Ba thế hệ của một gia đình vượt đường xa tới TP.HCM viếng Tổng Bí thư

Nhiều người dân từ các tỉnh thành khởi hành từ sáng sớm về TP.HCM và chờ trước cổng Hội trường Thống Nhất đến chiều để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trời tờ mờ sáng, bà Huỳnh Thị Vui (75 tuổi) đã thức dậy và chuẩn bị cho kịp chuyến xe 7h đi từ Trà Vinh lên TP.HCM. Hôm nay, bà sẽ đến Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Bà Huỳnh Thị Vui, 75 tuổi, tự hào chia sẻ bản thân từng nuôi bộ đội trong kháng chiến từ những năm 15, 16 tuổi. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bà Huỳnh Thị Vui, 75 tuổi, tự hào chia sẻ bản thân từng nuôi bộ đội trong kháng chiến từ những năm 15, 16 tuổi. Ảnh: Khương Nguyễn.

“Tôi cũng không rành đường ở đây lắm nhưng thế nào cũng phải đi. Đi để thể hiện lòng thương yêu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, bà Vui chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Theo ghi nhận, trong ngày đầu tiên của Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TP.HCM, dòng người xếp hàng vào Hội trường Thống Nhất lúc nào cũng đông, có khi lên đến hàng trăm người. Nhiều người lặng lẽ rơi nước mắt trong sự thương tiếc nhà lãnh đạo giản dị, mẫu mực của đất nước.

Những bữa trưa phía trước Hội trường Thống Nhất

Khởi hành từ Trà Vinh vào lúc 7h và đến trước cổng Hội trường Thống Nhất vào 11h, bà Vui ngồi tạm trên bậc thềm và ăn vội chiếc bánh bao vừa mua ở bến xe miền Tây. “Thì cứ ăn tạm cho xong một bữa, tôi không muốn tốn thời gian tìm quán ăn, để dành thời gian viếng bác Trọng”, bà Vui nói rồi đi xếp hàng để vào Hội trường Thống Nhất.

Sau khi vào viếng Tổng Bí thư, bà Vui ra khỏi cổng Hội trường Thống Nhất rồi hỏi đường đến bến xe: “Chú ơi, chú biết chỗ nào có xe ôm hay xe buýt đi bến xe miền Tây không?”.

"Sao bà không biết đường hay gì hết mà dám đi từ Trà Vinh lên tới đây vậy?”, một người hỏi. “Đi kiểu gì cũng tới mà, miễn là được viếng Tổng Bí thư”, bà Vui trả lời dõng dạc rồi được người đàn ông đứng gần đó đặt hộ một chuyến xe ôm công nghệ.

 Gia đình bà Bay chờ trước cổng Hội trường Thống Nhất từ 8h để được vào viếng Tổng Bí thư càng sớm càng tốt. Ảnh: Đức An.

Gia đình bà Bay chờ trước cổng Hội trường Thống Nhất từ 8h để được vào viếng Tổng Bí thư càng sớm càng tốt. Ảnh: Đức An.

Ngoài bà Vui, gia đình của bà Âu Thị Bay, 60 tuổi, cũng ăn vội một bữa cơm trưa ở khu vực trước Hội trường Thống Nhất. Bà Bay cùng chồng là ông Nguyễn Ngọc Tuyến, 62 tuổi, và cháu nội vừa đến TP.HCM vào 8h sáng 25/7. Để được vào viếng Tổng bí thư càng sớm càng tốt, bà và chồng quyết định chờ khoảng 5 tiếng đồng hồ trước cổng Hội trường, bất chấp sự mệt mỏi do phải di chuyển đường dài.

Bà Bay kể gia đình đi từ Vĩnh Phúc vào TP.HCM vì hai lý do. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sau đó, gia đình sẽ viếng một người chú là liệt sĩ đang được chôn cất ở Tây Ninh.

