Bà Rịa Vũng Tàu: Quyết liệt kéo giảm tai nạn giao thông
Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, 6 tháng đầu năm, Bà Rịa - Vũng Tàu đã kéo giảm được số người chết do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số vụ và số người bị thương vẫn tăng.
Số vụ tai nạn giao thông tăng nhẹ
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra lúc 21h17 ngày 27/6, chị Trần Thị Thu Th điều khiển ô tô biển kiểm soát 72A -708xx trên đường Nguyễn Văn Trỗi hướng ra biển va chạm với một nữ công nhân vệ sinh môi trường trước số nhà 101 rồi tiếp tục tăng ga di chuyển.
Do hốt hoảng lại có hơi men trong người, Th chạy thêm khoảng 400m nữa thì đâm vào loạt xe máy dừng đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Lê Quý Đôn - Bà Triệu - Lê Lai.
Vụ tai nạn khiến 2 mẹ con tử vong tại chỗ, 3 người thương nặng, sau đó ô tô tông mạnh vào trụ đèn rồi mới dùng lại. Đây là một trong 93 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2024 tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo Ban ATGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 220 vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong đó có 82 vụ va chạm, 45 vụ tai nạn ít nghiêm trọng, 93 vụ tai nạn nghiêm trọng, không có vụ tai nạn rất nghiêm, đặc biệt nghiêm trọng.
Số người tử vong 93 và người bị thương 175 người, hư hỏng 113 xe ô tô, 235 xe môtô, thiệt hại tài sản hơn 1,6 tỷ đồng.
So sánh cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông tăng 8 vụ (220/212 vụ), số người chết giảm 27 người (93/120 người), số người bị thương tăng 34 người (175/141 người).
Quyết liệt nhiều biện pháp
Theo Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức từng địa phương đã có những bước đi mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Kết quả đã kéo giảm được 01/03 tiêu chí so với cùng kỳ.
Phân tích cho thấy, nguyên nhân của các vụ TNGT do người tham gia giao thông chuyển hướng không quan sát, không nhường đường, sử dụng rượu, bia, điều khiển phương tiện không chú ý quan sát...
Tuyến đường xảy ra TNGT chủ yếu là nội thị và nông thôn. Thời gian xảy ra tai nạn phần lớn từ sau 18-24 giờ. Độ tuổi gây tai nạn từ 27 - 55 tuổi chủ yếu là nam giới.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng nhất và phức tạp trong quy hoạch và thiết kế mạng lưới giao thông đường bộ nhất là thực trạng đấu nối vào các tuyến quốc lộ,tạo ra nhiều nguy cơ nguy hiểm và dẫn đến nhiều tai nạn giao thông hơn ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Để kéo giảm TNGT, thời gian qua, lực lượng công an toàn tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm về trật tự ATGT.
Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, nên chưa khép kín địa bàn, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm, tái chiếm hành lang, vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi kinh doanh, buôn bán, họp chợ vẫn chưa được xử lý triệt để, gây mất ATGT.
Bên cạnh đó, số lượng, mật độ phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh gần đây tăng cả về số lượng và chủng loại, gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông. Đặc biệt là QL51 và các tuyến nội thị trung tâm TP.Vũng Tàu.
Hướng tới giảm TNGT bền vững
Để kéo giảm TNGT bền vững cả 3 tiêu chí, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh đề nghị, Ban ATGT tỉnh chủ trì, triển khai có hiệu quả của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2024.
Bên cạnh đó, tuyên truyền ATGT trong trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp bằng nhiều hình thức... để nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông.
Ông Lê Ngọc Khánh cũng đề nghị cơ quan chức năng kịp thời rà soát, kiểm tra hệ thống báo hiệu đảm bảo trật tự ATGT,các điểm tiềm ẩn TNGT, cải thiện an toàn, giảm thiểu và ngăn ngừa TNGT tại các vị trí điểm, đoạn, tuyến thường xảy ra TNGT để sửa chữa, lắp bảng, panô tuyên truyền.
Thành lập đoàn làm việc với các địa phương có tình hình trật tự ATGT phức tạp, có số vụ TNGT tăng cao trong quý I để đưa ra biện pháp kéo giảm.
Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT trong khoảng thời gian thường xảy ra tai nạn (từ sau 18-24 giờ, nhất là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và nội thị).
Tăng cường quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông, kiểm soát tiến độ, chất lượng các dự án giao thông trọng điểm, kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa.
Cùng với đó, chú trọng kiểm tra các công trình vượt sông, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố và tai nạn.
Tuyên truyền giáo dục, vận động, xử lý phù hợp các hành vi vi phạm của thanh thiếu niên khi tham gia giao thông. Cùng với đó có phương án ngăn chặn, xử lý, trấn áp hiệu quả hành vi tụ tập đua xe trái phép…