Bà Rịa - Vũng Tàu: Rà soát các dự án thuê môi trường rừng làm du lịch
Đa số hồ sơ đề xuất thuê môi trường rừng đầu tư dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí chưa phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh.
Theo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn từ nay đến năm 2030 và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), tỉnh này hiện có hơn 6.500 ha rừng phòng hộ có thể cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Nhiều nhà đầu tư đăng ký thuê môi trường rừng
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (NN - PTNT) cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 186 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thuê môi trường rừng.
Trong đó, Vườn quốc gia Côn Đảo có 23 doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký thuê tại 20 địa điểm; đã có 6 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương hoặc phương án đầu tư và trong số đó có 3 dự án đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng tại 3 khu vực Ông Đụng - Sở Rẫy, Ông Câu và Hòn Tre lớn.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có 85 hồ sơ dự án thuê môi trường rừng, trong đó có 9 dự án đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng, với diện tích hơn 425 ha và 76 dự án đang thực hiện khảo sát, lập và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thuê môi trường rừng theo quy định.
Khu vực rừng phòng hộ có 78 hồ sơ dự án du lịch sinh thái, trong đó có 1 dự án thuê rừng đầu tư dự án du lịch sinh thái diện tích hơn 61,5 ha, 1 dự án đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng, diện tích hơn 113,4 ha và 76 dự án đang thực hiện khảo sát, lập và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thuê môi trường rừng theo quy định.
Chưa phù hợp với quy định của pháp luật
Tuy nhiên, qua rà soát đánh giá các hồ sơ đề nghị thực hiện đầu tư dự án, Sở NN - PTNT nhận thấy, đa số hồ sơ đề xuất thuê môi trường rừng đầu tư dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí chưa có đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn, chưa phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh...
Cụ thể, việc xác định địa điểm, diện tích, quy mô bố trí các công trình xây dựng phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chưa phù hợp quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và duy trì chức năng rừng chưa được các nhà đầu tư du lịch sinh thái quan tâm trong thuyết minh dự án.
Nhà đầu tư cũng chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Một số vị trí, khu vực đề nghị thuê diện tích nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được quy mô, định hướng phát triển du lịch chất lượng cao…
Ngoài ra, việc triển khai đề án cũng gặp khó khăn, vướng mắc do Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018 chưa quy định chi tiết liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư dự án du lịch sinh thái.
Nghị định này chưa quy định cụ thể, chi tiết về thiết kế, quản lý giám sát xây dựng các công trình, hạng mục phục vụ du lịch sinh thái trong rừng. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng cũng chưa rõ. Đồng thời, chưa hướng dẫn quy định việc cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp.
Theo quy định mới của Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan, các nhà đầu tư phải cập nhật điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện thủ tục thuê môi trường rừng.
Hiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 156 đang được Bộ NN - PTNT trình Chính phủ xem xét, phê duyệt nên hiện việc hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện thủ tục thuê môi trường rừng cũng gặp nhiều khó khăn.
"Để phát huy hết tiềm năng vốn có của các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và hướng tới “du lịch sinh thái chất lượng cao” theo chủ trương của tỉnh, Sở NN – PTNT đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá lại thực trạng, tình hình triển khai thực hiện của đề án. Trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật", bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT cho biết.