“Khi đến Lễ viếng của Tổng Bí thư, tôi trực trào nước mắt. Sự trang nghiêm của buổi lễ, sự thương tiếc một vị lãnh đạo tài ba và di ảnh của Tổng Bí thư đã làm tôi không cầm được nước mắt”, bà Bay vừa nói vừa ngậm ngùi.

Theo ghi nhận, dù 13h mới tới giờ người dân vào Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người đã đến từ sáng sớm để bày tỏ sự tiếc thương với ông. Khi trời bắt đầu mưa vào khoảng giữa trưa, người dân vẫn ở lại và xếp thành hàng dài để vào bên trong.

Ba thế hệ cùng đi viếng Tổng Bí thư

10h sáng, bà Nguyễn Thị Năm, một cựu chiến binh 70 tuổi, cùng con dâu và cháu nội đã đứng trước cổng Hội trường Thống Nhất. Theo con dâu bà Năm, bà đã mất ngủ suốt một tuần lễ, một phần vì tiếc thương sự ra đi của Tổng Bí thư, một phần vì nóng lòng vào TP.HCM để dự Lễ viếng của ông.

“Mẹ chồng tôi cứ gọi mãi, nói phải tới TP.HCM để viếng Tổng Bí thư cho bằng được, dù mệt cách mấy cũng phải đi. Do vậy mà tôi và con trai cùng bà đi đến Lễ viếng hôm nay”, con dâu bà Năm chia sẻ rồi cùng mẹ chồng và con trai bước vào Hội trường Thống Nhất.

 Bà Nguyễn Thị Năm (giữa) bay từ Đắk Lắk vào TP.HCM để viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bà Nguyễn Thị Năm (giữa) bay từ Đắk Lắk vào TP.HCM để viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Khương Nguyễn.

Tương tự, bà Thu Giang, 75 tuổi, và con gái là chị Thủy Châu cũng đến Lễ viếng Tổng Bí thư từ 12h trưa. Do quy định không được mang túi vào Hội trường, hai mẹ con thay nhau vào viếng.

“Mẹ con mình đến vào lúc trời còn nắng nhưng đến khi vào được thì trời đổ mưa to. Kết quả là cả hai phải đợi đến vài tiếng đồng hồ để vào trong”, chị Thủy Châu chia sẻ. “Có mệt mỏi một chút nhưng khi nhìn thấy di ảnh Tổng Bí thư thì mình thấy nỗ lực được đền đáp, thật tốt là hai mẹ con đã đến được đây”.

“Thực ra thì cả gia đình tôi đều muốn đến dự Lễ viếng của Tổng Bí thư nhưng vì phải đi học, đi làm nên tôi cùng con gái đại diện đến đây để viếng bác. Cả gia đình tôi đều muốn thể hiện sự thương tiếc và biết ơn với ông”, bà Thu Giang tâm sự.

 Ông Claudio Schuftan, lãnh sự danh dự Chile tại Việt Nam, cùng vợ là bà Ngô Thị Độc Lập đến viếng Tổng Bí thư vào sáng 25/7. Ảnh: Khương Nguyễn.

Ông Claudio Schuftan, lãnh sự danh dự Chile tại Việt Nam, cùng vợ là bà Ngô Thị Độc Lập đến viếng Tổng Bí thư vào sáng 25/7. Ảnh: Khương Nguyễn.

Đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Claudio Schuftan, lãnh sự danh dự Chile tại Việt Nam và vợ cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà lãnh đạo.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam mà, theo tôi, ông còn là một nhà lãnh đạo được bạn bè quốc tế nể trọng. Chúng tôi đã có dịp bày tỏ sự thương tiếc đối với ông trong Lễ viếng và cảm nhận được không khí trang nghiêm của buổi lễ”, ông Schuftan chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ba-the-he-cua-mot-gia-dinh-vuot-duong-xa-toi-tphcm-vieng-tong-bi-thu-post1488214.html