Ba tháng căng thẳng Nhật – Hàn: Chuyện riêng, hại chung
Ba tháng đã qua kể từ khi căng thẳng Nhật – Hàn bùng phát, không chỉ tác động tiêu cực tới quan hệ song phương mà còn ảnh hưởng xấu tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Quan sát và tổng hợp của Báo Thế giới & Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay chào đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka cuối tháng 6/2019.
Ngày 1/10 vừa qua đánh dấu ba tháng kể từ khi căng thẳng Nhật – Hàn bùng phát. Bắt đầu từ vấn đề thương mại, ngọn lửa xung khắc giờ đây đã lan sang các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới.
90 ngày khói lửa
Căng thẳng quan hệ song phương đã tồn tại từ lâu và chủ yếu xuất phát từ vấn đề lịch sử như đền bù phụ nữ mua vui hay nội dung sách giáo khoa lịch sử về thời gian Quân đội Nhật chiếm đóng tại bán đảo Triều Tiên (1910 – 1945).
Song hai bên chỉ thực sự rơi vào thế đối đầu khi ngày 1/7/2019, trong một động thái thay đổi chính sách thương mại, Chính phủ Nhật Bản hạn chế việc xuất khẩu sang Hàn Quốc ba nguyên liệu chủ chốt trong sản xuất vi mạch điện tử và màn hình hiển thị là nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và hydro clorua độ tinh khiết cao. Theo Tokyo, Seoul đã không kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và chúng có thể bị vận chuyển sang Bình Nhưỡng. Như vậy, doanh nghiệp Hàn Quốc phải được Nhật Bản cho phép mới có thể nhập khẩu các nguyên liệu này, với quy trình có thể lên tới 90 ngày.
Ngày 2/8, Tokyo cũng loại Seoul khỏi “danh sách trắng” ưu tiên thương mại gồm 27 nước. Khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc… sẽ phải trải qua nhiều thủ tục kiểm tra kéo dài và tốn kém.
Ngay lập tức, Hàn Quốc đã phản đối kịch liệt và trả đũa khi xóa Nhật Bản khỏi “danh sách trắng” ưu tiên thương mại gồm 29 nước hôm 18/9. Làn sóng tẩy chay hàng Nhật bùng nổ mạnh mẽ: Người dân xứ kim chi từ chối tới chuỗi cửa hàng ăn uống, sử dụng ôtô, quần áo, mỹ phẩm, bia hay văn phòng phẩm đến từ đất nước mặt trời mọc. Các chuyến bay tới Nhật Bản cũng sụt giảm đáng kể.
Về chính trị, căng thẳng trogn quan hệ Nhật Bản đã được một số đảng phái chính trị cánh tả tại Hàn Quốc tận dụng để tổ chức tuần hành, phản đối đất nước mặt trời mọc. Đáng ngại hơn, nhiều cuộc biểu tình đã nhận được sự hưởng ứng của một bộ phận người dân và có xu hướng chuyển hóa thành bạo loạn, gây mất ổn định, đe dọa tới an toàn của người Nhật tại Hàn Quốc.
Về quốc phòng, ngày 22/8, Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, bất chấp kháng nghị từ Tokyo và Washington. Nhà Xanh cho rằng quan hệ song phương hiện đã xấu đi nghiêm trọng và việc tiếp tục chia sẻ thông tin bí mật không còn phù hợp với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, Tokyo đã phản đối mạnh mẽ động thái này và kêu gọi Seoul xem xét lại.
Hôm 27/9, Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản đã loại Hàn Quốc khỏi danh sách “đối tác quốc phòng”, đồng thời nhấn mạnh chủ quyền với quần đảo Takeshima/Dokdo, hiện đang ở trong tranh chấp giữa hai nước. Seoul đã kịch liệt phản đối và cho rằng đây là hành động bất hợp pháp, đồng thời triệu tập đại diện ngoại giao của Nhật Bản để phản đối nội dung trong Sách Trắng Quốc phòng.
Hiệu ứng cánh bướm
Cánh bướm không làm nên mùa xuân, nhưng lại có thể tạo ra một cơn bão – đó là lý thuyết về “Hiệu ứng cánh bướm” của nhà khí tượng học, chuyên gia về thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz. Hành động đập cánh, dù nhỏ, vẫn có thể gây ra tác động lớn về thời tiết, tạo nên cơn lốc tại địa điểm cách đó hàng chục nghìn km. Xung khắc Nhật – Hàn cũng vậy; biến chuyển trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul, dù lớn dù nhỏ, sẽ tác động mạnh mẽ tới quan hệ hai nước nói riêng và tình hình khu vực, thế giới nói chung.
Đầu tiên, nó sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ kinh tế song phương, cũng như đời sống của người Nhật tại Hàn Quốc và người Hàn tại Nhật Bản. Đáng ngại hơn, thực trạng này sẽ khiến các vấn đề ngọn nguồn của căng thẳng như bồi thường cho phụ nữ mua vui, hay nội dung sách giáo khoa lịch sử về thời gian Quân đội Nhật chiếm đóng tại bán đảo Triều Tiên (1910 – 1945) càng thêm nóng.
Thứ hai, xung khắc quan hệ song phương sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nhà cung cấp nguyên liệu và thành phẩm hàng đầu cho công nghiệp bán dẫn. Quan trọng hơn, các lĩnh vực sử dụng bán dẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế hai quốc gia phát triển hàng đầu khu vực này. Do đó, căng thẳng Nhật Bản – Hàn Quốc sẽ kìm hãm phát triển kinh tế của hai nước, đồng thời tác động xấu tới tăng trưởng khu vực và thế giới.
Thứ ba, xung khắc trong quan hệ Nhật – Hàn sẽ để lại hệ lụy tới hợp tác song phương và đa phương nhằm giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế, cụ thể là Triều Tiên. Đây là hồ sơ nan giải, sát sườn với lợi ích của Mỹ nói chung và Tổng thống Donald Trump nói riêng. Thiếu vắng hợp tác chặt chẽ với Tokyo và Seoul sau khi Hàn Quốc rút khỏi GSOMIA, Washington sẽ khó thúc đẩy nghị trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, vốn chưa tiến triển nhiều thời gian qua.
Tai hại là vậy, song các bên vẫn bế tắc trong tìm kiếm giải pháp. Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhiều lần đối thoại từ cấp Chuyên viên đến Bộ trưởng, song chưa nhất trí về một nghị trình xuống thang đồng bộ và rõ ràng. Mỹ, quốc gia có lợi ích bị ảnh hưởng từ căng thẳng Nhật – Hàn, lại thiếu vắng hành động cụ thể nhằm giải quyết xung khắc giữa hai đồng minh quan trọng tại châu Á.
Chỉ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hay nỗ lực hòa giải từ Ngoại trưởng Mike Pompeo là không đủ để làm nên sự khác biệt cần thiết. Khi ấy, Nhật Bản và Hàn Quốc cần có chủ động lấy thiện chí làm nền tảng, xây dựng lòng tin để cùng giải quyết bất đồng, đặc biệt là các vấn đề lịch sử, gạt bỏ thái độ nghi kỵ đối đầu bấy lâu để lật sang trang sử mới trong quan hệ song phương.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-thang-cang-thang-nhat-han-chuyen-rieng-hai-chung-102137.html