Ba trăm ngày và những chuyển động lịch sử-Bài 1: Tư duy mới, tầm nhìn mới
Chỉ sau 10 ngày được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu giữ chức Tổng Bí thư, ngày 13-8-2024, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, đồng chí Tô Lâm lần đầu tiên nói đến khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Từ đó đến nay, tính tròn 300 ngày, Đảng ta đã có nhiều quyết sách đột phá, mang tính lịch sử với một tư duy và tầm nhìn mới, tiến những bước thần tốc trong hành trình lớn lao của dân tộc, mở ra con đường lớn, đưa đất nước vươn mình phát triển, hướng tới hai cột mốc đặc biệt: 100 năm ra đời Đảng quang vinh (2030) và 100 năm thành lập nước (2045)...
Kỷ nguyên vươn mình, Đảng ta phải tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, đưa toàn xã hội tự tin vượt qua thách thức, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt những thành tựu vĩ đại. Thực tiễn đất nước và xu thế thời đại đòi hỏi một tư duy mới, tầm nhìn mới mang tính chiến lược của Đảng.
Tình hình thay đổi, phải đổi mới tư duy
Sinh thời, V.I.Lênin viết: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đổi mới là bản chất của cách mạng, của sự phát triển. Ngay khi viết tác phẩm “Đường kách mệnh”, Người chỉ rõ: “Kách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Trong tư tưởng của Người, mọi triết lý đổi mới đều hướng tới mục tiêu: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong chặng đường lãnh đạo cách mạng hơn 95 năm qua, Đảng ta không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang, đó là kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975) và kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975-2025).

Ảnh minh họa / hanoimoi.com.vn
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Với thế và lực của đất nước sau gần 40 năm đổi mới, cùng với sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi và cả thách thức khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều kiện, hoàn cảnh lịch sử thay đổi, cần những đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cụ thể hóa thành những chủ trương, giải pháp mang tính bước ngoặt, hiện thực hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.
Những thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra thời gian qua rất mạnh mẽ, được toàn xã hội hưởng ứng, tạo một luồng sinh khí mới cho dân tộc. Tại Tọa đàm, đối thoại trực tuyến với chủ đề “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc-cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS, TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng: Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có tính chiến lược, vừa có tính đột phá. Đây là sự lựa chọn quả cảm đưa đất nước tiến lên ở mức độ cao vượt bậc trong thời gian tới. Thông điệp đánh vào xúc cảm của con người, làm cho lòng người trỗi dậy. Từ đó, tạo ra sức mạnh cộng hưởng đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ.
Những quyết sách mang tính lịch sử, bước ngoặt
Chỉ trong vòng 300 ngày qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chứng kiến nhiều quyết sách mang tính bước ngoặt, tạo sự chuyển động lịch sử của cả dân tộc.
Ngày 16-9-2024, chỉ sau hơn một tháng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu giữ chức Tổng Bí thư, đồng chí Tô Lâm đã có bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, trong đó nhấn mạnh: "Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước"; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
Từ những định hướng lớn trong xây dựng hệ thống chính trị "Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả", Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 127-KL/TW ngày 28-2-2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; ngày 14-3-2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 130-KL/TW về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh, cấp xã). Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 11 (từ ngày 10 đến 12-4-2025), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất cao các chủ trương: Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Có thể thấy, ngay sau Tết Nguyên đán 2025, liên tục từ tháng 2 đến tháng 4, Đảng ta đều có những chỉ đạo quyết liệt, mang tính bước ngoặt trong sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Những chủ trương, quyết sách ấy được dư luận xã hội và bạn bè quốc tế ủng hộ, đánh giá cao, coi đây là cơ hội lịch sử để phát triển đất nước.
Nhìn lại lịch sử, đất nước ta đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không có con đường nào khác là phải đi nhanh, đón kịp những bước tiến của khoa học, công nghệ và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được xem là nghị quyết của hành động, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta, ví như “Khoán 10” trong phát triển khoa học, công nghệ, nhằm “cởi trói”, tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển.
Tại tọa đàm, đối thoại trực tuyến với chủ đề “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc-cơ hội và thách thức”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá: Nghị quyết 57 mà Đảng ta đề ra đang đi theo xu hướng của thời đại. Chúng ta không lỡ nhịp và đang đi theo mô hình mà Việt Nam có thể phát huy được thế mạnh. Đó là mô hình Nhà nước kiến tạo và phát triển. Đây là nền tảng để chúng ta có rất nhiều hy vọng trong thời gian tới.
Nhằm tạo nguồn lực cho đất nước vươn lên thịnh vượng, trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Đây như lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta nhằm huy động tối đa sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, đưa Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là hiện thực hóa cho lời hiệu triệu đó.
Nếu như Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, tạo nội lực, sức mạnh tự cường cho đất nước thì Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới được xem là “quyết sách đột phá”, ví như “thẻ bài” để khơi thông, đưa nước ta mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia. Đây là tư tưởng "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại" được Đảng ta vận dụng sáng tạo hơn 95 năm qua.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học thống nhất nhận định: Chúng ta phải tiến nhanh, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình này nhưng phải tiến vững chắc thì mới tránh được nguy cơ tụt hậu. Để đạt được điều đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm mà Đảng, Nhà nước ta phải phấn đấu là duy trì chỉ tiêu tăng trưởng GDP bền vững và lâu dài hai con số. Bởi nếu nước ta phát triển như giai đoạn vừa qua thì chỉ luôn đi sau so với khu vực và thế giới, bẫy thu nhập trung bình luôn luôn rình rập. Chúng ta muốn sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới, không có con đường nào khác ngoài con đường phát triển, chúng ta không thể đủng đỉnh được, không đi nhanh hơn sẽ bị tụt hậu.
Để đạt được kỳ vọng về mục tiêu tăng trưởng hai con số, Đảng ta xác định phải đột phá về thể chế để gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Chủ trương này đã được hiện thực hóa ngay tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận kỹ và quyết định thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế-xã hội) với sự đồng thuận, thống nhất cao.
Cùng với những quyết sách quan trọng trên, Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời chú trọng công tác an sinh xã hội với nhiều quyết sách quan trọng như: Miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông; quyết tâm đến ngày 31-10-2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước; chiến lược phát triển nhà ở xã hội... tạo được sự hưởng ứng, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Những quyết sách mang tính đột phá, lịch sử đó đã và đang được thực thi một cách quyết liệt, như những bước chân thần tốc trong hành trình lớn lao vì đất nước mạnh giàu, nhân dân hạnh phúc...
(còn nữa)