Ba và ngày Vu Lan

Ba có tuổi thơ khá đặc biệt. Bà nội mất khi ba mới lọt lòng được hai tháng. Một mình với bầy con ăn chưa no lo chưa tới, ông nội đứt ruột ẵm đứa con út còn đỏ hỏn đem cho một bà góa không con. Vậy là ba ở xóm ngoài, nhà nội ở xóm trong. Ông nội đã cho con với lời hứa cho đứt, không được lui tới, chỉ dõi theo con từ đằng xa.

Sống với mẹ nuôi, ba được yêu thương trọn vẹn. Có lẽ tình thương đã bù đắp cho nỗi tủi hờn nên ba không hận nội bỏ con. Ba bảo, nói không buồn là nói dối, có đứa trẻ nào không buồn khi bị quăng khỏi tổ. Nhưng mỗi ngày mỗi lớn, rồi cũng hiểu ra, ông nội làm vậy vì muốn tốt hơn thôi. Để hiểu được điều này hẳn không phải là điều dễ dàng. Và khi đã hiểu, ba tìm về với đấng thân sinh, nhận anh em, họ hàng. Cuối cùng, ba trở thành chiếc cầu nối hai gia đình, hai dòng họ từ xa lạ đã thành chỗ thân quen.

Ba kể, thực ra, mẹ nuôi ban đầu sợ sức mạnh của huyết thống níu kéo, sợ vì quá cưng, sợ ba có chỗ ngó chừng rồi đâm dữ ngư (phương ngữ Phú Yên: động thái hành xử kiểu lờn mặt với người trên do được nuông chiều), khó dạy nên ra điều kiện đoạn tuyệt. Nhưng sau thấy ba ngoan hiền, thấy ông nội không phản lời hứa, không có ý mồi chài bắt con về nên bà nội mở cửa. Ba được tự do về với cội nguồn.

Tình yêu thương, công dưỡng dục và sự bao dung đã tạo nên tình cảm thiêng liêng, tình yêu ba dành cho mẹ nuôi là tình yêu thương sâu đậm mà gốc rễ là sự hàm ơn. Nếu bạn thấy cái cách ba chăm bà nội những lúc trái gió trở trời, bạn sẽ phá bỏ định kiến, chỉ có huyết thống mới gắn kết yêu thương. Tôi chỉ nói vậy chứ không nghĩ phải diễn tả chi tiết việc chăm nom một người bệnh liệt giường ròng rã mấy tháng trời để làm minh chứng.

Tôi ngưỡng mộ ba của mình. Thời đó học hành lõm bõm, không được nghe thuyết giảng về đạo lý nhiều nhưng ba quan niệm, chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Ba tôi đề cao chữ hiếu, đặc biệt với mẹ. Ba dạy chị em tôi, các con làm gì làm, nhưng bất kính với mẹ sẽ là điều làm các con hối hận nhất sau này.

Ba tôi có hai người mẹ nhưng chỉ có cơ hội để hiếu đạo với một người. Tôi nhiều lần thấy ba ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh mẹ ruột. Lúc đó, trong đầu tôi tưởng tượng bao điều. Tôi nghĩ ba thương người mẹ vắn số, tôi hình dung ba nói trong tâm tưởng, mẹ hãy an tâm mỉm cười nơi chín suối vì con trai của mẹ đã được yêu thương… Có nhiều lần, ba cùng mẹ nuôi trò chuyện về người mẹ đẻ - những câu chuyện giản dị mà ấm áp. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ, yêu thương không lý do là yêu thương cao đẹp nhất.

Lại nói, ba tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng ba đặc biệt coi trọng ngày Vu Lan. Tình yêu với mẹ cũng là một tôn giáo - cách hành xử của ba làm tôi nghĩ vậy. Ngoài việc lấy chữ hiếu làm đầu, ngoài việc dạy các con bài học về tình mẹ, ba còn thể hiện tình yêu với người đàn bà mang nặng đẻ đau, người đàn bà có công ẵm bồng, đút mớm bằng thái độ với ngày lễ Vu Lan.

Vu Lan nào ba cũng lên chùa cài hoa hồng - biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Cài một hoa hồng trắng trên ngực để nhắc rằng, mình đã mất đi điều cao quý nhất và cài hoa hồng đỏ thắm để tự hào, để thấy may mắn vì vẫn còn mẹ bên đời. Lúc nào cũng vậy, ba cài hai đóa hồng trên ngực, lễ về, hai hoa hồng được ba để ngay ngắn trong tủ gương, như vật trưng bày vô giá. Bao năm, chiếc tủ gương xếp dày những bông hồng trắng, đỏ…

Nhiều mùa Vu Lan đi qua, ba đã về nơi mây trắng để đoàn tụ với hai người mẹ. Học theo ba, Vu Lan nào tôi cũng cài hoa hồng lên ngực. Mỗi lần như vậy, tôi nhớ ba, mủi lòng chực khóc…

BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/319469/ba-va-ngay-vu-lan.html