Bá Thước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Bá Thước là huyện miền núi cao, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 83% dân số toàn huyện trong đó gồm có 3 dân tộc chính là Mường, Thái, Kinh và là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình) và đã đạt được kết quả đáng nghi nhận.
Ngay khi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025. Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị cấp huyện và cấp xã đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, cấp xã, tạo sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình giữa các cấp, các ngành.
Tại huyện Bá Thước bộ máy Ban chỉ đạo quản lý Chương trình được kiện toàn, hoạt động đi vào nền nếp, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Chuyển đổi từ cơ chế lập kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG theo từng năm, sang lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm. Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền và tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát trong thực hiện chương trình theo chiều sâu, trọng tâm vào chất lượng, hiệu quả...
Trong quá trình triển khai Chương trình, ưu tiên từng bước hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm, ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội.
Giai đoạn 2021-2023 huyện Bá Thước được giao 94,612 tỷ đồng từ Chương trình, trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển 46,467 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp 48,145 tỷ đồng. Huyện đã giải ngân các dự án thành phần được hơn 47,737 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch giao.
Đến tháng 10/2023, huyện Bá Thước đạt được 2/8 chỉ tiêu theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Dự kiến đến năm 2025 huyện sẽ đạt được 6/8 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Trong đó, 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt là: Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; 50% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Thực hiện nội dung số 2 của Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Chương trình 1719 (gọi là Dự án 1), Huyện đã hỗ trợ nhà ở, đầu tư các công trình nước sạch tập trung cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bảo DTTS và miền núi thuộc nội dung Dự án 1. Năm 2022 huyện giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tổng số vốn đã hỗ trợ: 4,5 tỷ đồng. Đến nay, đã hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 47 hộ trên địa bàn 16 xã. Đến nay, có 40 hộ đã hoàn thành xây dựng công trình nhà ở, còn 7 hộ đang tiếp tục thi công, hoàn thiện. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 4 với 71 công trình, tổng kinh phí hỗ trợ 49.795 triệu đồng; Xây dựng 6km đường giao thông liên xã, kinh phí 9.600 triệu đồng...
Bên cạnh đó, huyện Bá Thước cũng ưu tiên thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò Người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động. Huyện đã tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn huyện. Triển khai các lớp tập huấn "Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật”; “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý” cho người dân và cán bộ chủ chốt cộng đồng.
Điển hình như, trong năm 2022 hội Luật Gia huyện Bá Thước đã phối hợp với Phòng Tư Pháp huyện làm tốt công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân. Đã tư vấn và trợ giúp pháp lý 484 lượt, chủ yếu là tranh chấp đất đai, thủ tục làm giấy chứng nhận sử dụng đất, chế độ bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chính sách hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà cho người nghèo và người có công với cách mạng.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, huyện Bá Thước đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 885 lượt người và trợ giúp pháp lý lưu động thông qua lồng ghép các hội nghị cho 769 lượt người với nội dung hỗ trợ pháp lý về chuyển nhược đất, bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho cộng đồng khu dân cư, mở rộng đường giao thông nông thôn, thủ tục chuyển nhượng và cấp quyền sử dụng đất ở….
Huyện Bá Thước cũng đã xác định, để đưa kiến thức chính sách pháp luật đi vào quần chúng Nhân dân ở các vùng DTTS, không thể thiếu vai trò nòng cốt của lực lượng Người có uy tín. Do đó, huyện đã chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật cho Người có uy tín, qua đó phát huy vai trò là tuyên truyền viên của Người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn huyện có tổng cộng 543 Người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Riêng năm 2023, toàn huyện có 186 Người có uy tín đã tích cực phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; Vận động gia đình, dòng họ xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước ở khu dân cư; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, giải quyết tranh chấp đất đai; không sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy...
Có thể thấy, sau gần 3 năm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025, đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Bá Thước ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp đồng bộ, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình trong thời gian tới, huyện Bá Thước tích cực hơn nữa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân cư để người dân đồng thuận góp sức thực hiện. Ngoài tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, cần tuyên truyền trong các hội, chi hội, các đoàn thể chính trị, làm cho tất cả các thành viên đều hiểu và hăng hái tham gia, tạo được sự đồng thuận thống nhất của Nhân dân với chủ trương, kế hoạch thực hiện chương trình của huyện, xã để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025.
Phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chủ động phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan, địa phương. Tiếp tục rà soát, kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Ban chỉ đạo các cấp. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Phổ biến rộng rãi các mô hình có hiệu quả, cách làm hay; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Ngoài ra, địa phương tích cực thu hút nguồn vốn khác và sự đóng góp của Nhân dân trong thực hiện các nội dung Chương trình. Đồng thời, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình MTQG, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình dự án khác đang triển khai trên địa bàn huyện. Đặc biệt tập trung nguồn lực từ ngân sách để ưu tiên, hỗ trợ đầu tư theo hướng tập trung, có hiệu quả, không dàn trải. Trên cơ sở nguồn lực của chương trình hàng năm từ ngân sách Nhà nước, các địa phương cần bám sát quy hoạch, đề án, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng công trình, chống tiêu cực trong tổ chức thực hiện, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong việc huy động nguồn lực, phát huy được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia thực hiện.