Ba thập kỷ đồng hành cùng khu vực kinh tế tập thể, HTX
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Liên minh HTX Thanh Hóa luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực KTTT, HTX. Đồng thời, làm tốt vai trò phối hợp, tham mưu xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thành viên, thu nhập cho người dân và XDNTM.
30 năm ngày thành lập Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX Thanh Hóa (29/10/1993 - 29/10/2023):
HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống) tạo việc làm cho hơn 500 lao động khu vực nông thôn.
Từng bước lớn mạnh
Ngày 29 và 30/10/1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các HTX Việt Nam lần thứ nhất được tiến hành để thành lập Hội đồng Liên minh HTX Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ cho tất cả các HTX hoạt động ở các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Cùng với dấu mốc hình thành, phát triển của Liên minh HTX Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Liên minh HTX cấp tỉnh, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng Liên minh các HTX tỉnh Thanh Hóa.
Qua 30 năm thành lập, trải qua 6 kỳ đại hội, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tại Liên minh HTX tỉnh ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng. Với trách nhiệm và tâm huyết với phong trào KTTT, HTX, Liên minh HTX tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, chung sức đưa phong trào KTTT, HTX Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 1.314 HTX, 3 Liên hiệp HTX, tăng 1.103 HTX so với năm 1993. Trong đó, có 827 HTX nông nghiệp, 176 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 127 HTX thương mại - dịch vụ, 19 HTX xây dựng, 27 HTX giao thông - vận tải, 67 quỹ tín dụng Nhân dân (TDND), 33 HTX môi trường và 38 HTX khác. Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng HTX trong tốp đầu cả nước với tổng số 251.540 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX đạt 7,376 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 270 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX đạt 50,5 triệu đồng/năm.
Cùng với phát triển về số lượng, Liên minh HTX tỉnh đã đồng hành với các thành viên trong quá trình tổ chức, chuyển đổi và thành lập mới HTX phù hợp với Luật HTX năm 2012. Trong đó, Liên minh HTX thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, tuyên truyền các chính sách liên quan giúp người dân hiểu rõ bản chất của mô hình HTX kiểu mới và tham gia HTX một cách tự nguyện, dân chủ. Đồng thời, định hướng để các HTX linh hoạt chuyển đổi, mở rộng theo hướng đa ngành nghề, đa khâu dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc), bên cạnh các khâu dịch vụ công, HTX còn phát triển mạnh khâu tín dụng, trở thành kênh huy động nguồn lực hiệu quả trong dân, từ đó đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, trở thành một trong những HTX nông nghiệp dẫn đầu toàn tỉnh. Giám đốc HTX Hoàng Văn Toàn cho biết: Nhờ sự trợ lực, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc đã có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật và quản lý sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Nhờ đó, HTX đã thu hút được 955 thành viên, chiếm gần 100% số hộ dân của địa phương và phát triển được 1.500m2 nhà lưới sản xuất rau thủy canh; hằng năm duy trì diện tích cây trồng liên kết sản xuất khoảng 200 ha, doanh thu khoảng 20 đến 22 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn và đoàn công tác kiểm tra hoạt động dịch vụ tại HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tăng (Yên Định). Ảnh: Lê Hòa
Trong quá trình phát triển, Liên minh HTX tỉnh luôn xác định việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, hàng trăm HTX được hướng dẫn thành lập mới đã phát triển vững mạnh, trở thành điển hình tiên tiến trong khu vực kinh tế HTX cả nước, tiêu biểu như: HTX Thành Long (Thạch Thành), HTX sản xuất thương mại tổng hợp Chung Nghĩa (Hà Trung), Quỹ TDND Định Tường (Yên Định), HTX vệ sinh môi trường Tân Sơn, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống), HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa)...
Thực sự trở thành “bà đỡ” cho KTTT và HTX
Thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và các văn bản pháp luật về HTX, hướng dẫn thành lập mới các tổ hợp tác, HTX. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, hằng năm Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 188 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 15.268 cán bộ quản lý, thành viên HTX; tổ chức cho 130 HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng 117 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị; chỉ đạo Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tư vấn, hỗ trợ và cho vay 205 dự án, phương án của các HTX, thành viên HTX với tổng số cho vay 67,962 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện cho các HTX, thành viên HTX có nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng liên doanh, liên kết bền vững với các doanh nghiệp,...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh thăm gian hàng của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) tại Diễn đàn kinh tế dược liệu - thế mạnh của khu vực KTTT, HTX, tổ chức tại TP Sầm Sơn tháng 7/2023.
Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống) Nguyễn Thị Thắm cho biết: HTX luôn được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2023, khi khó khăn về vốn HTX đã được liên minh hỗ trợ cho vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Nhờ đó, HTX có kinh phí thu mua nguyên liệu, phát triển sản xuất. Trong đó, mở rộng quy mô sản xuất 3 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: đĩa cói, chậu cói và sọt cói; tạo việc làm ổn định cho 59 thành viên và hơn 500 lao động.
Qua ba thập kỷ xây dựng, phát triển và 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trên địa bàn tỉnh, hình thức KTTT đã phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ một cách hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, các HTX phi nông nghiệp có quy mô lớn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; các HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình XDNTM ở các địa phương... Những hiệu quả ấy đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân đối với việc tham gia HTX, tổ hợp tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, đã có 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 95 HTX, 9 tổ hợp tác tham gia phát triển 126 sản phẩm OCOP và 523 HTX tham gia xây dựng được các chuỗi liên kết bền vững...
Những đóng góp của Liên minh HTX tỉnh trong 30 năm qua luôn được các cấp chính quyền ghi nhận và tôn vinh, với nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đình Tuấn khẳng định: Tiếp nối truyền thống 30 năm qua, Liên minh HTX tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, làm tốt công tác tham mưu, tham gia xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển KTTT, HTX. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ, biểu dương kịp thời những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong khu vực KTTT, HTX để Liên minh HTX thực sự trở thành đơn vị đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các HTX, thành viên.