Bà Rịa-Vũng Tàu: Xây hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng
Hạ tầng giao thông là 1 trong những lĩnh vực được Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, tạo sức bật mạnh mẽ cho các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông nội tỉnh, vừa phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng.
Điều này góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, đồng thời phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, gắn kết với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Bà Rịa-Vũng Tàu Lương Anh Tuấn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau hơn 30 năm thành lập kể từ năm 1991, có thể nói hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực được tỉnh quan tâm và phát triển mạnh mẽ.
Hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ kết nối từ thành thị đến nông thôn mà còn liên kết thuận lợi với các tỉnh, thành trong khu vực và vươn ra thế giới qua hệ thống giao thông đa phương thức.
Nhiều tuyến đường được xây dựng với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, tạo sức bật mạnh mẽ cho các lĩnh vực kinh tế-xã hội địa phương.
Hiện hạ tầng giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản hoàn thành khung kết cấu chung với tổng chiều dài hơn 4.000km. Với chỉ hơn 100km đường nhựa trước đây, đến nay tỉnh đã có gần 2.700km đường trải nhựa hoặc bêtông nhựa, tăng gấp 25 lần, đáp ứng cơ bản việc lưu thông trong tỉnh.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn chi 200 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông các Tỉnh lộ 981, 965, Phước Tân-Châu Pha, Mỹ Xuân-Ngãi Giao, cùng với các tuyến đường nội khu tại phường Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ) cũng được mở rộng và nâng cấp.
Đặc biệt, nhiều đường giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải với Quốc lộ 51 như đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường 991B, Phước Hòa-Cái Mép được đầu tư kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển.
Nhờ thuận lợi về giao thông kết nối, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu càng có lợi thế thu hút nguồn hàng về Cái Mép-Thị Vải, phục vụ tối đa hoạt động xuất nhập khẩu giữa hệ thống cảng biển của tỉnh với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Á.
Theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII, mục tiêu về giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tạo ra kết cấu đồng bộ, hiện đại, bền vững; trong đó giao thông đường bộ là trọng tâm, cảng biển là trụ cột, giao thông đường thủy, hàng không là tăng lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 48 cảng đang hoạt động. Riêng hệ thống cụm cảng Cái Mép-Thị Vải có 22 cảng; trong đó, có 7 cảng container, 20 dự án kho bãi logistics được triển khai trên diện tích 224ha. Việc kết nối giao thông đa phương thức, sự phát triển của hệ thống cảng biển giúp nâng tầm vị thế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vì có tuyến hàng hải đi thẳng châu Âu, châu Mỹ.
Đặc biệt, đảo Gò Găng (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) với một vị thế chiến lược trong phát triển nền kinh tế biển từ lâu đã được nối đôi bờ với cầu Gò Găng, cầu Chà Và và đường qua Long Sơn.
Đây là những tuyến đường quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng đảo Gò Găng cũng như các dự án trọng điểm tại Long Sơn như: sân bay Vũng Tàu, khu chế biến hải sản tập trung tại Gò Găng; khu công nghiệp dầu khí, nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn...
Trưởng ban Kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Philippe Fouet cho rằng, nhờ vị trí địa lý chiến lược cùng việc phát triển hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một điểm đến hấp dẫn, giúp các doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh có điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là địa phương nằm trong nhóm các địa phương năng động nhất của Việt Nam, là điểm đến tất yếu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát triển hệ thống giao thông kết nối
Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Bà Rịa-Vũng Tàu Lương Anh Tuấn cho biết từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã lên kế hoạch tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống giao thông kết nối.
Thứ nhất, về đường bộ sẽ khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào đầu năm 2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Thứ hai, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu đang trình Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi, sau đó chuẩn bị các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2024 và dự kiến kết thúc vào năm 2030, đồng bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh khai thác toàn bộ đường Vành đai 4.
Thực tế, ngoài tăng tốc hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, từ nhiều năm nay, giao thông kết nối (liên tỉnh, liên vùng) được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định là vấn đề sống còn trong phát huy và khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Riêng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải. Qua đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khi kết hợp cùng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với tổng mức đầu tư gần 5 nghìn tỷ đồng dự kiến được khởi công vào cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Đây là cây cầu lớn có ý nghĩa kết nối cao tốc Bến Lức-Long Thành với khu vực Cái Mép-Thị Vải, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhanh chóng hơn.
Thuận lợi về giao thông kết nối sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, qua đó phát huy thế mạnh từ kinh tế cảng biển.
Có một đặc điểm chung, tất cả dự án giao thông từ đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều có kết nối với các cảng biển, khu công nghiệp và các khu du lịch nằm tập trung phía Đông và phía Tây ven biển của tỉnh.
Bên cạnh đó, với một cảng hàng không (Côn Đảo) và một sân bay chuyên dụng (Vũng Tàu), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang có kế hoạch nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, mở rộng đường băng để đón được máy bay cỡ lớn, hoạt động cả đêm lẫn ngày, đảm bảo đến năm 2030 có thể đón 2 triệu khách/năm và năm 2040-2050 nâng lên 5 triệu khách/năm.
Đối với sân bay chuyên dụng Vũng Tàu (hiện đang chuẩn bị dời về Gò Găng theo quy hoạch của Chính phủ), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đề nghị với Chính phủ và Bộ Giao thông và Vận tải nâng cấp thành cảng hàng không. Khi đó, Cảng hàng không Vũng Tàu cũng sẽ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh, khu vực và quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang tiếp tục rà soát để trình cho Hội đồng Nhân dân tỉnh ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn, hoàn thành các nhiệm vụ của các dự án giao thông trọng điểm.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp các chủ đầu tư rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa; xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch./.