Về đích hay tiếp tục… 'treo'? (Bài cuối)

Sáu năm kể từ khi khánh thành, Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 bỏ hoang, công trình để phơi nắng, phơi sương, xuống cấp nghiêm trọng trong khi cơ sở 1 của cả hai bệnh viện hiện đang quá tải.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đối với Bộ Y tế và các bộ, ngành, nhằm tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa 2 bệnh viện nghìn tỷ vào hoạt động, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tổ công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng đã tiến hành rà soát tất cả các quy định của pháp luật, thực trạng việc triển khai các bệnh viện, các gói thầu để báo cáo lên Thủ tướng. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết năm 2024, hai bệnh viện vẫn chưa có động tĩnh gì. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo trong 6 tháng tới, Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan phải hoàn thiện, bàn giao và đưa vào hoạt động cả hai cơ sở trên.

Nơi quá tải, nơi để hoang phí

Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho 8.000 – 10.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 4.000 giường bệnh nội trú, lúc nào cũng kín chỗ. Có thời điểm, bệnh nhân tiêu hóa, tim mạch phải nằm ghép, quá tải. Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày cũng tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh, mỗi năm mổ 70.000 ca, chủ yếu là chấn thương nặng, phức tạp, đa chấn thương. Bệnh viện Việt Đức luôn kín giường và phải kê giường ở hành lang (tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao…).

Bệnh viện Bạch Mai bỏ hoang 6 năm nay.

Bệnh viện Bạch Mai bỏ hoang 6 năm nay.

Bệnh nhân nặng từ khắp các tỉnh đổ về, từ tuyến dưới chuyển lên khiến hai bệnh viện liên tục trong tình trạng quá tải. Có những bệnh nhân mổ phiên phải chờ lịch tới hàng tháng trời mới đến lượt mổ, khiến họ phải đi lại, chờ đợi mệt mỏi, tốn kém. Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 được xây dựng nhằm mục đích giảm tải cho cơ sở 1, giúp người dân ở Hà Nam và các tỉnh lân cận thuận tiện trong việc thăm khám và điều trị, tiết kiệm chi phí, lại được thụ hưởng cơ sở hạ tầng hiện đại, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao. Tuy nhiên, trái ngược với sự mong mỏi và chờ đợi của người dân, hai bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang gây ra lãng phí lớn, khiến nhân dân vô cùng xót xa.

Cả 2 bệnh viện cùng khánh thành khu khám bệnh vào năm 2018, nhưng chỉ có Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 hoạt động một thời gian ngắn rồi dừng đón tiếp bệnh nhân; còn Bệnh viện Việt Đức chỉ “cắt băng khánh thành” chứ chưa tiếp nhận người bệnh. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 do Bộ Y tế làm chủ đầu tư và thực hiện, bệnh viện chỉ là đơn vị thụ hưởng. Bệnh viện đã chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận cơ sở 2 để đưa vào hoạt động. TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng bày tỏ, cơ sở 2 của bệnh viện được đầu tư theo hình thức “chìa khóa trao tay”, nên tất cả chuyện mua sắm, đấu thầu, tổ chức, triển khai là do Bộ Y tế và tới nay, bệnh viện chưa nhận bàn giao gì.

Nhiều lần đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã “sốt ruột” nêu ý kiến về câu chuyện lãng phí điển hình này. Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 4/11 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đều thống nhất phải đưa nội dung 2 bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 vào nghị trường làm điển hình của chống lãng phí và phải giải quyết dứt điểm. Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), đây là “lãng phí kép” nếu chỉ bàn mà không giải quyết, và không được tiếp tục để 2 cơ sở bỏ hoang lãng phí như vậy.

Trong công điện ngày 6/11 của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức có tên trong danh sách nhiều dự án tồn đọng, dừng thi công cần tập trung giải quyết dứt điểm, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng để chống lãng phí. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.

Chưa gỡ được pháp lý và tài chính

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng tới, dự án xây dựng 2 bệnh viện phải được bàn giao đưa vào hoạt động. Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây cho biết, quá trình thi công gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý và tài chính. Từ đầu năm 2021 đến nay, dự án phải tạm dừng thi công do các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết, chưa có cơ chế điều chỉnh khó khăn liên quan đến dự án.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới hoàn thành trên 60% khối lượng xây dựng cơ bản.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới hoàn thành trên 60% khối lượng xây dựng cơ bản.

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 14/6/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, khi nhận nhiệm vụ tại Bộ Y tế, Bộ đã mời Thủ tướng Chính phủ xuống thăm cơ sở 2 của hai bệnh viện. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Thời gian qua, tổ công tác đã rà soát tất cả các quy định của pháp luật, thực trạng việc triển khai các bệnh viện, các gói thầu. Đến tháng 6/2024, cơ bản các nhiệm vụ triển khai xây lắp đã đạt được mức độ rất cao, 80-90%. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong quá trình thanh toán dự án.

Vào thời điểm tháng 6 năm nay, Tổ công tác gồm các thành viên của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng phương án đề xuất nhanh nhất có thể đưa hai bệnh viện vào sử dụng và trình Chính phủ. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế rất quyết liệt chỉ đạo, triển khai các nội dung liên quan đến cơ sở 2, tích cực tham mưu triển khai nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất để giải quyết vướng mắc. Cả hai Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai đều sẵn sàng tiếp nhận các cơ sở này.

