Bà ung thư chăm cháu tàn tật: 'BS dặn bồi bổ nhưng tôi còn phải nhường đồ ngon cho cháu'
Phát hiện bệnh ung thư từ năm 2019, người phụ nữ U70 vẫn tần tảo làm việc, chăm 3 cháu nhỏ, đặc biệt có một người cháu nội không có tay.
Một buổi trưa nắng tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, vừa ăn xong bữa trưa, tiếng bà Phan Thị Tươi (62 tuổi) khe khẽ nhắc 2 người cháu của mình không nô đùa nữa, vào nhà đi ngủ lấy sức cho buổi học chiều. Người phụ nữ dáng người cao, gầy, mái tóc hạt tiêu sợi đen, sợi bạc bước vào nhà. Căn nhà chừng 40m2, là nơi ngủ, nghỉ và học tập của 2 vợ chồng bà cùng 3 đứa cháu nội.
Ngồi nghỉ ngơi, bà Tươi mở lòng, hầu hết ai nhìn cũng tưởng bà khỏe mạnh, ấy thế nhưng trong người bà giờ rất nhiều bệnh như đau khớp, đau đầu, đau lưng,...đặc biệt là mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp.
Bà kể, năm 2019, trong một lần cảm thấy cơ thể không được khỏe, bà nhờ con trai đầu đưa lên viện tỉnh khám, sau đó được giới thiệu ra bệnh viện Trung ương tại Hà Nội. Tại đây bà được kết luận mắc ung thư tuyến giáp.
Sốc khi biết bản thân mắc căn bệnh hiểm nghèo, gia đình lại chẳng có điều kiện, chút vốn liếng 2 vợ chồng còn sót lại đành phải lấy ra chữa bệnh. Băn khoăn và suy nghĩ nhiều, bà được mọi người động viên, an ủi. Bà quyết định tiến hành phẫu thuật và hóa trị. Sau 10 ngày, bà được xuất viện và về nhà, 3 – 6 tháng quay lại tái khám 1 lần.
"Lúc ấy có bao nhiêu tiền, 2 vợ chồng bỏ ra bằng hết, rồi con cái đưa thêm mới vượt qua thời điểm ấy, chứ không dám vay anh em, hàng xóm vì sợ không trả được. Bác sĩ dặn về nhà phải ăn uống điều độ, kiêng khem vài thứ. Nhưng nhà thì không có điều kiện, lo đủ 3 bữa đã là tốt lắm rồi. Thậm chí có những hôm có đồ ăn ngon, còn phải nhường cho 3 đứa cháu vì nó còn quá nhỏ", bà Tươi bật khóc.
Mắc bệnh hiểm nghèo và gánh nặng mưu sinh
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình, bà nhìn Đông Khải – người cháu nội sinh ra đã không có 2 tay đang cặm cụi viết chữ bằng chân mà đau lòng. Bà kể, bà và chồng mình là ông Nguyễn Văn Mỵ (63 tuổi) kết hôn muộn, do chồng bà đi bộ đội 12 năm. Sau đó 2 ông bà thấy mến nhau nên mới nên duyên, 2 ông bà sinh được 3 người con, con trai lớn nhất năm nay 36 tuổi, đã lập gia đình và có 3 cậu con trai. Còn con gái út năm nay 28 tuổi đã đi làm xa và chưa lập gia đình.
Hiện ông bà ở nhà chăm 3 đứa cháu để 2 vợ chồng người con trai chú tâm làm ăn. Đặc biệt, là người cháu thứ 2 bị khuyết tật bẩm sinh, Khải sinh ra không có 2 tay như những bạn khác.
"Nhà tôi chẳng có ai bị như nó cả, mẹ nó suốt nhiều tháng mang thai liên tục đi khám và được bác sĩ chẩn đoán thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh và không có vấn đề gì. Nhưng ngày sinh ra, cả 2 bên nội ngoại bàng hoàng khi hay tin cháu khuyết tay. Chẳng thể tin đó là sự thật, chúng tôi mất một thời gian khá dài để chấp nhận điều đó", bà Tươi cho hay.
Hai ông bà vất vả chăm cháu từ thuở nhỏ đến bây giờ. Hiện Khải đã vào lớp 3, tập viết bằng chân từ lúc 3 tuổi. Nhờ nỗ lực, Khải có thể học tập như các bạn và rất ngoan ngoãn, ông bà Tươi cũng an tâm phần nào.
Trước kia khi chưa bị bệnh, bà Tươi thường đi làm thời vụ ở các công ty kiếm chút thu nhập và làm thêm việc đồng áng để lo phí sinh hoạt gia đình, đôi lúc còn có thể mua cái này, cái kia cho cháu. Thế nhưng 3 năm nay, kể từ khi mắc bệnh, bà chẳng thể đi làm được nữa, sức khỏe yếu đi, bà chỉ quanh quẩn ở nhà làm nông kiếm được ít nào hay ít đấy.
"Giờ làm một lúc đã thở hổn hển rồi, nói nhiều lúc còn chẳng ra hơi, sức đâu mà làm việc ở công ty được nữa. Tôi chỉ ra đồng, ai mướn công việc gì vừa sức thì làm 1-2 tiếng rồi về nhà", bà Tươi nói.
Nhìn về tương lai, người phụ nữ 62 tuổi chỉ ước cuộc sống gia đình bớt khổ, bớt gánh nặng mưu sinh là bà vui mừng lắm rồi.
Ông Phùng Đình Thảo, trưởng thôn Phủ, xã Ninh Xá, cho biết gia đình ông Nguyễn Văn Mỵ có hoàn cảnh khó khăn cả thôn ai cũng biết. Đặc biệt, vợ mắc bệnh ung thư đã nhiều năm nay, có 3 cháu nội thì một cháu không may tàn tật, bố mẹ đi làm suốt ngày để 3 cháu ông bà chăm sóc nên khá vất vả.