Giảm đáng kể tình trạng buôn bán hàng rong trước cổng trường

Nếu như trước đây, tại cổng các trường của nhiều cấp học, đặc biệt vào buổi sáng và giờ tan học, thường xuyên có nhiều xe bán hàng rong, quà vặt cho học sinh- với đủ loại thực phẩm, bánh kẹo không có nhãn mác, xuất xứ... thì nay, tình trạng này đã giảm đáng kể.

Đến nay, các cơ sở trường học đã có nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng mua bán hàng rong trước cổng trường; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đi vào nề nếp, không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, để duy trì việc này lâu dài, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân- đặc biệt là các bậc cha mẹ.

Cổng trường “vắng” hàng rong

Nếu như trước đây, tại cổng các trường của nhiều cấp học, đặc biệt vào buổi sáng và giờ tan học, thường xuyên có nhiều xe bán hàng rong, quà vặt cho học sinh- với đủ loại thực phẩm, bánh kẹo không có nhãn mác, xuất xứ... thì nay, tình trạng này đã giảm đáng kể.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường 3, thành phố Tây Ninh), vào giờ tan học chiều, chỉ còn vài chiếc xe bán bánh kẹo, đồ chơi và cũng rất ít người mua. Một số học sinh mua nước uống tại máy bán hàng tự động bên hông trường.

Chị Lê Vũ Nguyên Phương (phường 3, TP Tây Ninh) đón con sau giờ tan học.

Chị Lê Vũ Nguyên Phương (phường 3, TP Tây Ninh) đón con sau giờ tan học.

Đợi rước con trước cổng trường, chị Lê Vũ Nguyên Phương (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) cho biết, chị luôn dặn con không được ăn uống các loại thức ăn trước cổng trường, vì có thể gây ngộ độc- nhất là đối với những sản phẩm bánh kẹo lạ mắt.

“Tôi tuyệt đối không mua cho con các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, cũng như không cho con tiền ăn quà vặt. Nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở chúng tôi việc này. Nay hạn chế được tình trạng các xe bán hàng, chúng tôi rất mừng và an tâm”- chị Phương nói.

Cô Trần Thị Thanh Quyên- Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với chính quyền địa phương ra quân chấn chỉnh nên tình trạng buôn bán tự phát trước cổng trường học đã giảm đáng kể. “Cha mẹ cần làm gương cho con em mình, để các em hiểu về nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với những loại thực phẩm không chất lượng, bày bán trước cổng trường”.

Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết thêm, công tác bảo đảm ATVSTP trong trường học được nhà trường quan tâm thực hiện. Căn-tin, nhà ăn bán trú, bếp ăn tập thể đều được giám sát- từ khâu tiếp phẩm, kiểm tra số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác đến kiểm tra mẫu thực phẩm đúng quy trình trước khi thức ăn được đưa đến các em.

“Từ đầu năm học đến nay, bếp ăn nhà trường được cơ quan chuyên môn đánh giá bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại trường không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào”- cô Quyên thông tin.

Tương tự, tại các trường: tiểu học Tôn Thất Tùng, THCS Chu Văn An, THCS Võ Văn Kiệt, THCS Trần Hưng Đạo... tình trạng mua bán thức ăn trước cổng trường được chấn chỉnh, điều đó cho thấy người dân ngày càng ý thức hơn về ATVSTP.

Đại diện lãnh đạo UBND phường 3 (TP. Tây Ninh) cho biết, UBND phường siết chặt công tác bảo đảm ATVSTP; thường xuyên tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh không mua thức ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán rong trước cổng trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương kết hợp với các trường học trên địa bàn vận động cho phụ huynh, học sinh ký cam kết không mua hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán xung quanh trường học.

Tăng cường quản lý, giám sát

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý về ATVSTP hiện hay còn chưa chặt chẽ; việc kiểm tra chưa thường xuyên đối với những hộ dân buôn bán hàng rong, thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn trước cổng trường học, chợ, bệnh viện, công viên... không rõ nguồn gốc, chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân- nhất là trẻ em.

Thời gian qua, Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện công tác truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm với nhiều hình thức như: cấp phát tờ rơi, nói chuyện lồng ghép, xe loa cơ động, tổ chức tập huấn an toàn thực phẩm... Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức về ATVSTP của các em học sinh, giáo viên tại các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh, người tiêu dùng...

Xe bán hàng rong trước cổng trường học.

Xe bán hàng rong trước cổng trường học.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh chỉ đạo các ngành Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp kiểm tra về ATTP trong các đợt cao điểm trước, trong và sau tết nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP và tết Trung thu từ tỉnh đến xã. Trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, từng ngành phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn từ cấp tỉnh đến cấp xã; chú trọng kiểm tra sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, số lượng hàng quán bán thức ăn đường phố, vỉa hè (bao gồm những hộ dân buôn bán hàng rong hoặc bán trước cổng trường học, chợ, bệnh viện, công viên...) rất lớn, để kiểm soát tất cả là việc không hề dễ dàng. Hơn nữa, hầu hết các cơ sở kinh doanh này đều là nhỏ lẻ, theo mùa vụ, không cố định. Theo Nghị định 15 của Chính phủ và Quyết định 41 của UBND tỉnh, các cơ sở này không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn của UBND xã, phường, thị trấn; được hướng dẫn làm thủ tục cam kết bảo đảm ATTP với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Hằng năm, Chi cục ATVSTP (trực thuộc Sở Y tế) triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về dịch vụ ăn uống đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của cấp trên hoặc khi có các vấn đề phát sinh có liên quan. Song song đó, Chi cục ATVSTP tỉnh phân bổ kinh phí và chỉ đạo tuyến huyện, xã thực hiện tuyên truyền, kiểm tra ATTP trên địa bàn; phối hợp Đội Quản lý thị trường đóng trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các hộ dân buôn bán hàng rong, bán trước cổng trường học, chợ, bệnh viện, công viên... vi phạm liên quan đến những mặt hàng không rõ nguồn gốc, không có kiểm tra chất lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân- nhất là trẻ em.

Ban Chỉ đạo, Sở Y tế thường xuyên tổ chức, phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, thức ăn đường phố, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường vào các đợt cao điểm, đặc biệt vào các kỳ thi tuyển sinh trong năm; yêu cầu các cơ sở này không kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, không bảo đảm ATTP.

Đối với việc kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường, thời gian qua, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang làm tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn; tổ chức truyền thông, giáo dục kiến thức thực hành đúng về ATTP; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Trên thực tế, vẫn còn một số người dân chưa chú trọng việc bảo đảm ATVSTP, còn thói quen tiêu dùng thiếu an toàn, sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nguy cơ ngộ độc cao... Do đó, bên cạnh biện pháp quản lý của các cấp, ngành chức năng, người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng cần phải chung tay, cộng đồng trách nhiệm mới có thể bảo đảm ATTP, an toàn sức khỏe, tính mạng con người.

Tâm Giang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/giam-dang-ke-tinh-trang-buon-ban-hang-rong-truoc-cong-truong-a181144.html