'Bà trùm' buôn lậu trên tuyến biên giới tây nam và hành trình vào tù
Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đang tiến hành xét xử trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh, tức Mười Tường (54 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) và 24 đồng phạm, trong đó nhiều người từng là các chủ doanh nghiệp tại An Giang và TP. Hồ Chí Minh trong vụ án vận chuyển trái phép 51 kg vàng 9999 qua biên giới.
Điều đáng nói là với lần ra tòa này, Nguyễn Thị Kim Hạnh đối diện với bản án thứ 4. Từ vụ án này, rất nhiều vấn đề đặt ra trong công tác chống buôn lậu ở tuyến biên giới..
51 kg vàng 9999 “vượt biên” như thế nào?
Các chủ tiệm vàng tại TP Châu Đốc như: Trần Thị Thảo Trang (tiệm vàng Thảo Kim Thành), Nguyễn Thị Tuyết Vân (tiệm vàng Vân An), Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (tiệm vàng Kim Ngọc Mai), Trương Văn Liêm (tiệm vàng Trương Liêm), Trương Thái Nguyên (tiệm vàng Trương Hưng) và Dương Công Cường có thỏa thuận chuyển tiền USD từ Việt Nam sang Campuchia và mua vàng của Tuốt, Hía, Pha Na (sống tại Campuchia) chuyển về Việt Nam. Phía các đối tượng bên Campuchia thuê Mười Tường vận chuyển USD và vàng qua lại biên giới với mức tiền công vận chuyển 100.000 USD là 70 USD, 1kg vàng là 15 USD. Để thuận lợi cho việc vận chuyển, các đối tượng quy ước ký hiệu trên mỗi gói USD, vàng: Tiệm vàng Trương Hưng ký hiệu “Vh”, tiệm vàng Vân An ký hiệu “9”, tiệm vàng Trương Liêm ký hiệu “V1”, tiệm vàng Kim Ngọc Mai ký hiệu “2” và Dương Công Cường ký hiệu “KK”...
Để thực hiện, Mười Tường thuê và phân công Mai Thị Ngọc Phấn, Phạm Tấn Lộc trực tiếp liên hệ với Nguyên, Cường, Vân, Nghĩa nhận tiền USD, giao vàng và nhận tiền công vận chuyển. Còn một nhóm đối tượng khác được thuê cảnh giới lực lượng chức năng.
Rạng sáng 30/10/2020, Nguyễn Hoàng Út cùng Phan Văn Bồ, Võ Minh Tâm, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Văn Sĩ, Võ Văn Kha, Trần Hoàng Yên, Nguyễn Văn Lê điều khiển xe môtô và vỏ tắc ráng có gắn động cơ chạy đến khu vực cột mốc biên giới 263/2 hoặc khu vực cầu Cồn Tiên, cầu Chắc Ry để tổ chức vận chuyển tiền, vàng từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại trong ngày 30/10/2020. Theo yêu cầu của Út và Lộc thì khi có lực lượng chức năng tuần tra thì những người này sẽ điện thoại thông báo cho Út, Lộc biết để xử lý.
Cùng thời gian này, Lộc điện thoại cho Võ Văn Trung lấy xuồng gỗ gắn động cơ tại bến sông gần nhà Mười Tường chở Trần Văn Hải đến bến tàu cá thuộc khu vực chợ Châu Đốc chờ nhận USD.
Còn Lộc điều khiển xe môtô đến chợ cá Châu Đốc rồi gọi điện thoại cho Nguyễn Thị Tuyết Vân đem USD đến chợ cá Châu Đốc giao. Tuyết Vân giao cho đàn em đem 3 bọc nilon màu đen bên trong có USD đến chợ cá Châu Đốc giao cho Lộc. Lộc và Hải mang 3 bọc xuống xuồng để Trung điều khiển chở Hải đem USD về để tại nhà của Mười Tường.
Tại phủ thờ Nguyễn Mai, Lộc kiểm tra và ghi số lượng USD đã nhận của các tiệm vàng vào giấy và điện thoại cho Út biết để vận chuyển sang Campuchia. Đến khoảng 7h30 ngày 30/10/2020, Lộc điện thoại kêu Nguyễn Văn Minh (Minh “Đen”) điều khiển vỏ tắc ráng đến bến sông gần phủ thờ Nguyễn Mai. Khi Minh điều khiển xuồng máy đến thì Lộc, Hải, Vân và Trung chuyển 3 bọc nylon màu đen bên trong có chứa USD để vào khoang hầm. Minh điều khiển xuồng chở Lộc đem số USD này sang Campuchia giao cho người làm của Hía. Sau đó, Minh chở Lộc đến gần cột mốc biên giới 263/2 gặp Út đang cảnh giới tại đây. Lộc qua xuồng máy của Út, còn Minh điều khiển xuồng hướng cầu Chắc Ry ra đến khu vực sông thuộc ấp Phước Quản (xã Đa Phước, huyện An Phú) gặp Hải ngồi trên chiếc vỏ cùng với Nguyễn Hữu Phước đang đậu, trên vỏ có 2 bọc nylon màu đen đựng USD do Trung, Phước lấy từ phủ thờ Nguyễn Mai...
