Bà Rịa - Vũng Tàu: Đối thoại với tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ
Ngày 23/4, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị đối thoại với tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với sự tham dự của các cơ quan chức năng của tỉnh như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Kinh tế các địa phương…
Tại hội nghị, bà Tô Ngọc Lan, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo về tình hình hoạt động chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 79 chợ nằm trong quy hoạch; trong đó, số lượng chợ do nhà nước quản lý 66 chợ và 13 chợ do doanh nghiệp quản lý.
Hiện nay, phần lớn chợ nằm trên địa bàn đô thị đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không được đầu tư mới từ ngân sách Nhà nước, mà phải thực hiện việc xã hội hóa đầu tư theo quy định tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, do có một số chợ không thu hút được nhà đầu tư tham gia xã hội hóa dẫn đến tình trạng chợ ngày càng xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ; ngoài ra cơ sở hạ tầng của một số chợ đầu tư xã hội hóa do doanh nghiệp quản lý đã bị xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay, số lượng quầy sạp tại các chợ vẫn không đổi nhưng số lượng hộ kinh doanh tại các chợ đã giảm đi khoảng 30-50%.
Tại các chợ hiện đang gặp phải những khó khăn, hạn chế như: Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng gặp khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn từ bộ; việc chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động chưa hiệu quả; công tác xử lý, dẹp bỏ đối với các chợ tự phát còn hạn chế; việc xử lý đối với các hộ kinh doanh sinh sống trong phạm vi chợ hay xây dựng văn minh thương mại chưa được quyết liệt;... Cùng với đó, hiện nay so với sự phát triển đi lên của các loại hình kinh doanh bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại… đã tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống.
Tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn tồn tại; tình trạng tiểu thương vi phạm Nội quy chợ vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là các hành vi lấn chiếm lối đi, gây ảnh hưởng đến mỹ quan chợ cũng như thực hiện văn minh thương mại.
Tại hội nghị đối thoại, nhiều ý kiến tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh phản ánh về tình trạng giá thuê dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ theo Quyết định 02/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thay thế Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND khá cao gấp 3 lần so với trước đây, khiến nhiều bà con tiểu thương tại các chợ truyền thống không trả nổi vì giá thuê thì tăng mà chợ thì buôn bán ế ẩm nên phải đóng cửa bỏ chợ.
Cùng với đó là nạn lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để buôn bán, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, lượng khách hàng lớn của bà con tiểu thương buôn bán cố định trong các ô sạp, có đóng thuế trong chợ ngày càng bị sụt giảm nghiêm trọng lượng khách hàng, dẫn đến buôn bán ế ẩm, không cạnh tranh được với nhiều người buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.
Nhiều bà con tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho biết, các hộ buôn bán tự phát xung quanh chợ tồn tại từ lâu và ngày càng bành trướng, bà con đã nhiều lần ý kiến mà không được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, khiến nhiều chợ truyền thống đến hơn 50% bà con phải đóng cửa ô sạp kinh doanh, bỏ nghề, nghỉ bán, bà con tiểu thương không tìm ra lối thoát, gây bức xúc trong bộ phận bà con tiểu thương, trong khi đó bà con buôn bán trong chợ phải đóng tiền phí, thuế quá cao, buôn bán thì ngày càng ế ẩm. Chính vì vậy, bà con rất mong muốn cơ quan chức năng của các địa phương mạnh tay, xử lý dứt điểm với nạn các hộ buôn bán tự phát xung quanh các chợ, giảm thuế cho bà con tiểu thương để bà con vượt qua những khó khăn này.
Đại diện tiểu thương chợ Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cũng phản ánh tình trạng, các hộ dân có nhà xung quanh chợ đã cho thuê mặt bằng buôn bán rất nhiều mặt hàng, khiến bà con buôn bán kinh doanh gặp nhiều khó khăn do gặp phải sự cạnh tranh. Đại diện tiểu thương cũng đề nghị, để buôn bán tại khu vực chợ tiểu thương phải đăng ký kinh doanh và bán đúng mặt hàng đã đăng ký để có sự công bằng đối với các tiểu thương khác trong chợ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các chợ truyền thống phải cấm hàng rong, không đăng ký kinh doanh được buôn bán trong chợ, để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho bà con tiểu thương, có như vậy chợ truyền thống mới tồn tại được.
Cũng tại hội nghị, đại diện một số Ban quản lý chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng nêu lên vấn đề chợ truyền thống đang ngày càng xuống cấp mà không được trùng tu, sửa chữa. Cùng với đó là hạng mục phòng cháy chữa cháy trong chợ không đạt, trong khi đó không có nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa khi bên Phòng cháy chữa cháy xuống kiểm tra đã ra quyết định xử phạt….
Trước những ý kiến, kiến nghị của bà con tiểu thương cũng như Ban quản lý các chợ đã được các cơ quan chức năng liên quan đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của bà con và sẽ tham mưu, đề xuất lên UBND tỉnh về việc giảm thuế, phí cho bà con tiểu thương; phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương xử lý dứt điểm vấn nạn hàng rong, buôn bán tự phát xung quanh chợ….
Tại hội nghị, đại diện Sở Tài chính cũng cho biết về việc thực hiện niêm yết giá đã được quy định nhưng thời gian qua nhiều bà con tiểu thương chưa thực hiện nghiêm, thời gian tới Sở Tài chính mong muốn bà con sớm thực hiện nghiêm việc niêm yết giá buôn bán tại các chợ trên địa bàn. Bên cạnh đó, đại diện Quản lý thị trường tỉnh cũng nêu ra các gợi ý về xu thế phát triển mới trong việc kinh doanh buôn bán tại chợ truyền thống như: Hàng hóa buôn bán phải có xuất xử rõ ràng, thay đổi phương thức bán hàng; thay đổi thái độ trong buôn bán, ứng xử với khách hàng; thay đổi phương thức quảng cáo đa dạng, phong phú hơn....