Ba Tiến sĩ trẻ, có thành tích 'ấn tượng' được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022
Trong 20 ứng viên vào Vòng Bình chọn trực tuyến để xét Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022, có 3 nhà khoa học trẻ, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo.
TS Trương Thanh Tùng (SN 1989), hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, trường ĐH Phenikaa, Hà Nội. Anh có 40 công bố quốc tế, trong đó, nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới; thuốc điều trị ung thư trúng đích; các công trình phát triển các chất thay thế kháng sinh mới hứa hẹn sẽ cho ra đời các sản phẩm thuốc "Make in Vietnam".
TS Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên tại Việt Nam được hội đồng quốc tế bầu trực tiếp là thành viên chính thức (Official full member) của Hiệp hội Khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi 2022. TS Trương Thanh Tùng là một trong 28 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới.
Năm 2021, TS Trương Thanh Tùng từng lọt top 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và trở thành Gương mặt trẻ triển vọng. Cùng năm 2021, TS Tùng cũng từng đoạt Giải thưởng Quả cầu Vàng.
TS Chu Đức Hà (SN 1988) là giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Anh là tác giả của 163 công bố khoa học, gồm 26 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín quốc tế (thuộc danh mục WoS/Scopus) và 137 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín trong nước (thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh).
Một số thành tích nổi bật của anh, có thể kể đến: Tác giả của 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia và là tác giả của một sở hữu trí tuệ; Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2022; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu T.Ư năm 2022.
TS Chu Đức Hà tham gia hướng dẫn nhóm khởi nghiệp ý tưởng sáng tạo đoạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo của trường ĐH Công nghệ năm 2022 và đoạt giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng ĐHQG Hà Nội, năm 2022.
TS Lê Thị Phương (35 tuổi), nghiên cứu viên Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được biết đến với hướng nghiên cứu chính là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.
Một số thành tích nổi bật của TS Lê Thị Phương: Nhận hai bằng sáng chế quốc tế đăng ký tại Mỹ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn và 3 bằng sáng chế đăng ký tại Hàn Quốc; Giải Woman Scientist Award (giải thưởng cho nữ khoa học) của Hiệp hội Vật liệu sinh học Hàn Quốc (2021) dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu ấn tượng nhất trong năm; Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng 2022.
Đặc biệt, kết quả thu được từ đề tài "Điều chế và đánh giá các hệ phân phối thuốc nhắm đích trên cơ sở hyaluronic axít để tăng cường liệu pháp điều trị ung thư" của TS Lê Thị Phương hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh gây tử vong cao hiện nay trên thế giới...