'Ba sẵn sàng' giữ vững huyết mạch thông tin
"Ba sẵn sàng” là một trong hàng trăm phong trào thể hiện tính sáng tạo, sức vươn lên của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Với tinh thần này, tuổi trẻ ngành Bưu chính - Viễn thông Nam Định đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, xung kích đi đầu giữ vững huyết mạch thông tin liên lạc, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất và chiến đấu.
Cụ thể hóa phong trào “Ba sẵn sàng” theo nhiệm vụ của ngành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là phải đảm bảo vận chuyển thư báo, hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành chỉ đạo sản xuất chiến đấu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, lực lượng đoàn viên, thanh niên của Bưu điện tỉnh đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, xả thân vì nhiệm vụ; xây dựng lực lượng tự vệ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Lực lượng tự vệ Bưu điện đã bám sát các vùng trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ, giữ vững liên lạc cho các trận địa tên lửa, pháo cao xạ, các lực lượng Phòng không của dân quân tự vệ đang trực tiếp chiến đấu với máy bay Mỹ như: Hầm chỉ huy Tỉnh Đội, Hầm chỉ huy Thành Đội; các trận địa pháo Chùa Cuối, Mỹ Trọng, Nam Phong, Phù Nghĩa, Khu 8, Vấn Khẩu, Nhân Hậu… Với khẩu hiệu hành động “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”, lực lượng tự vệ Bưu điện đã kiên cường bám trụ nối dây, dựng cột sau mỗi trận bom Mỹ rải giữ cho đường dây thông tin thông suốt. Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Bưu điện tỉnh đã phải nhiều lần sơ tán 45 tổng đài lớn, nhỏ, 1.050 máy điện thoại, dịch chuyển vòng tránh 1.200km đôi dây khỏi các trọng điểm đánh phá. Các tuyến thông tin đường trục đã 135 lần bị đánh phá nhưng thông tin liên lạc vẫn được giữ vững. Trong công tác bưu chính, lực lượng xung kích tự vệ Bưu điện đã không quản ngày đêm có mặt kịp thời tại các trận địa phòng không và 94 cơ quan của tỉnh ở nơi sơ tán để chuyển phát công văn tài liệu, thư báo. Nhiều lần vận chuyển tài liệu, lực lượng phải vòng tránh qua các điểm địch bắn phá. Có lần đang giao nhận gói thư báo thì toa xe bị trúng đạn bốc cháy, các chiến sĩ tự vệ Bưu điện đã dũng cảm phối hợp với lực lượng tại chỗ lăn xả vào cứu và chuyển hết công văn, tài liệu đến nơi an toàn. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, lực lượng tự vệ Bưu điện đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đồng chí trở thành tấm gương tiêu biểu cho toàn ngành học tập như: đồng chí Lộc - Trung đội trưởng tự vệ xung kích Bưu điện thành phố và các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Thủy đã lao mình vào vị trí bị đánh phá khi khói bom chưa hết để nối dây, tiếp dây cho tổng đài, sửa chữa máy. Các chiến sĩ tự vệ Bưu điện Nghĩa Hưng đã ngâm mình trên đồng nước hàng ngày trời để đảm bảo liên lạc thông suốt… (Lịch sử Bưu điện tỉnh Nam Định giai đoạn 1930-2000). Tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng” (1965-1975), Bưu điện tỉnh đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lên đường vào các chiến trường tăng cường cho Bưu điện tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Bình), các tỉnh phía Nam và nước bạn Lào; 74 người đã anh dũng hy sinh, 42 người để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Với những đóng góp trong phục vụ chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tập thể cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh Nam Định vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; 6 Bằng khen của Chính phủ, 15 Bằng khen của Tổng cục Bưu điện; 1.217 người được tặng Huân chương, Huy chương Kháng chiến và Giải phóng; 21 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua liên tục từ 10 đến 15 năm.
Gần 5 thập kỷ đã đi qua, nhưng tinh thần “Ba sẵn sàng” vì huyết mạch thông tin vẫn được duy trì, tiếp nối mạnh mẽ trong tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Bưu chính - Viễn thông. Nắm bắt cơ hội đổi mới, cách mạng công nghiệp 4.0 ngành Bưu chính - Viễn thông không ngừng hiện đại hóa, số hóa hạ tầng công nghệ, phát triển đa dạng các dịch vụ kinh doanh mới; thúc đẩy ứng dụng CNTT sâu rộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý điều hành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH-HĐH đất nước, xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tiêu biểu là thực hiện những chiến lược, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị; thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu số góp phần cải cách hành chính ở địa phương. Hiện nay, ngành Bưu chính - Viễn thông đã làm chủ công nghệ, vận hành thành công các dịch vụ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh như: Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; trục tích hợp chia sẻ dữ liệu LGPS; Cổng thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương; trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống báo cáo điều hành... Trong đó, thời gian qua việc phát triển các công cụ quản lý điều hành trực tuyến trên nền tảng công nghệ số đã đáp ứng tích cực yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 góp phần đảm bảo ổn định, trật tự an toàn xã hội và thực hiện mục tiêu “kép” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thông tin liên lạc trong thời chiến được coi là huyết mạch của Tổ quốc, trong thời bình đó là sự văn minh, thịnh vượng và phát triển của xã hội. Đó là mục tiêu nhiệm vụ đầy tự hào của các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Bưu chính - Viễn thông luôn nỗ lực, phấn đấu và cống hiến./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương