Bà Trương Thị Mai: Bạc Liêu cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông
Trưởng Ban Dân vận T.Ư tin tưởng rằng, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi... đồng bộ sẽ giúp Bạc Liêu nhanh chóng phát triển.
Ngày 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đến dự và chỉ đạo Đại hội, cùng với 317 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 26.000 đảng viên trong tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
"Tôi mong muốn thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng", bà Mai nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng lưu ý, tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục xác định vị trí, vai trò trong vùng Tây Nam Bộ, Tiểu vùng Nam sông Hậu, Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, chủ động thúc đẩy liên kết vùng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Bạc Liêu. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, hướng mạnh vào ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Bà Trương Thị Mai tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những thành tựu đã đạt được, đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Theo dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 – 2020) của tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 7%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 58,43 triệu đồng/người, tăng hơn 1,8 lần so với 2015, tổng vốn đầu tư đạt 28.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 21,23%, vượt so với Nghị quyết.
Tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đã hoàn thành nhà máy điện gió Bạc Liêu với công suất 99,2MW, với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới đạt trên 1,1 tỷ KWh. Đồng thời, đã triển khai thi công 9 dự án điện gió với tổng công suất 562MW, dự kiến hoàn thành đóng điện trước tháng 11/2021.
Ngoài ra, thu hút 40 dự án điện gió khác với tổng công suất hơn 7.000MW. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 785 triệu USD, tăng bình quân 11,9%/năm, chủ yếu tập trung vào mặt hàng thủy sản; Tổng thu ngân sách hàng năm đều vượt dự toán với tốc độ tăng bình quân là 10,87%/năm (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 7,5%/năm); Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1%, bình quân giảm khoảng 3,02%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết là 2%/năm).
Thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội cũng đề ra 21 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân (2021-2025) đạt 10 - 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 110 - 120 triệu đồng; sản lượng thủy sản 600.000 tấn (sản lượng tôm đạt 300.000 tấn); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 1.512 triệu USD trong đó, riêng xuất khẩu tôm đạt 1.300 triệu USD; tỷ lệ lao động qua đào tào 73,35% (trong đó, lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 28,69%).
Theo dự thảo báo cáo chính trị của tỉnh Bạc Liêu, mục tiêu trong 5 năm tới tỉnh Bạc Liêu xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; xây dựng mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế, đặc thù của tỉnh.
Đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt các dự án động lực, nhất là dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời và điện khí; xây dựng mô hình công nghiệp sạch, điển hình dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch để thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng.
Song song đó, đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Và 3 yếu tố đột phá là đẩy mạnh các dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao và phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng về hạ tầng giao thông, nhất là hàng không, cảng biển; hạ tầng điện và công nghệ thông tin; hạ tầng giáo dục, y tế, đô thị lớn.