Ba Vì: Người 'giữ lửa' nơi bản Dao Yên Sơn

Theo chân những cán bộ của Đội An ninh (CAH Ba Vì, Hà Nội), sau gần 30km quanh co men theo đường đồi, núi (cách trung tâm huyện Ba Vì), chúng tôi đã có bản người dân tộc Dao (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì). Vừa thấy chúng tôi, đám trẻ và một số người dân chơi ở hai bên đường thì thào: 'Chắc lại đến nhà thầy Phủ!'…

Ông Lý Văn Phủ ngoài vườn thuốc của gia đình

Ông Lý Văn Phủ ngoài vườn thuốc của gia đình

Gương sáng của bản người Dao

Nằm giữa lừng chừng dốc của bản Dao Yên Sơn, ngôi nhà mái bằng của gia đình ông Lý Văn Phủ (SN 1963, ở bản Dao, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì) dù được xây dựng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước nhưng nhìn vẫn khá khang trang. Thấy có khách hỏi tên chồng mình, bà Dương Thị Hiến (vợ ông Phủ) đon đả mời chúng tôi vào nhà và bà nhanh nhảu nói: “Các anh, chị chờ nhà tôi một lát. Ông Phủ vừa ra vườn thuốc, để tôi cho cháu gọi về”.

Trong lúc ngồi chờ ông Phủ, bà Hiến kể cho chúng tôi nghe một số chuyện về chồng mình và cuộc sống của gia đình. Bà Hiến cho biết, chồng bà - ông Lý Văn Phủ là người dân tộc Dao. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, để giữ được hình ảnh là “Người uy tín” trong cộng đồng người Dao nơi đây, ông Phủ luôn là người tiên phong trong các phong trào của thôn, của xã và huyện.

“Ngay từ khi sinh ra, cuộc sống gia đình gắn liền với nương rẫy, ông Lý Văn Phủ hiểu cái khó, cái nghèo của người Dao quần chẹt Ba Vì xuất phát từ chính cuộc sống du canh, du cư trên sườn núi Tản Viên. Vì vậy, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Lý Văn Phủ là một trong những hộ dân đầu tiên "hạ sơn", quần tụ dưới chân núi, trả lại rừng cho Nhà nước để thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì. Sau gần 30 năm xuống núi, thành lập thôn Yên Sơn, cuộc sống của người Dao đã thay đổi nhiều nhưng chưa thể bằng những địa phương ở vùng đồng bằng, phần vì cơ sở hạ tầng thấp kém, phần vì phương thức sản xuất lạc hậu”, bà Hiến cho biết.

Khi chúng tôi đang say sưa chuyện thì ông Lý Văn Phủ xuất hiện ở cổng nhà cất giọng sang sảng chào khách. Vẫn nguyên bộ quần áo của người dân tộc Dao, ông Phủ bắt tay từng người và bắt đầu bằng câu hỏi: “Đường về bản Dao Yên Sơn có khó không? Bây giờ là đẹp và rộng lắm rồi, bê tông hóa cả chứ không như trước kia đâu. Tuy nhiên, Yên Sơn địa hình chủ yếu là đồi núi, trình độ sản xuất lạc hậu nên còn nhiều hộ nghèo lắm”.

Tiếp lời ông Phủ cũng như giới thiệu về “Người tín nhiệm” của bản Dao Yên Sơn, Trung tá Phan Thị Hoài Thanh – Đội trưởng Đội An ninh CAH Ba Vì cho biết: “Ở bản người Dao Yên Sơn, ông Lý Văn Phủ ngoài việc làm kinh tế giỏi còn là người đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiều năm qua, ông Phủ cần mẫn sao chép hàng chục cuốn sách của tổ tiên dạy cách bốc thuốc, thờ cúng, xem lịch… Ông cũng lặng lẽ dạy cho thế hệ trẻ cách viết, diễn xướng nghi thức cúng lễ truyền thống của người Dao trong các dịp lễ, Tết”.

Cùng với đó, ông tìm cách gạn lọc, xóa bỏ các hủ tục để phù hợp với phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và các lễ hội… Nếu trước đây, người Dao quần chẹt ở Ba Vì thường tổ chức đám chay, Tết nhảy 3 ngày 3 đêm thì hiện nay, ông đã vận động được người dân giảm thời gian xuống còn 1 ngày, làm cỗ đơn giản, gọn nhẹ hơn. Vì vậy, người dân không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc...

Ông Lý Văn Phủ tại buổi lễ vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2019

Ông Lý Văn Phủ tại buổi lễ vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2019

Cũng theo Trung tá Phan Thị Hoài Thanh, nằm ở vùng sâu, vùng xa nhất Hà Nội, địa hình đồi núi, đất đai cằn cỗi, giao thông không thuận lợi, những năm trước đời sống của người dân thôn Yên Sơn gặp nhiều khó khăn. Khi Ba Vì triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, việc phát triển kinh tế là "bài toán khó" với đội ngũ lãnh đạo xã và thôn bởi người dân nơi đây đại đa số là đồng bào dân tộc Dao.

