Ba phụ nữ cuối cùng ở trại phong hoang tàn

Trại phong Đá Bạc bị bỏ hoang nhiều năm đang là nơi nương náu của ba phụ nữ có số phận kém may mắn. Họ là những bệnh nhân cuối cùng còn bám trụ lại và có lẽ sẽ ở đây đến cuối đời.

Trại phong Đá Bạc nằm giữa những ngọn đồi heo hút trên địa bàn xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 50 km. Trại này được xây dựng từ những năm 50, ban đầu có khoảng 100 người bệnh điều trị, sinh sống. Trải qua hơn nửa thế kỷ, công trình đã xuống cấp trầm trọng. Đến năm 2013, những bệnh nhân trong trại được di chuyển về tỉnh Bắc Ninh, do đó khu vực này bị bỏ hoang.

Phóng viên có mặt vào một buổi sáng mùa hè, một cảm giác lạnh lẽo, hoang tàn ập đến dù ngoài trời đang nóng 34 độ C.

Hầu hết dãy nhà điều trị của trại phong đã nhuốm màu thời gian, xuống cấp, những mảng tường nấm mốc, vôi vữa rơi rụng. Mặc dù vậy, bên trong vẫn có một không gian sống của những người còn sót lại với đầy đủ bàn ghế, giường chiếu, rất sạch sẽ và ngăn nắp. Ba cụ già bị bệnh phong đang sống tách biệt với cộng đồng, đó là bà Sợi, bà Liên và bà Oanh đều ở độ tuổi ngoài thất thập cổ lai hy.

Có người để trút bầu tâm sự như hạn hán gặp mưa rào

Trong ánh chiều muộn, những vệt nắng heo hắt cuối ngày chiếu lên bức tường của dãy nhà điều trị nhuốm màu rêu phong cũ kỹ, bà Sợi loay hoay ra vườn hái vài ngọn rau bí để nấu bữa tối. Bữa cơm đơn giản chỉ vài món đậu, rau, muối vừng rồi có khi là con tôm, miếng cá của người dân bên làng mang sang biếu.

Nằm cách xa khu dân cư, cuộc sống của ba người phụ nữ cũng tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tận dụng mảnh vườn trong trại, bà Sợi trồng đủ các loại rau, khoai, sắn thậm chí là cây xoài, cây đu đủ vừa để tự cung cấp vừa để cuộc sống bận rộn hơn. "Mình già rồi, ăn uống có quan trọng gì đâu, cả vườn rau, khoai sắn ngoài kia làm cũng để cho vui, giết thời gian ấy mà", bà Sợi nói.

Tuy nhiên, từ khi được báo chí biết đến, cuộc sống của các bà cũng thay đổi nhiều hơn. Cuộc ghé thăm đều đặn của những đoàn thiện nguyện, nhóm sinh viên trẻ hay hỗ trợ vật chất như tủ lạnh, tivi, đầu đĩa phần nào tiêu tan đi nỗi buồn cô đơn của tuổi già.

Trong số ba cụ già, bà Sợi là người thân thiện với người lạ nhất, sẵn sàng chia sẻ nhiều niềm vui nỗi buồn của cuộc đời. Với bà, có người để được nói chuyện, trút bầu tâm sự là điều quý giá. Bà bảo có tiếng người như hạn hán gặp cơn mưa rào. Ngày thường ở nơi hoang vắng này, chỉ có 3 bà với nhau, có ngày chẳng ai nói với ai câu nào.

Nơi ở của bà Sợi là khu nhà khám chữa bệnh ở ngay lối ra vào trại phong. Căn nhà có giàn mướp xanh rờn bao quanh, phía trước hiên là cây mít hàng chục năm tuổi tỏa bóng mát. Trên mảng tường đã nhuốm màu thời gian là những bức vẽ do nhóm tình nguyện viên thực hiện, nhìn chúng chẳng ai nghĩ đây là một nơi bỏ hoang, mà chỉ cảm thấy thanh bình, vui vẻ và thân thiện lạ thường.

Bà Sợi là một trong số ba cụ già tình nguyện ở lại đây bất chấp việc không còn được nhận trợ cấp từ nhà nước, bởi với họ Trại phong Đá Bạc đã thật sự là một ngôi nhà, nơi họ đã gắn bó cả cuộc đời. Hàng ngày những mảnh đời tuổi xế chiều bất hạnh chung sống với nhau, họ khẳng định sẽ ở bên nhau cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời.

Khi phóng viên hỏi về bệnh phong, bà Sợi chỉ lắc đầu ngao ngán: "Thôi, nhớ đến làm gì để rồi lại thêm buồn".

Cửa miệng thì thốt lên vậy nhưng gặp được người để nói chuyện bà Sợi như được cởi nút thắt chất chứa trong lòng bấy lâu.

Nhấp ngụm nước đun sôi để nguội từ chiếc cốc thủy tinh đã úa màu, nhiều vết sứt, bà Sợi kể vào Trại phong Đá Bạc từ năm 1967, đến nay đã 50 năm có lẻ. Ngày còn trẻ bà tham gia thanh niên xung phong đi đào mương thủy lợi nhưng bỗng một ngày thấy tay chân tê khác thường, nhúng vào nước nóng không có cảm giác gì. Sau đó, bà được đoàn bác sĩ Viện Da liễu đến thăm khám. "Họ kết luận tôi mắc bệnh phong. Hồi đấy người ta gọi là "hủi". Buồn, buồn lắm. Nhưng buồn mà chỉ dám giấu trong lòng chứ không dám hé răng nói với ai cả vì ngày xưa người ta nghe đến hủi là bị người đời xa lánh ghê lắm", bà Sợi nghẹn ngào.

