Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngôi sao mới về thu hút vốn FDI
Sau nhiều năm nằm trong top những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài - FDI cao nhất, tuy nhiên đây là lần đầu tiên, Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên dẫn đầu về thu hút nguồn vốn này với nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Nỗ lực của hệ thống chính trị
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vào thời điểm những ngày cuối cùng của năm 2023 với nhiều khâu đột phá. Địa phương xem đây là cơ sở, tiền đề để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành mà tỉnh đã có quy hoạch trọng tâm như: Công nghiệp, cảng biển, Logistics, đô thị, dịch vụ du lịch…
Trong các giải pháp trọng tâm thu hút đầu tư, khâu cải cách hành chính là khâu hết sức quan trọng, cũng là khâu đột phá để “giải phóng” hồ sơ cho nhà đầu tư nhanh nhất, “Tư lệnh ngành” và cũng là đơn vị tham mưu quan trọng cho tỉnh, ông Lê Ngọc Linh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đến khâu cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hướng đến đạt mục tiêu chính quyền số, kinh tế số. Do đó, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như các chỉ số khác cũng đã tăng vượt Top đầu. Điều đó chứng minh sự điều hành từ cấp tỉnh xuống cấp cơ sở đạt hiệu quả.
Trong thu hút đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư còn nhấn mạnh đến việc tỉnh còn đưa ra các giải pháp, kế hoạch để thực hiện, như việc xây dựng các nội dung chi tiết của kế hoạch; lập các danh mục đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách; luôn xác định quan điểm thu hút có chọn lọc, lựa chọn những dự án có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, có kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, không thâm dụng lao động…
“Lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cũng xác định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước và tạo mọi điều kiện và đặc biệt là sẵn sàng tháo nút thắt đảm bảo cho nhà đầu tư hoạt động đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Linh khẳng định.
Xác định trọng tâm
Xác định đất đai là khâu then chốt để nhà đầu tư ra quyết định cho dự án, do đó tỉnh luôn chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tạo quỹ đất sạch và cung cấp thông tin minh bạch, tiếp cận các thủ tục hành chính về đất đai.
Vấn đề này, ông Lê Anh Tú - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, trước tình hình hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư, Sở đã phối hợp cùng các địa phương nhằm hỗ trợ, hướng dẫn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giao chủ đầu tư hạ tầng các KCN, từ đó bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp.
“Trong giải quyết thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai, môi trường, Sở luôn xem hồ sơ mà các KCN lấy ý kiến là “luồng đỏ” để xử lý hồ sơ sớm nhất, nhanh nhất và ngắn nhất để có ý kiến từng dự án đầu tư. Khi các doanh nghiệp thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất và triển khai dự án, Sở sẽ khẩn trương chỉ đạo cho Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện thủ tục cấp giấy CNQSĐ trong thời gian nhanh nhất và có thể rút ngắn so với thời gian quy định để tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai ngay dự án, đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ”, ông Tú cho biết thêm.
Trái ngọt
Là một dự án đầu tư quan trọng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng là dự án trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn - Tổ hợp Hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam (Xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Đây là một trong những dự án FDI lớn nhất của Thái Lan tại Việt Nam và cũng là dự án mang tính chiến lược, có tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ USD (Chiếm hơn 1/3 tổng FDI).
Vậy vì sao dự án này lại chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi “xây tổ”, chia sẻ vấn đề trên, ông Chansak Chirawatpongsa - Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết, do Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí chiến lược cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, khu vực kết nối với vùng nước biển sâu, gần cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải, tỉnh lộ 991 và tuyến cao tốc mới Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Hơn nữa, tỉnh còn có đầy đủ tiện ích công cộng và cơ sở hạ tầng, bao gồm chỗ ở, bệnh viện và trung tâm mua sắm, cũng như Sân bay Quốc tế Long Thành trong tương lai. Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là chính quyền địa phương có đội ngũ công chức giàu năng lực luôn sẵn lòng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Chansak Chirawatpongsa nói thêm.
Phú Mỹ 3 - Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam (xã Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), được đưa vào hoạt động chính thức từ năm 2018, theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 12/2014.
Đến nay, Phú Mỹ 3 đã thu hút 44 nhà đầu tư ở các lĩnh vực công nghiệp nặng, hóa chất, hạ nguồn hóa dầu… đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia EU với tổng vốn 3 tỷ USD, tương đương 58 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Kazama Toshio - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Phú Mỹ 3 chia sẻ, trong 5 tháng đầu năm 2024, Phú Mỹ 3 đã thu hút thành công 6 nhà đầu tư FDI với tổng vốn 513 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư FDI quyết định đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu vì môi trường đầu tư thuận lợi, chính quyền địa phương luôn chia sẻ, đồng hành cùng các nhà đầu tư.
“Trong 5 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã hỗ trợ 2 khách hàng đăng ký thành công Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hiện tại chúng tôi đang hỗ trợ 4 khách hàng khác chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự kiến của 6 dự án này khoảng 513 triệu USD, với tổng diện tích cho thuê là 76.5ha”, ông Kazama Toshio cho biết.
Việc dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI từ những tháng đầu năm 2024 cho thấy, các giải pháp về thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả, giúp Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hướng đến trở thành khu vực động lực phát triển của Vùng Đông Nam bộ và là Trung tâm Kinh tế biển quốc gia, đủ tiêu chuẩn là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.