Người “Hòa giải viên” uy tín

Đung đưa bên chén nước trên tay, ông Lý Văn Phủ nhớ lại: “Khi Yên Sơn được đầu tư kinh phí để làm đường, mình phải cùng với chi bộ, các đoàn thể nhân dân bàn bạc, đề nghị mọi người hiến đất mở đường. Chủ trương này lúc đầu không được các hộ dân ủng hộ ngay. Tuy nhiên, mình đã kiên trì đến từng nhà nói rõ chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của thành phố. Trước tình hình đường giao thông nhỏ hẹp, đi lại khó khăn với chiều rộng mặt đường chỉ 2 mét, mình đã nhiệt tình vận động nhiều lần đến nay đã xây dựng được tuyến đường giao thông tại thôn và các ngõ xóm với chiều rộng 6 mét. Gia đình tôi đã trực tiếp hiến 200 m2 đất để làm đường giao thông. Từ đó đã tạo được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân trong thôn và các hộ dân hăng hái tham gia ủng hộ để mở các tuyến đường”.

Không những gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong phát triển kinh tế, cần mẫn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc… ông Lý Văn Phủ còn là một “Hòa giải viên” giỏi của bản người Dao, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì.

Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, ông Lý Văn Phủ là “Người uy tín”, rất am hiểu các phong tục, nghi lễ truyền thống của dân tộc Dao. Bất kỳ gia đình nào có công việc liên quan đến tín ngưỡng tâm linh đều được ông nhiệt tình giúp đỡ, nên mọi người rất quý trọng. Không những vậy, ông Phủ là tấm gương sáng trong cộng đồng người Dao ở địa phương về uy tín và cả trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Việc làm tự nguyện của ông Lý Văn Phủ đã tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, biết hy sinh lợi ích riêng để hướng tới sự phát triển chung của địa phương…

Không những làm kinh tế giỏi mà ông Lý Văn Phủ còn là 'Hòa viên giỏi" và cũng là người "giữ lửa" truyền thống dân tộc Dao thôn Yên Sơn

Không những làm kinh tế giỏi mà ông Lý Văn Phủ còn là 'Hòa viên giỏi" và cũng là người "giữ lửa" truyền thống dân tộc Dao thôn Yên Sơn

“Nhiều năm nay, ông Lý Văn Phủ liên tục được bà con ở địa phương bình chọn là “Hòa giải viên” hay nôm na là “Người uy tín” trong cộng đồng người Dao Yên Sơn. Với vai trò này, ông Lý Văn Phủ trở thành cầu nối quan trọng của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Dao thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và là người "giữ lửa" cho văn hóa truyền thống...”, ông Dương Trung Liên chia sẻ.

Ông Lý Văn Tâm - Trưởng Công an xã Ba Vì cũng cho biết, Yên Sơn có khoảng 235 hộ dân, chiếm 95% là người dân tộc Dao, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Ðảng, Nhà nước và Thành phố đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ người dân thôn Yên Sơn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng trong thôn vẫn còn một số ít thanh niên ham chơi, lười lao động, nhưng thích ăn ngon mặc đẹp, đua đòi làm cho tình hình ANTT trong thôn phức tạp, tệ nạn xã hội gia tăng, nhất là lô đề, cờ bạc, trộm cắp.

Để góp phần giữ gìn ANTT của thôn, từ năm 2013 đến nay, “Người uy tín” Lý Văn Phủ đã tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; vận động bà con vươn lên làm giàu chính đáng, chăm lo cho các con, cháu học hành, không để bị kẻ xấu lợi dụng, dễ sa vào con đường phạm tội. Đặc biệt, ông Lý Văn Phủ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và Công an xã Ba Vì xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình “Dòng họ tự quản ANTT”. Qua đó kịp thời phát hiện, khuyên can nhiều đối tượng không tụ tập đánh bài, uống rượu say, ngăn chặn tình trạng chặt phá đốt rừng, khai thác rừng trái phép; thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm…

Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Lý Văn Phủ đã được các cấp, ngành tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Năm 2011 được Chủ tịch UBND huyện Ba Vì tặng Giấy khen đã có thành tíchxuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc vùng dân tộc ít ngườimiền núi Ba Vì giai đoạn 2005 - 2011; năm 2012 được Chủ tịch UBND huyện Ba Vì tặng Giấy khen đã có thành tíchtrong 10 năm thực hiện mô hình ANTT trong dòng họ Lý giai đoạn 2003 – 2012; năm 2013 được Giám đốc CATP Hà Nội tặng Giấy khen trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 – 2013;năm 2014, ông được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; năm 2017 được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt". Năm 2017, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, ông Phủ đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.

Quang Trường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ba-vi-nguoi-giu-lua-noi-ban-dao-yen-son/828255.antd