Khoảng 11 giờ cùng ngày, Minh điều khiển xuồng máy chở Phước đi vào khu chốt liên ngành tại khu vực cầu Chắc Ry để thăm dò tình hình thì bị lực lượng liên ngành chặn lại kiểm tra, lúc này Võ Minh Tâm đang cảnh giới tại khu vực cầu Chắc Ry thấy nên điện thoại cho Út biết. Sau đó, Minh điều khiển xuồng chở Phước đến bến sông gần phủ thờ Nguyễn Mai cho Phước lên bờ, còn Minh điều khiển xuồng đậu tại khu vực bến sông kho Hạnh Phát. Đến khoảng 12h cùng ngày, Lộc điện thoại gọi Minh đến phủ thờ Nguyễn Mai chở Hải, Phước, Trung đến hầm nuôi cá của Mười Tường chờ xe điều khiển đậu trên đường Tuy Biên nhận vàng.
Đến khoảng 12h30 cùng ngày, Út điều khiển xuồng đến khu vực cột mốc biên giới 263/2 (phần lãnh thổ Campuchia) gặp Lộc và nhận 2 bao nylon màu trắng, 1 bọc nylon màu đen bên trong có chứa vàng của Hía, Tuốt giao qua vỏ của Út để Út điều khiển, vận chuyển vàng về Việt Nam.
Khi Út vận chuyển vàng về đến cặp sát bờ đường Tuy Biên (đối diện hầm nuôi cá của Mười Tường) thì Minh, Hải, Phước, Trung đi bộ đến vỏ của Út mang toàn bộ số vàng lên 2 xe máy thì bị lực lượng Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt quả tang. Tang vật bên trong 3 bao nylon chứa gần 51 kg vàng nguyên liệu 99,99%, trị giá hơn 71,7 tỷ đồng.
Sau khi biết việc vận chuyển vàng bị bại lộ, đến khoảng 15h cùng ngày, Mười Tường điện thoại cho Lê Thị Bạch Vân nói Nguyễn Phạm Khắc Tường (còn gọi là Chì) điều khiển xe môtô chở Vân đến bến đò Bùng Binh tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (khu vực biên giới) gặp Mười Tường. Đến nơi, Khắc Tường và Vân gặp Mười Tường cùng Tô Long đứng chờ. Mười Tường và Vân được một chiếc xuồng máy đưa sang Campuchia. Sau đó, lần lượt Phấn và Lê cũng được đưa sang Campuchia cùng Mười Tường. Tất cả chi phí ở Campuchia đều do Mười Tường chi trả...
Tại tòa, Mười Tường thừa nhận đã giúp sức cho đàn em trong vụ vận chuyển 51kg vàng và có qua lại tiền bạc với Dương Công Cường. “Bị cáo có giúp sức để mấy đứa nhỏ kiếm tiền thêm. Viện kiểm sát nhận định bị cáo tham gia vận chuyển là quá nặng cho bị cáo. Còn việc Lộc vận chuyển 200.000 USD từ tiệm vàng thì bị cáo không biết”, Mười Tường nói.
Lai lịch “bà trùm” đối diện bản án thứ 4
Trước đó, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt Mười Tường 3 bản án với tổng hình phạt 25 năm tù. Trong đó, 14 năm tù về tội “Buôn lậu”, 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, 3 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Hơn 15 năm trước, Mười Tường bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp khi đang lưu trú tại một khách sạn, vì liên quan đường dây vận chuyển, tàng trữ số lượng lớn điện thoại di động nhập lậu từ Campuchia. Sau đó, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Mười Tường 6 năm tù về tội “Buôn lậu”. Mãn hạn tù, Mười Tường quay về An Giang sinh sống, làm ăn. Từ đây, người phụ nữ này “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục củng cố thế lực, thu nạp đàn em, quay lại nghề xưa. Vốn đã quá am tường về tình hình buôn lậu khu vực biên giới nên chỉ một thời gian ngắn, Mười Tường được giới buôn lậu gọi là “bà trùm”. Mười Tường cùng đàn em nhanh chóng thâu tóm hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa ở vùng biên giới An Giang.
Mười Tường có mối quan hệ với nhiều đầu nậu ở bên kia biên giới và vàng là mặt hàng được Mười Tường chú ý đến, xem là chủ lực trong đường dây làm ăn, vì lợi nhuận từ buôn vàng cao hơn buôn ma túy. Mười Tường thiết lập mối quan hệ mật thiết với hệ thống các cửa hàng kinh doanh vàng ở các địa bàn biên giới, đặc biệt là TP Châu Đốc. Để núp bóng cho các hoạt động phạm pháp, Mười Tường với lớp vỏ bọc là doanh nhân thành đạt với nhiều doanh nghiệp trong tay.
Mặc khác, Mười Tường thường xuyên tham gia công tác từ thiện để che giấu thân phận và tạo dựng mối quan hệ xã hội. Nhiều người dân ở vùng biên giới An Giang vẫn chưa hết bất ngờ khi Mười Tường bị truy nã và bắt giữ. Bởi Mười Tường là người thường làm từ thiện, giúp đỡ và tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương đã đưa vụ án "buôn lậu" liên quan đến trùm buôn lậu Mười Tường vào diện theo dõi chỉ đạo. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 13 đến 24/2.