Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới trong buôn lậu xăng dầu
Nhiều tàu cá được hoán cải, ngụy trang để vận chuyển xăng dầu không rõ nguồn gốc.
Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BCĐ 389) vừa có báo cáo tổng kết hoạt động 9 tháng năm 2022.
Theo BCĐ 389 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua quá trình đấu tranh với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lực lượng chức năng tỉnh rút ra các phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhiều loại đối tượng.
Liên lạc qua điện thoại vệ tinh, dùng tiếng lóng
Đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, các đối tượng sử dụng phương tiện tàu cá cải hoán được trang bị 2-3 máy có công suất lớn từ 800 CV đến 1000 CV để mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi truy đuổi, bắt giữ.
Tàu được trang bị máy bơm với công suất lớn để bơm dầu cho các tàu cá. Mỗi tàu cá hoán cải thường chứa khoảng 110.000 lít đến 200.000 lít, nhìn bên ngoài tàu cá cải hoán không khác các tàu đánh bắt cá của ngư dân, được ngụy trang các ngư lưới cụ nhằm qua mặt các lực lượng chức năng.
Vị trí nhận dầu thường ở vùng biển xa, sau đó vận chuyển về bơm cho các tàu cá đánh bắt trên biển. Có đối tượng sử dụng biển số của tàu đi nhận dầu xong thay biến số giả cho tàu vận chuyển về vị trí bơm dầu cho các tàu cá để tránh bị phát hiện...
Chủ tàu và thuyền trưởng các tàu liên lạc trao đổi mua bán, giao nhận hàng hóa qua bộ đàm hoặc điện thoại vệ tinh, sử dụng tiếng lóng hoặc từ ngữ địa phương gây khó khăn cho hoạt động trinh sát kỹ thuật.
Quá trình giao nhận hàng thường có hai cặp tàu để bố trí cảnh giới từ xa, ban đêm khi phát hiện có tàu lạ tới gần không trả lời đúng ám hiệu các tàu sẽ rút ống bơm và bỏ chạy.
Một số tàu dịch vụ hậu cần thủy sản khi xuất bến thường lấy số lượng dầu ít hơn nhiều lần so với hóa đơn, chứng từ. Khi ra ngoài khơi thì móc nối với các tàu xăng dầu trên biển hoặc tàu xăng dầu nước ngoài để mua thêm số lượng xăng dầu (quá trình mua bán giao nhận thưởng không có hóa đơn, chứng từ theo quy định) để vận chuyển đi cấp, bán cho các ghe đánh bắt cá trên biển.
Hoạt động này thường được chủ phương tiện trong đất liền móc nối, thỏa thuận với đầu nậu của các tàu dầu trong nước và tàu dầu nước ngoài. Thuyền trưởng tàu dầu vận chuyển hàng đi cấp thực hiện theo sự chỉ đạo của ông chủ.
Khai báo hải quan không đúng thực tế hàng hóa
Đối với hàng hóa nhập khẩu, các đối tượng không khai báo hoặc khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; tang vật để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, được cất giấu tinh vi, giấu lần trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Khai báo hải quan là container rỗng nhưng thực tế có chứa hàng hóa nhằm trốn thuế, đưa vào nội địa để tiêu thụ.
Một số đối tượng lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, sử dụng phương thức “chọn luồng” (cùng một lô hàng khai báo nhiều tờ khai hải quan ở cùng một Chi cục hoặc khác Chi cục…)
Cố tình khai báo qua mặt hàng khác có thuế thấp, giá trị thấp để tiêu chí rủi ro phân vào luồng xanh, vàng.
Hành khách xuất nhập cảnh, thuyền viên lợi dụng sự thông thoáng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có giá trị cao và hàng cấm (ma túy, chất gây nghiện).
Trong 9 tháng năm 2022, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát hiện, xử lý hành chính 1.620 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 17 tỉ đồng, phát mại hàng hóa tịch thu sung quỹ số tiền hơn 30 tỉ đồng; khởi tố hình sự 57 vụ/63 đối tượng.
Hành vi vi phạm chủ yếu là mua bán trái phép chất ma túy; mua bán, vận chuyển dầu D.O, khoáng sản trái phép (cát nhiễm mặn); kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm trong lĩnh vực thuế, hải quan, hàng trung chuyển, quá cảnh…