Ba thói quen đang 'đầu độc' lá gan ít người biết
Khi cơ thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn, sợ đồ dầu mỡ, bệnh nhân đến viện thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán gan bị nhiễm độc do tự ý sử dụng thuốc trị viêm dạ dày.
Bị viêm dạ dày, bà N.T.C (56 tuổi, trú Hoài Đức, Hà Nội) được con gái mua thuốc nam về cho uống. Sau khi uống được 2 tháng, bà C. thấy người mệt mỏi, vàng da và chán ăn.
Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết bà C. bị viêm gan cấp do biến chứng từ sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Men gan lúc xét nghiệm tăng trên 200UL/l và phải nhập viện điều trị. Đối với trường hợp của bà C., nếu đến viện chậm trễ có thể dẫn tới suy gan.
Trường hợp khác là bệnh nhân Đ.Q.M. (40 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vì suy gan cấp. Anh M. bị viêm gan B., qua người quen giới thiệu, anh mua thuốc nam bào chế dưới dạng viên hoàn về uống. Kết quả, anh vào viện cấp cứu vì suy gan, suy thận cấp và phải lọc máu. Sau hơn một tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, bệnh nhân không qua khỏi.
Tại khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), hàng chục bệnh nhân đang điều trị vì viêm gan cấp do thói quen sử dụng thuốc bừa bãi. Các bác sĩ cũng nhận định việc tự ý dùng thuốc là thói quen phổ biến nhất đang "đầu độc" lá gan.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chức năng của gan là chuyển hóa các chất độc hại để thải trừ ra khỏi cơ thể và tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể. Nhiễm độc gan là tình trạng gan bị tổn thương do virus hoặc thuốc, chất gây hại gan, dẫn đến suy giảm các chức năng gan.
Bác sĩ Minh cho biết các thói quen phổ biến đang "đầu độc" lá gan là
- Tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt khi dùng quá liều hoặc kéo dài, như thuốc ngủ, thuốc giảm đau hạ sốt, kháng sinh (thuốc lao…), thuốc điều trị tâm thần, ung thư…
- Sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không được kê đơn chính thống, thực phẩm chức năng không rõ tính năng, thuốc nam, bắc không rõ nguồn gốc.
- Sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy.
Suy gan cấp ít có biểu hiện lâm sàng, người bệnh thường được phát hiện thông qua xét nghiệm men gan và chức năng gan. Một số dấu hiệu sớm của bệnh như người mệt mỏi, sợ mỡ, nổi mụn nhọt, ngứa, đau bụng vùng gan…
Trường hợp nặng có thể dẫn đến hội chứng suy tế bào gan với các triệu chứng như vàng da, mệt mỏi, chán ăn, hơi thở có mùi hôi khai, chảy máu khó cầm, li bì, khó ngủ.
Những trường hợp gan bị tổn thương nghiêm trọng người bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, hạ đường máu, suy thận, co giật…