Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện nổi bật phẩm chất chính trị kiên định, sự tận tụy, lòng trung thành của một người cộng sản; một nhà lãnh đạo tài năng về tổ chức và trí tuệ sáng tạo, đặc biệt là thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, mang lại những chuyển biến to lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. CỐNG HIẾN TRỌN ĐỜI CHO SỰ NGHIỆP CỦA ĐẢNG, CỦA DÂN TỘC

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, bí danh Mười Cúc, sinh ngày 1-7-1915, tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, khi mới 14 tuổi, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh đoàn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và bắt đầu những hoạt động của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Năm 1936, sau lần bị bắt lần thứ nhất và bị lưu đày ra Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Linh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tích cực tham gia khôi phục phong trào cách mạng, tái lập Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Năm 1939, đồng chí được Trung ương Đảng cử tham gia Thành ủy Sài Gòn. Đầu năm 1941, được Trung ương điều động ra Trung kỳ liên hệ, móc nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại Xứ ủy, khi đến Vinh (tỉnh Nghệ An) đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian Côn Đảo, dù bị kẻ thù dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người cách mạng, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng phân công về Nam bộ và dành hơn nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1957, với trọng trách là Bí thư Xứ ủy Nam bộ; đến năm 1961, là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trì và cùng các đồng chí khác lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam; từ hình thức đấu tranh vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động vũ trang, tiến hành phong trào Đồng Khởi phát triển rộng khắp… tạo cơ sở mở rộng tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân yêu nước.

Tại miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thực hiện chủ trương của Đảng trong việc lãnh đạo phong trào Đồng Khởi, xây dựng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 20-12-1960), thành lập Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (năm 1961); Đảng nhân dân cách mạng miền Nam (năm 1962).

Có thể thấy, việc phát triển của phong trào Đồng Khởi và sự ra đời của các tổ chức chính trị ở miền Nam là sự chuẩn bị tất yếu, đầy đủ trên các mặt: Quân sự, chính trị, ngoại giao của Đảng, tạo tiền đề cho cách mạng miền Nam phát triển lên bước mới trong giai đoạn sau.

Từ năm 1965 - 1975, trên cương vị là Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (năm 1972), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện sự kiên cường, kiên định của người chiến sĩ cách mạng, tài năng lãnh đạo, trực tiếp tổ chức chỉ đạo thực hiện một cách đúng đắn và sáng tạo, góp phần to lớn về sự thắng lợi của cách mạng miền Nam trong từng giai đoạn và đi đến thắng lợi cuối cùng - ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, Nam - Bắc sum họp một nhà.

NGƯỜI KHỞI XƯỚNG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

Sau năm 1975, trên cương vị là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với tập thể lãnh đạo thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện các chủ trương cải tạo và xây dựng thành phố trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội…; đồng thời, bám sát, nắm bắt thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm của một số cơ sở có cách làm sáng tạo để đề xuất với Trung ương nhiều chủ trương mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh từ trần ngày 27-4-1998 tại TP. Hồ Chí Minh. Với 83 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác…

Tháng 12-1976, với trọng trách là Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp đóng góp ý kiến, xin chủ trương, chính sách liên quan đến công tác cải tạo, chỉ đạo thực hiện cải tạo công thương nghiệp khu vực TP. Hồ Chí Minh…

Sau một thời gian ngắn, nền kinh tế của TP. Hồ Chí Minh có bước chuyển biến lớn, đột phá, có hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ, sản xuất gia đình được khôi phục, hoạt động hiệu quả và mô hình công ty hợp danh mới được thử nghiệm.

Từ những tìm tòi, thử nghiệm mô hình mới của TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh khác trên cả nước, đã góp phần quan trọng hình thành quan điểm đổi mới của Đảng ta; để từ đó đi đến quyết định lịch sử - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã quyết định đường lối đổi mới, mở ra kỷ nguyên mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới, quan điểm, cơ chế và chính sách mới; đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư.

Lúc bấy giờ, trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đồng chí đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu, bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định và tinh thần đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh, không chỉ là dịp để tri ân công lao to lớn ấy, mà còn mang giá trị định hướng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương mẫu mực về tinh thần cách mạng kiên định, đổi mới sáng tạo để mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và noi theo trong giai đoạn hiện nay.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202507/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-1-7-1915-1-7-2025-dong-chi-nguyen-van-linh-nha-lanh-dao-kien-dinh-va-sang-tao-1046358/