Bà Trương Thị Mai: Thành công của Ngày hội chính là quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của MTTQ Việt Nam các cấp
Ngày 28/9, tại Hội nghị Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những biểu hiện rất sinh động kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khi ra đời đến nay, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sự hòa quyện của ý Đảng, lòng dân
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, qua 20 năm, việc tổ chức Ngày hội tại các địa bàn dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất hàng năm (18/11) đã đi vào cuộc sống, được triển khai rộng khắp và là một trong những hoạt động quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là kết quả nổi bật của quá trình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận mà trọng tâm là địa bàn dân cư, hướng mạnh về cơ sở, thu hút được sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Qua đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong các giai đoạn.
Nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 04 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa V là sự cần thiết để tiếp tục đảm bảo cho hoạt động này phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới, bà Trương Thị Mai cho rằng, cần nghiên cứu kế thừa những nội dung sâu sắc của Nghị quyết 04 để làm rõ trong Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về đổi mới, nâng cao chất lượng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.
Theo bà Trương Thị Mai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những biểu hiện rất sinh động kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khi ra đời đến nay, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hội là hoạt động thiết thực, có hiệu quả và đã hiệu triệu, thu hút được sự tham gia tự nguyện, rộng rãi, đông đảo nhất của các tầng lớp nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân với vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Báo cáo tổng kết đã nêu được nhiều số liệu có ý nghĩa thiết thiệt như 20 năm qua, cả nước có trên 87% khu dân cư tổ chức Ngày hội, tỷ lệ hộ gia đình tham dự đạt trên 70%; những năm gần đây, số địa phương có 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội tiếp tục tăng chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Qua Ngày hội, Nhân dân cả nước đã đóng góp hơn 10 triệu lượt ý kiến tham gia nhiều vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng trong cuộc sống, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp.
“Điều quan trọng của Ngày hội chính là không khí vui tươi, đoàn kết, phấn khởi ở từng tổ dân phố, từng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, khóm, sóc, từ đô thị, đồng bằng đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của các tầng lớp nhân dân, các giai tầng, các tôn giáo đã tạo nên sức mạnh cộng hưởng, khẳng định tinh thần chung sức, chung lòng, tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng của từng người dân, mỗi gia đình cùng xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Chia sẻ cảm xúc về những lần tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, bà Trương Thị Mai cho rằng, đây là quá trình mỗi khu dân cư cùng nỗ lực, cùng phấn đấu vươn lên, thay đổi sinh kế, giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, là việc học hành của con em phải ngày một thuận lợi, sức khỏe được quan tâm, là an toàn trong cuộc sống, môi trường sinh thái được giữ gìn, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, là tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau...
“Tất cả quá trình đó kết tinh trong Ngày hội, làm nên tinh thần của Ngày hội mà Nhân dân là trung tâm, là chủ thể, đồng thời đây cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương tập thể, cá nhân người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”, bà Trương Thị Mai nói.
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để MTTQ các cấp tập trung tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, vai trò, vị trí của Mặt trận trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để góp phần cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh công bằng, dân chủ văn minh xây dựng và phát triển đất nước.
Đây còn là dịp các khu dân cư đẩy mạnh các hoạt động xã hội, chăm lo, chia sẻ với các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều nơi, Ngày hội còn là dịp để chung tay đóng góp cho người gặp khó khăn trong cuộc sống, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
“Từ khi phát động năm 2000 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội của Mặt trận đã vận động được hơn 84 ngàn tỷ đồng để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, xây mới và sửa chữa nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ lượt khám, chữa bệnh và học tập của học sinh, sinh viên; giúp đỡ phát triển sản xuất. Năm 2023, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đã có 189 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ 296 tỷ đồng để giúp đỡ khoảng 6.000 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc, kết quả này một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Trương Thị Mai thông tin.
Khẳng định việc Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là phương thức rất hiệu quả để Mặt trận phát huy được vai trò là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị với các tầng lớp nhân dân, bà Trương Thị Mai cho biết, 20 năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương đã về dự Ngày hội cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con ở các địa bàn dân cư, chia sẻ, động viên, định hướng cho sự phát triển của cơ sở, sâu sát hơn với thực tiễn cuộc sống, góp phần cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định chủ trương, chính sách, qua đó củng cố mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, tăng cường đồng thuận, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao, biểu dương những kết quả quan trọng mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt được 20 năm qua trong thực hiện chủ trương tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả này càng khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này, hòa quyện được ý Đảng, lòng Dân, là động lực, là kinh nghiệm quý báu để Mặt trận tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong tổ chức Ngày hội thời gian tới”, bà Trương Thị Mai nêu rõ và khẳng định, chỉ khi nào người dân đón nhận, là người chủ thực sự, tích cực tham gia và cảm nhận được Ngày hội chính là cuộc sống của mình thì mới đạt được thành công của tổ chức Ngày hội.
Nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam
Cũng theo bà Trương Thị Mai, bên cạnh việc tổng kết 20 năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ góp ý cho Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Báo cáo kết quả khảo sát sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV; Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2024 của Ủy Trung ương MTTQ Việt Nam và phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội.
“Đây đều là những công việc quan trọng của Mặt trận, cần được thảo luận kỹ lưỡng, chu đáo, sao cho tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện các văn bản này, nhất là những văn kiện chuẩn bị cho Đại hội. Rất mong các cụ, các vị, các đồng chí dành thời gian, tâm huyết để đóng góp và chắc chắn rằng hoạt động của Mặt trận không thể tách rời với bối cảnh trong và ngoài nước hiện nay”, bà Trương Thị Mai đề nghị.
Nhấn mạnh MTTQ đã trải qua gần hết chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam khóa IX và đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành Nghị quyết của Đại hội, dự kiến tháng 10/2024 sẽ tổ chức Đại hội MTTQ nhiệm kỳ tiếp theo, bà Trương Thị Mai cho biết, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
“Với trách nhiệm của Ban Bí thư chúng tôi sẽ đôn đốc các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm, tạo mọi điều kiện để Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029 thành công tốt đẹp. Đồng thời Bộ Chính trị cũng đã đưa Đảng đoàn MTTQ Việt Nam là một trong 3 tổ chức Đảng quan trọng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, đó là Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ.”, bà Trương Thị Mai thông tin và cho biết thêm, tháng 9/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 120-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để tiếp tục thể chế chủ trương của Đảng đối với MTTQ Việt Nam và Mặt trận phải tiếp tục tham mưu đưa những chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam.
Nhắc tới diễn biến của tình hình kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong thời gian qua và diễn biến tình hình thế giới trong thời gian gần đây, bà Trương Thị Mai cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chỉ đạt 3,72%/6,5% kế hoạch, lạm phát cơ bản tăng 4,57%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 13,1%, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu tăng, vốn FDI, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ, có khoảng 67.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, khoảng 36.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động chờ giải thể, số người lao động mất việc làm, giảm giờ làm tăng; một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, suy thoái kinh tế của thế giới và một số khó khăn nội tại... nên tăng trưởng âm; thiên tai, lũ lụt, sạt lở ở một số nơi để lại hậu quả nặng nề. Năm 2023, ước đạt 10/15 chỉ tiêu (5 chỉ tiêu dự ước chưa đạt đó là: GDP; GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; tỷ trọng lao động nông nghiệp).
“Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời và rất cần sự đóng góp của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng và nhân dân để nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả cao nhất trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Đại hội Đảng lần thứ XIII”, bà Trương Thị Mai gợi mở.
Ngày hội thực sự là động lực, tăng cường tinh thần đoàn kết ở mỗi khu dân cư
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu tâm huyết của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương để nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư cả về hình thức, nội dung, quy mô. Từ đó khẳng định Ngày hội thực sự là động lực, tăng cường tinh thần đoàn kết, huy động sự đóng góp công sức của nhân dân ở mỗi khu dân cư, từ đó góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã quan tâm chỉ đạo sát sao và kịp thời giải quyết đề xuất của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và có các văn bản chỉ đạo có tính căn cơ, lịch sử nhằm nâng cao vị thế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kiện toàn Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị và lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam và ban hành Chỉ thị về lãnh đạo tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X, năm 2024-2029 với nhiều nội dung mới, thuận lợi cho công tác Mặt trận.
“Đảng đoàn MTTQ Việt Nam xin hứa với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Thường trực Ban Bí thư sẽ lãnh đạo hệ thống MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Từ những gợi mở của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, xác định Nghị quyết 04 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư là rất quan trọng, thực sự là Ngày hội đại đoàn kết của người dân ở khu dân cư, Ngày hội của ý Đảng, lòng dân, do vậy, Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo tổng kết khá bài bản từ cấp tỉnh đến toàn quốc và các đại biểu sẽ cùng thảo luận, cho ý kiến để ban hành Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về đổi mới, nâng cao chất lượng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.
“Quá trình tổng kết, các cấp, các ngành đã biểu dương, khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân. Theo kết quả tổng hợp, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã biểu dương, khen thưởng cho 322.008 tập thể khu dân cư; tặng Bằng khen, Giấy khen cho 1.185.031 cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu. Hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp tôn vinh, khen thưởng cho 491.517 tập thể, Ban Công tác Mặt trận và 676.206 cá nhân tiêu biểu. Trưởng Ban Công tác Mặt trận, trưởng các chi hội, chi đoàn có nhiều đóng góp thiết thực trong thực hiện công tác Mặt trận tại các địa phương. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho 153 tập thể, 22 cá nhân thật sự xuất sắc, tiêu biểu”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.
Từ những gợi mở của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, từ thành công của 20 năm Ngày hội đại đoàn kết, việc ban hành Nghị quyết mới phải đảm bảo tính kế thừa, phát triển và đáp ứng được những nội dung mới trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và làm nền tảng để nội dung Nghị quyết sẽ đưa vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X MTTQ Việt Nam.