Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhìn lại 2 năm thực hiện chương trình phát triển đô thị
Là địa bàn cầu nối, hội nhập vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên, có tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, trong nhiều năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị nhằm thực hiện chiến lược phát triển chung của quốc gia, khẳng định được vị thế, vai trò hạt nhân có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, quốc gia và quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã làm tốt trong công tác phát triển đô thị.
Quan tâm phát triển đô thị
Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh gần 2.000km2, trong đó, diện tích đất đô thị khoảng 667,8km2 chiếm khoảng 33,7% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh (trong đó, diện tích khu vực nội thị khoảng 428,1km2). Dân số đô thị trung bình năm 2019 là 675.599 người.
Theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế phía Đông Nam – dọc theo Quốc lộ 51 của vùng, đóng vai trò là cửa ngõ hướng ra biển Đông. Ngoài vận tải đường thủy với hệ thống cảng biển quy mô quốc gia và quốc tế, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến giao thông chủ đạo liên vùng là Quốc lộ 51, Quốc lộ 55 và Quốc lộ 56 kết nối với các khu vực khác trong vùng Đông Nam bộ và quốc gia.
Thực hiện Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 58,8% (cao hơn so với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc), các đô thị đảm bảo chất lượng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu chuẩn chất lượng đô thị nhìn chung đều cao hơn so với quy định tại Nghị quyết số 1210 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 10 đô thị, trong đó có 02 thành phố, 01 thị xã (Phú Mỹ) và 07 đô thị loại V. Sự hình thành và phát triển các đô thị góp phần to lớn cung ứng dịch vụ và nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ các hành lang kinh tế của tỉnh.
Theo ông Mai Trung Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay các Chương trình phát triển đô thị cho các đô thị Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Mỹ đã thẩm định xong và có báo cáo thẩm định, tờ trình UBND tỉnh. Hồ sơ các khu vực phát triển đô thị của 06 đô thị loại V đang triển khai song song với thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị.
Các chỉ tiêu trong đô thị đều đạt cao
Cho đến thời điểm này, diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực đô thị đạt khoảng 26,1 m2/người. Tỷ lệ nhà kiên cố đạt tỷ lệ 75%, nhà bán kiên cố chiếm tỷ lệ 18,07%, nhà thiếu kiên cố chiếm tỷ lệ 6,9% và nhà đơn sơ chiếm 0,045%.
Hiện toàn tỉnh có 3.979km đường giao thông, trong đó, 566km đường đô thị, 381km đường chuyên dùng. Đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại I và loại II đạt trên 22%; đô thị từ loại IV, V đạt trên 20%.
Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 193 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và khu dân cư đã và đang triển khai với tổng quy mô gần 9.200ha. Các dự án tập trung chủ yếu tại thành phố Vũng Tàu (78 dự án), thành phố Bà Rịa (45 dự án), thị xã Phú Mỹ (35 dự án).
Nhà ở khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh đạt trên 191.000 căn. Toàn tỉnh (kể cả nông thôn) có trên 292.000 căn nhà ở riêng lẻ (chiếm 93,8%), trên 19.000 căn hộ chung cư (chiếm 6,2%). Nhà chung cư tập trung tại 3 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Vũng Tàu (18.678 căn), thành phố Bà Rịa (353 căn) và thị xã Phú Mỹ (447 căn). Tổng diện tích nhà ở khu vực đô thị đạt trên 12 triệu m2.
Là lãnh đạo 1 địa phương, theo ông Vũ Hồng Thuấn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu, Chương trình phát triển đô thị là hết sức quan trọng vì có nó, các địa phương mới có căn cứ để lập các dự án đầu tư, bố trí các nguồn vốn cho phù hợp.
Phát triển đô thị, đô thị hóa gắn với tăng trưởng kinh tế
Theo đánh giá, hệ thống đô thị của tỉnh đã, đang được hình thành và phát triển mạnh mẽ về chất và lượng, tạo hành lang phát triển công nghiệp, dịch vụ, cảng biển dọc Quốc lộ 51 và hành lang phát triển dịch vụ – du lịch ven biển phía Đông, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Quá trình đô thị hóa đi đôi với việc quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, thu hút đón đầu sự dịch chuyển nguồn lực đầu tư quốc tế, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Phát triển đô thị gắn liền với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh biển, đảo; bảo vệ môi trường, ứng phó thích nghi với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, dưới góc độ của đơn vị quản lý ngành, ông Hưng chia sẻ thêm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đến nay tình hình phân loại đô thị; mở rộng phạm vi hành chính đô thị, thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính đô thị cơ bản đã hoàn thành.
Trong 2 năm 2013 – 2014, đã có 2 đô thị lớn nhất tỉnh được Chính phủ công nhận là đô thị loại I và II trực thuộc tỉnh là thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa, hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch của Chính phủ.
Hệ thống đô thị được nhân rộng và phát triển theo phân vùng kinh tế bao gồm: Vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ, cảng biển dọc hành lang phía Tây Nam của tỉnh, dọc theo tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Quốc lộ 51, bao gồm chuỗi các đô thị: Thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ.
Vùng phát triển dịch vụ – du lịch chủ yếu tập trung tại hành lang ven biển phía Đông của tỉnh bao gồm chuỗi các đô thị thành phố Vũng Tàu, các thị trấn Long Hải, Phước Hải; các đô thị mới đang hình thành gồm: Lộc An, Bình Châu, Hòa Bình, Hồ Tràm và Côn Đảo.
Song song với dự án các khu đô thị mới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quan tâm đẩy mạnh cải tạo chỉnh trang và nâng cấp đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu ở của người dân, tích cực cải thiện môi trường, tạo văn minh, mỹ quan đô thị.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt để không ngừng nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng nhà ở và dịch vụ. Cải tạo chỉnh trang và nâng cấp đô thị sẽ triển khai từng bước căn cứ quy hoạch xây dựng và chương trình phát triển đô thị, hồ sơ khu vực phát triển đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Để đạt được các tiêu chí trên thì việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đã được chú trọng, công tác lập mới hoặc rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời cho yêu cầu phát triển của tỉnh.
Đến nay, đã lập mới hoặc điều chỉnh 144 đồ án quy hoạch đô thị, trong đó có điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu. Tất cả các đô thị đều đã được phê duyệt quy hoạch chung và triển khai quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Về quy hoạch phân khu, cơ bản đã phủ kín ranh giới quy hoạch chung đô thị.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, kế hoạch phát triển trong thời gian tới, Sở sẽ chủ trì, phối với UBND cấp huyện triển khai Chương trình phát triển đô thị và hồ sơ khu vực phát triển đô thị nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng đô thị theo các giai đoạn.
Song song đó, phối hợp với các địa phương trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị của các đô thị Vũng Tàu, Phú Mỹ, Côn Đảo vào đầu năm 2021, cũng như hoàn chỉnh các hồ sơ khu vực phát triển đô thị đang thực hiện và trình phê duyệt sau khi điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được phê duyệt.
Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho triển khai tiếp hồ sơ khu vực phát triển đô thị của đô thị Kim Long và các đô thị mới như: Bình Châu, Hòa Bình, Hồ Tràm và Lộc An, sau khi quy hoạch chung các đô thị này được phê duyệt.
Trong khi chưa thành lập được Ban quản lý khu vực phát đô thị theo quy định của Chính phủ thì Sở sẽ củng cố lại đội ngũ cán bộ có liên quan đến nhiệm vụ quản lý và phát triển đô thị.