các nhà đầu tư Việt Nam bán dự án NLTT cho nước ngoài khá nhiều như hiện nay thì trách nhiệm thuộc về ai. Theo tôi, các dự án điện dù lớn hay nhỏ không thể chỉ thuộc thẩm quyền của địa phương. ANNL là vấn đề quốc gia. Chúng ta đã có nhiều bài học về dự án thủy điện nhỏ nhưng tác hại lớn. Do vậy Nhà nước vẫn phải quản lý, giám sát, tránh việc các dự án điện có thể rơi vào tay những nhà đầu tư không đảm bảo về ANNL, an ninh quốc phòng.
Cùng với cơn sốt đầu tư điện tái tạo, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm mọi cách để tham gia vào các dự án điện. Theo bà, tại sao các nhà đầu tư ngoại lại quan tâm đặc biệt với các dự án điện ở Việt Nam như thế?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Một là, đầu tư vào điện có lợi nhuận dài hạn cao.
Nhiều nước khác có thể đủ lực để làm, không huy động FDI. Việt Nam thì còn thiếu các nguồn lực, trong khi khao khát làm nhanh, làm nhiều nên cho nhiều ưu đãi, lại tham gia nhiều FTA, từ đó tạo ra thị trường lớn và hấp dẫn cho FDI.
Hai là, năng lực cung cấp công nghệ, thiết bị cho NLTT trên thế giới hiện nay rất lớn, vòng đời lại ngắn do thay đổi nhanh nên thị trường phía cung dễ bị dư thừa, phải cạnh tranh mạnh để tiêu thụ. Nguồn vốn để đầu tư cũng không thiếu. Ai đầu tư nhanh thì khả năng thắng càng cao, nên họ muốn vào càng sớm càng tốt.
Ba là, cũng có thể có nhà đầu tư nước ngoài thấy việc kiểm soát của chính quyền Việt Nam đối với NLTT chưa thật chặt chẽ, chưa đòi hỏi cao, lại thấy có tình trạng tham nhũng nên nghĩ rằng dễ xin dự án, dễ “chui”, nên tìm mọi cách để xin phép đầu tư, thậm chí mua bán dự án để vào thật nhanh, nhất là khi Chính phủ đang ưu đãi về giá mua điện mặt trời, điện gió.
Có nhà tư vấn người nước ngoài nói rằng việc FDI đầu tư vào điện, vào NLTT là có lợi cho Việt Nam do tiếp cận được nhanh các nguồn vốn và công nghệ mới. Song cần hiểu rằng các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đầu tư làm điện tuy có lợi về kinh tế, nhưng ta cần cẩn trọng về nhiều mặt để đảm bảo yêu cầu ANNL, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng của nước nhà. Vả lại, chắc gì đã thật sự có lợi về kinh tế, nếu tính toán đầy đủ chi phí các mặt của các dự án đó!
Vậy theo bà đâu là lý do khiến các nhà đầu tư Việt Nam luôn muốn hoặc sẵn sàng bán dự án cho các nhà đầu tư ngoại, vì lợi dụng chính sách để kiếm lợi hay thực sự họ không đủ năng lực thực hiện?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi không biết rõ từng trường hợp, nhưng có thể có mấy loại nguyên nhân sau:
Một là, thực tế có những nhà đầu tư không có đủ năng lực để thực hiện các dự án được cấp phép. Họ chủ yếu là người huy động được vốn. Làm nhanh bán nhanh để sớm thu vốn về trả cho những nơi họ vay, kiếm một khoản lãi là đủ với họ rồi. Cố làm sâu hơn chưa chắc đã thắng mà rủi ro thì lớn do họ thiếu năng lực.
Hai là, có những người đầu cơ là chính, có kênh chạy được dự án thì bán luôn giấy phép, hoặc cố làm xong dự án trước khi hết ngày hưởng giá điện cao rồi bán. Nhiều nhà đầu tư FDI đang muốn vào theo con đường rút ngắn kiểu này, nên cơ hội kiếm lời cho người đầu cơ rất lớn. Một số cơ quan có thẩm quyền chưa chắc đã phân biệt được nhà đầu tư với người đầu cơ, cứ có dự án là có thành tích, chưa kể có thể được “bôi trơn”, nên sẵn sàng trao cơ hội cho người đầu cơ.
Ba là, có những nhà đầu tư Việt thực sự muốn đầu tư và có năng lực làm. Tuy nhiên, vận hành trong cả chặng đường dài sau khi xây dựng nhà máy lại không dễ. Nhiều nhà đầu tư NLTT gặp khó ngay từ đầu khi vận hành, do chỉ có một người mua, do thiếu đường truyền tải điện, do thỉnh thoảng lại bị người mua dừng không mua điện, do giá mua có thể thay đổi từng thời gian…
Việc bán sản phẩm thì bấp bênh, bài toán kinh doanh thì bị nhiều nhân tố bên ngoài chi phối, trong khi nợ và lãi vay vẫn phải trả đều đều. Vì vậy nhà đầu tư sẽ bán dự án ngay khi có người mua với giá hời, hoặc sẽ chủ động tìm người thay thế. Những trường hợp như vậy thật vô cùng đáng tiếc. EVN và các cơ quan nhà nước rất cần nghiêm túc khắc phục những vấn đề đã gây ra cho nhà đầu tư NLTT, đừng để các nhà đầu tư có năng lực phải bỏ cuộc kiểu này.
