Ba xu hướng chính định hình ngành bán lẻ năm 2025
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định 3 xu hướng chính định hình ngành bán lẻ 2025 gồm: Kinh doanh bền vững, trải nghiệm khách hàng và phát triển sản phẩm mới.
Về dài hạn, triển vọng tiêu dùng của Việt Nam khá tích cực. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 ước tính khoảng 276,37 tỷ USD, dự báo tăng lên 488,08 tỷ USD vào năm 2029, tương ứng với mức tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2024 - 2029 là 12,05%.
Về ngắn hạn, tiêu dùng của Việt Nam khá chậm trong năm 2024, do ảnh hưởng của lạm phát và xu hướng tăng tiết kiệm khi niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế chưa được phục hồi hoàn toàn. Tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện dần kể từ năm 2025.
Các yếu tố có tác động tới ngành bán lẻ trong thời gian tới bao gồm: Sự gia tăng của thương mại hiện đại, bao gồm các hình thức bán lẻ có tổ chức như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cả hàng mini đã tăng trưởng đáng kể tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Các chuỗi bán lẻ đang mở rộng vào các khu vực ít đô thị hơn, các kênh thương mại số và hiện đại đang dần chiếm lĩnh, mang đến khả năng tiếp cận tốt hơn cho người tiêu dùng nông thôn.
Bên cạnh đó, mô hình chiến lược toàn diện đa kênh, kết hợp giữa trải nghiệm mua sắm đang kéo khách hàng chuyển hướng từ kênh mua sắm ở chợ truyền thống sang các kênh bán lẻ hiện đại.
Bên cạnh đó, chuỗi nhà thuốc An Khang - thành viên của tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG) sẽ dừng việc đóng các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, tập trung thay đổi danh mục sản phẩm để giúp tối ưu hóa chi phí và giảm lỗ ròng trong quý IV/2024.
Ngoài ra, với mảng bán lẻ tạp hóa tiêu dùng, ước tính Bách Hóa Xanh - chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc MWG cẩn trọng mở mới thử nghiệm khoảng 35 cửa hàng ở khu vực miền Trung và tiếp tục đà lãi ròng kể từ quý II/2024.
Chiều ngược lại, ngành bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng (MWG, FPT Shop) đã giảm tốc độ đóng cửa hàng, tập trung vào việc gia tăng doanh thu/cửa hàng trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Việc mức nền giá bán trong năm 2024 tăng khoảng 5-10% cùng với giảm chi phí từ các cửa hàng không hiệu quả sẽ giúp cho chuối Thế giới Di động, Điện máy Xanh thuộc MWG và FPT Shop tiếp đà tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ trong quý IV/24.
Trong mùa cao điểm cuối năm, ngành bán lẻ trang sức, đại diện là Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán; PNJ) tiếp tục đẩy mạnh thành công mảng bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm có tỷ lệ vàng cao (một dòng sản phẩm có thể thay thế cho vàng nhẫn, vàng miếng) giúp cho doanh thu mảng bán lẻ ước tính tăng 16% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp ước tính tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ba-xu-huong-chinh-dinh-hinh-nganh-ban-le-nam-2025/358141.html