Phú Thọ: Công bố Di sản phi vật thể Quốc gia Nghề Dệt thổ cẩm của người Mường và công nhận 3 điểm du lịch
Lễ công bố và trao Quyết định Nghề thủ công truyền thống - nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài; công nhận các điểm du lịch tại xã Xuân Sơn vừa được tổ chức tại khu Dù (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ).
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa Nghề dệt thổ cẩm người Mường tại xã Xuân Đài, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vào Danh mục di sản phi vật thể cấp Quốc gia.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Tân Sơn được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường.
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở huyện Tân Sơn nói riêng. Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn đã quan tâm ban hành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Đồng thời tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, thực hiện mục tiêu "Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Như vậy, nghề dệt thổ cẩm người Mường cùng với Lễ cấp sắc của người Dao là 2 di sản phi vật thể của huyện Tân Sơn được đưa vào danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ Vi Mạnh Hùng đề nghị thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các ngành, huyện Tân Sơn khẩn trương có biện pháp cụ thể tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, trong đó cần gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch mới và độc đáo của huyện Tân Sơn cũng như của tỉnh Phú Thọ để thu hút du khách, doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ các giải pháp để hỗ trợ, ưu tiên cho các cơ sở, hộ dân làm nghề thủ công truyền thống đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc phát triển làng nghề thủ công truyền thống; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của địa phương, xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm; xem xét, nghiên cứu tạo mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường.
Cùng với đó, đề nghị huyện Tân Sơn nghiên cứu xem xét việc ban hành Nghị quyết về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện nói chung, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống "Nghề dệt thổ cẩm" nói riêng gắn với phát triển du lịch. Có chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về bảo tồn di sản, giá trị văn hóa và phát triển du lịch trong Kế hoạch phát phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn. Trong đó, cần quan tâm phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, thành tiềm lực, thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cùng với công bố Di sản phi vật thể cấp Quốc gia Nghề Dệt thổ cẩm của người Mường, Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cũng đã công bố Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc công nhận các điểm du lịch trên địa bàn huyện Tân Sơn gồm: Điểm du lịch cộng đồng bản Dù, Điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Cỏi và Điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc - xã Xuân Sơn.