Nếu như để các nhà đầu tư kém tin cậy làm nhiều quá thì cũng là một cách đẩy các nhà đầu tư có uy tín đi.
Bà Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế
Theo tôi quan sát, một số nhà đầu tư Việt trong lĩnh vực hạ tầng ngày nay vừa có khả năng về vốn, có độ tín nhiệm cao để huy động vốn từ các nguồn vững chắc, vừa có năng lực làm các dự án hạ tầng tương đối lớn.
Họ cũng có thể bắt tay với doanh nghiệp Việt khác có năng lực tốt để cùng chung sức làm. Cách làm như thế rất tốt, nên được khuyến khích. Cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt hợp sức làm các dự án lớn và quan trọng, chứ đừng cái gì cũng dựa vào FDI.
Tôi không thích cách của một số cơ quan nhà nước luôn ưa thích và chiều chuộng FDI, kể cả các nhà đầu tư "ít tài nhiều tật", giỏi tranh dự án bằng nhiều thủ đoạn rồi chỉ bán thiết bị và thuê nhà thầu Việt làm.
Trong khi đó lại đưa ra nhiều đòi hỏi khắc nghiệt đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt, hạn chế cơ hội họ tham gia các dự án phát triển của đất nước.
Nếu doanh nghiệp Việt được làm thì một mặt, vấn đề an ninh quốc phòng sẽ được chủ động hơn, mặt khác họ sẽ có thể trưởng thành nhanh chóng, vững chắc hơn, đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc.
Tôi đặc biệt lo lắng khi một loạt dự án hạ tầng rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, rút cục không đảm bảo về chất lượng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam, hay kéo dài thời gian và đội vốn lên cao chất ngất như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Trong lĩnh vực điện, phần lớn các dự án điện than cũng do Trung Quốc làm, trong đó không ít dự án gây vấn nạn ô nhiễm môi trường và tổn hại sức khỏe người dân nghiêm trọng.
Nếu xét về an ninh quốc phòng, trong bối cảnh khu vực Biển Đông "nóng" như vậy, những thực tế này là điều rất đáng lo ngại!
Hơn nữa, nếu như để các nhà đầu tư kém tin cậy làm nhiều quá thì cũng là một cách đẩy các nhà đầu tư có uy tín đi.
Mong muốn hợp tác về hạ tầng và năng lượng của các nhà đầu tư có uy tín từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU với Việt Nam vẫn lớn, ta lại có các FTA “thế hệ mới” với Nhật, với EU và quan hệ hợp tác nhiều mặt tăng rất nhanh với Hoa Kỳ.
Không thể vì vội vã muốn có dự án ngay mà để mất cơ hội cho các dự án chất lượng cao với một ngành đòi hỏi tính toàn diện và dài hạn như điện.
Nói đến an ninh quốc phòng, bà nghĩ sao về việc các nhà đầu tư ngoại thâu tóm các dự án năng lượng ở các khu vực có vị trí chiến lược trong các địa bàn quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung…?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Bảo vệ vững chắc về mọi mặt các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng là trách nhiệm của nhà nước và mọi công dân Việt Nam.
Thực ra, đông đảo người dân đã rất có ý thức khi họ phản ứng về việc cho nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư khai thác bô xít ở Tây Nguyên trước đây; hay khi đưa ra dự thảo Luật Đặc khu với nhiều chính sách quá ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài khiến họ lo ngại nguy cơ mất kiểm soát...
Người dân không chấp nhận đánh đổi lợi ích kinh tế với nguy cơ người nước ngoài có thể xâm nhập các vùng chiến lược quan trọng của nước nhà; đặc biệt là khi Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ tham vọng chiếm lĩnh Biển Đông và liên tục có những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước ta, bất chấp luật pháp quốc tế, ý thức công dân về chủ quyền,an ninh và lợi ích quốc gia ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, thách thức về Biển Đông không chỉ vấn đề của Việt Nam, mà là vấn đề cả thế giới quan tâm. Càng cần sự ủng hộ của quốc tế để bảo vệ chủ quyền thì chính chúng ta càng phải không buông lỏng cảnh giác.
Trong một kỳ họp Quốc hội năm 2020, thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã cảnh báo về tình trạng người Trung Quốc mua nhà, mua đất ở các địa phương. Cá nhân mua nhà mua đất đã thành vấn đề, thì nhà đầu tư nước ngoài có tổ chức tham gia các dự án như hạ tầng giao thông, năng lượng càng nhạy cảm hơn rất nhiều lần.
Việc các nhà đầu tư ngoại thâu tóm các dự án năng lượng ở các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng thực sự rất đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi ta chưa rõ đằng sau họ là ai và họ cũng có thể dễ dàng bán cho người khác để kiếm lời.
Việc đó không những đe dọa ANNL, an ninh kinh tế, mà còn gây rủi ro lớn cho an ninh quốc phòng của nước nhà.
Nhà nước rất cần ra tay xử lý sớm nhất và có biện pháp ngăn chặn ngay những việc làm tương tự của bất cứ đối tượng nào.
Lợi ích quốc gia cần đặt lên trên hết!
Xin cảm ơn bà!