Bà Rịa - Vũng Tàu trước cơ hội đón 'sóng' FDI quy mô lớn
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD. Đây là chỉ dấu cho thấy, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đứng trước cơ hội lớn để đón dòng vốn FDI quy mô lớn.
Hàng loạt dự án tỷ USD được cấp phép
Cuối tháng 11/2022, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD.
Trong số này có những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD như dự án đầu tư mở rộng giai đoạn II - Tổ hợp Hóa dầu miền Nam của The Siam Cement Public Company Limited, tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD; dự án sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí, tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD của Công ty Earth Vision.
Bên cạnh đó, nhiều dự án FDI cũng lần lượt rót vốn vào Bà Rịa - Vũng Tàu như dự án mở rộng Nhà máy Giấy Marubeni với tổng mức đầu tư 380 triệu USD của Công ty Kraft of Asia Paperboard & Packaging; dự án sản xuất màn hình có độ phân giải cao với tổng mức đầu tư 350 triệu USD của Công ty TNHH IDIS Việt Nam; Trung tâm kho cảng, bồn bể hóa chất và tiện ích khí gas, tổng mức đầu tư 230 triệu USD của Công ty Waizu Giken…
Những dự án nói trên đều thuộc các ngành, lĩnh vực mà Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh và đáp ứng các tiêu chí thu hút đầu tư công nghệ cao, ít thâm dụng lao động.
Việc các nhà đầu tư FDI quy mô lớn liên tục “rót” vốn vào Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua là do tỉnh luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính. Trong đó, các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp luôn được giải quyết nhanh chóng, song vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật với phương châm “tất cả vì sự hài lòng của nhà đầu tư”.
Bên cạnh vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh cũng đang đầu tư một loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng để kết nối vùng Đông Nam bộ, như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận. Những dự án hạ tầng trên sau khi hoàn thành sẽ tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các tỉnh lân cận đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhiều nhà đầu tư chọn Bà Rịa - Vũng Tàu
Sở dĩ các nhà đầu tư FDI quy mô lớn liên tục “đổ bộ” vào Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua là do môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là lợi thế từ cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng giám đốc Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản lựa chọn lựa chọn khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm đầu tư, bởi tỉnh có cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, nơi có những chuyến tàu đi trực tiếp đến châu Âu và châu Mỹ. Các nhà đầu tư khi tìm địa điểm xây dựng nhà máy đều chú trọng đến địa điểm thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa. Ví dụ, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu đi thị trường châu Âu hoặc châu Mỹ thì họ thường chọn đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhiều doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp cũng chọn Bà Rịa - Vũng Tàu vì tỉnh có hệ thống đường dẫn khí gas và cảng chuyên dùng phục vụ hàng lỏng và có thể nhập hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, 70% sản lượng nguyên vật liệu thép trong các ngành công nghiệp cơ bản đều nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Để chuẩn bị đón “làn sóng” FDI quy mô lớn, theo kế hoạch từ nay tới năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở rộng thêm 8 khu công nghiệp với quỹ đất được bổ sung hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Song song với việc mở rộng các khu công nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hoàn chỉnh quy hoạch để xây dựng hệ thống cảng biển; xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ; xây dựng Khu mậu dịch tự do Cái Mép. Tỉnh cũng sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của nhà đầu tư.