Vướng ở đâu, gỡ ở đó

Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, đến nay, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai hoàn thành trên 90%, Việt Đức trên 60%. Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Nguyễn Huy Quang - Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, đến nay, Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập vẫn chưa công bố thực trạng, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của các tồn đọng đó để đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Do chưa có báo cáo cụ thể nên người dân cũng không biết cơ sở để giải quyết triệt để thực trạng này là gì.

“Sai ở khâu đấu thầu, dự toán, quyết toán, cấp vốn hay ở đâu? Tại sao lại dừng xây dựng và không xây dựng tiếp? Thiết kế xây dựng bệnh viện có đúng không khi phê chuẩn và tại sao phải điều chỉnh thiết kế? Nếu vướng về mặt pháp lý, tài chính thì vướng ở khâu nào? Do Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu hay Luật Ngân sách có vướng mắc hay do quá trình tổ chức thực thi? Các gói trang thiết bị đã mua được bao nhiêu, có đáp ứng được yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh không và sau nhiều năm đắp chiếu liệu đã lạc hậu, xuống cấp, có sử dụng được không? Giờ muốn xây dựng và hoàn thiện tiếp, liệu lấy vốn ngân sách ở đâu và doanh nghiệp nào có tư cách pháp nhân để thực hiện? Phải biết được vướng ở đâu để gỡ ở đó, phần vướng mắc liên quan đến bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải vào cuộc tích cực, trách nhiệm để tháo gỡ, nếu không tự bộ, ngành đó giải quyết được phải trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giải quyết thì mới giải quyết được căn cơ tổng thể của dự án. Còn nếu không hành động cụ thể ngay, xác định vướng mắc ở đâu để tìm nút gỡ thì sẽ rất khó xây dựng tiếp và thực trạng lãng phí này sẽ còn kéo dài”, TS. Quang nói.

Vị chuyên gia này băn khoăn, hiện nay, Bệnh viện Việt Đức còn gần 40% khối lượng xây dựng cơ bản, Bạch Mai còn 10%, trong vòng 6 tháng với quy mô của 2 bệnh viện hạng đặc biệt, liệu khối lượng xây dựng lớn đó có hoàn thành được không? Nhiều chuyên gia khác cho rằng, cần phải sớm có kết luận của Tổ công tác, xác định nguồn tiền thi công sẽ lấy từ đâu để xây dựng tiếp, thì mới có hy vọng.

TS. Nguyễn Huy Quang cũng cho biết thêm, ngoài việc giải quyết các vướng mắc, tồn đọng về pháp lý, tài chính trên, giả sử sẽ hoàn thành trong 6 tháng tới thì sau khi bàn giao xong dứt điểm cho Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, để có thể cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, hai cơ sở trên đều phải bảo đảm điều kiện để được Bộ Y tế thẩm định và cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, bệnh viện phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kết nối công nghệ thông tin phù hợp với quy mô bệnh viện… Đây là hai bệnh viện hạng đặc biệt nên phải có người hành nghề chất lượng cao. Nếu lấy nhân lực từ cơ sở 1 xuống thì Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức hiện tại sẽ khó đủ tiêu chuẩn là bệnh viện hạng đặc biệt vì thiếu người hành nghề. Giám đốc bệnh viện phải là chuyên trách, không có kiêm nhiệm… Đây cũng là bài toán cần phải tính đến. Vì vậy, để thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng, theo chuyên gia, phải giải quyết được tất cả nút thắt như đã nêu ở trên.

Chung quan điểm này, ông Bùi Trung Dung, nguyên Cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đề xuất, Chính phủ phải ban hành một nghị định hoặc nếu chưa ra được nghị định, thì lãnh đạo các bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với nhau bàn cho ra được thông Thông tư liên tịch, mới có thể tái khởi động lại dự án này.

Chia sẻ thêm về giải pháp, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng nêu, để đưa 2 bệnh viện vào hoạt động, cần chuẩn bị toàn bộ tư liệu về đầu tư, đất đai, trang thiết bị, xác định các hư hại… để làm thủ tục, làm bằng chứng để xử lý lãng phí. Cái gì khoanh lại được thì tạm khoanh lại, quy mô được bao nhiêu thì triển khai bấy nhiêu, có bao nhiêu giường bệnh thì dùng bấy nhiêu, mua sắm được bao nhiêu dùng bấy nhiêu… Với kinh nghiệm từng quản lý bệnh viện, ông Trí cho hay, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất nếu không sử dụng sẽ xuống cấp rất nhanh, đặc biệt, trang thiết bị cứ 2 năm sẽ lạc hậu. Do vậy, tùy theo nhu cầu thực tế sẽ mua sắm thêm trang thiết bị.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, phòng chống lãng phí và thực hành tiết kiệm là cặp bài trùng gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nếu làm tốt các vấn đề này thì đất nước mới phát triển được. Ở các dự án, chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, từ khâu thiết kế, dự toán, quyết toán, thi công, đấu thầu, tránh chỉ định thầu, tránh công ty “sân sau, sân trước”, làm đến đâu dứt điểm đến đó. Để tránh lãng phí phải có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu (với các dự án lớn, Chính phủ phải chỉ đạo), vướng mắc ở bộ, ngành nào phải giải quyết ngay, không để vướng mắc, tồn tại kéo dài sẽ tránh được hậu quả nghiêm trọng là những công trình hàng chục nghìn tỷ như trên sẽ không bị bỏ hoang, lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.

Trần Hằng – Thu Phương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ve-dich-hay-tiep-tuc-treo-bai-cuoi--i750716/