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, chuyện bà mắc bệnh phong khắp làng trên xóm dưới ai ai cũng biết. Họ đồn đại, xì xào bàn tán mỗi khi bà đi ngang qua. Nhưng điều khiến bà khổ tâm nhất lại là người cha nuôi. "Dù không phải cha đẻ nhưng ông thương tôi nhiều lắm. Hồi ấy cụ ông làm cán bộ, chuyện tôi bị bệnh người ta cứ nói ra nói vào khiến ông thức trắng nhiều đêm mà suy nghĩ, rồi thương con ông lại khóc một mình. Nghĩ đến cảnh đó tôi không đành nên xin ông tới trại phong ở để chữa bệnh. Ngày chia xa ông viết những lời dặn dò nếp ăn ở vào cuốn sổ tay cho tôi. Nhưng tôi lại mù chữ nên mỗi lần nhớ ông chỉ biết nhờ bè bạn đọc hộ", bà Sợi bồi hồi nhớ lại.

Mồ côi cha mẹ từ thuở ấu thơ, mất liên lạc với họ hàng

Cũng giống như bà Sợi, cảnh đời của bà Liên cũng chẳng hề kém phần éo le. Mồ côi cha mẹ từ khi chưa tròn 10 tuổi, tuổi thơ của bà là chuỗi ngày lam lũ sống nhờ người chú họ.

Khi đến cái độ chín của tuổi xuân sắc, bà ngã gục khi phát hiện ra mình mắc căn bệnh phong quái ác.

Bà Liên được đưa lên Trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) điều trị, cũng từ đó bà mất liên lạc với họ hàng. Số phận đưa đẩy, ở Trại phong Quả Cảm, bà kết hôn với một người đàn ông cùng trại và sinh một cậu con trai. Mặc dù vậy, cuộc hôn nhân của hai số phận cùng cảnh ngộ cũng buồn tẻ, ảm đạm như chính cuộc đời họ.

Căn bệnh phong nếu làm người bệnh đau đớn một thì chính sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng lại khiến họ đau đớn gấp nhiều lần. Cũng chính bởi tâm lý ấy mà bà Liên và chồng phải gửi đứa con trai lên 7 tuổi đi làm con nuôi, chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng. Và phải mãi nhiều năm lưu lạc sau này, bà mới được trở về Sóc Sơn hội ngộ với chồng và gắn bó với Trại phong Đá Bạc từ đó tới nay.

Người khó gần, ít trò chuyện nhất trại

Trong số ba cụ già còn gắn bó ở Trại phong Đá Bạc, bà Oanh là người khó gần nhất, ít khi trò chuyện với khách lạ và đặc biệt không thích người khác bước chân vào phòng của mình.

Phải nhờ tới sự giới thiệu của bà Sợi, phóng viên mới phần nào hiểu được cuộc đời lắm gian truân của người phụ nữ này. Hơn 70 năm tuổi đời thì có tới 50 năm bà Oanh sinh sống tại Trại phong Đá Bạc. Bà may mắn gặp được tình yêu của đời mình là một người đàn ông cùng cảnh ngộ, họ có với nhau 5 người con. "Ngày ấy tôi cứ cố gắng đẻ nhiều để về già có chỗ nương nhờ. Thế nhưng vì thương con cảnh lớn lên thiếu thốn đủ bề nơi góc núi này tôi lại đành cho người ta làm con nuôi", bà Oanh nhớ lại.

Sau khi gửi gắm đàn con về gia đình mới, bà Oanh cùng chồng sống tiếp những ngày còn lại của cuộc đời cho đến khi ông ra đi. Cũng chính vì nặng lòng với ông, bà nhất quyết không chuyển về trại phong mới mà ở lại lo hương khói cho người chồng quá cố của mình.

Dù được chế độ chuyển đến trại phong mới vào năm 2013, nơi có điều kiện sống tốt hơn, được nhân viên y tế trông nom, chăm sóc nhưng cả bà Sợi và bà Liên đều không muốn rời xa nơi họ đã gắn bó cả cuộc đời mình và cũng để hương khói cho những bệnh nhân phong đã khuất trước đó.

Cũng chính vì vắng người mà bà Sợi thường gửi gắm tâm sự của mình với hai chú chó cưng tên là Bun và Mập. Hễ không thấy bóng dáng nó là bà lại nháo nhác đi tìm. Mấy năm trước bà nuôi một con chó khôn nhưng sau đó bị bọn trộm câu mất. Tiếc lắm nên giờ bà đi đâu cũng phải dắt con Bun theo cùng.

Giờ đây niềm vui của ba người phụ nữ là những dịp cuối tuần khi vài nhóm sinh viên tình nguyện, nhà hảo tâm đến giúp các bà quét nhà, dọn dẹp sân vườn hay đơn giản là nấu một bữa cơm ăn cùng nhau trò chuyện những điều không đầu không cuối.

Việt Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ba-phu-nu-cuoi-cung-o-trai-phong-hoang-tan-post965572.html