Ba xu hướng chính trong hoạt động đổi mới sáng tạo toàn cầu

Định hướng hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở học thuật và chính phủ là rất cần thiết. Khi định hướng được những xu hướng này, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi: nền kinh tế nên đầu tư như thế nào và đầu tư bao nhiêu vào những ý tưởng mới. Từ đó, các cộng đồng, các quốc gia và thậm chí là cả thế giới có thể phân bổ hợp lý các nguồn lực vào những hoạt động này.

Công nghệ đã mang đến những xu hướng đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới (Ảnh: Depositphotos)

Công nghệ đã mang đến những xu hướng đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới (Ảnh: Depositphotos)

Báo cáo Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022 sẽ giúp chúng ta làm rõ những xu hướng nổi bật về hoạt động đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới ở thời điểm hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn

Chúng ta có thể dễ dàng dự đoán được xu hướng đổi mới sáng tạo cũng như tác động của nó trong ngắn hạn. Chẳng hạn, trong đại dịch COVID-19, các quốc gia và các doanh nghiệp đã chuyển hướng hoạt động đổi mới sáng tạo sang lĩnh vực y tế một cách rất kịp thời. Những tổ chức này đã đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động phát triển, phê duyệt và sản xuất hàng loạt loại vắc xin trong khoảng thời gian kỷ lục. Vắc xin đã làm giảm đáng kể số ca tử vong và giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2020.

Tuy vậy, chúng ta khó có thể xác định được rằng các doanh nghiệp, xã hội sẽ nhận được hoặc mất đi những lợi ích, lợi nhuận như thế nào khi phát triển thành công hay mất đi một loại công nghệ, về lâu dài. Ví dụ, chúng ta khó có thể dự đoán được những đổi mới công nghệ nào trong lĩnh vực hạn chế biến đổi khí hậu sẽ đem lại hiệu quả cao nhất trong tương lai.

Với những xúc tác về công nghệ, hoạt động đổi mới đã phát triển theo cấp số nhân trong vòng 100 năm qua.

Trong thế kỷ qua, hoạt động đổi mới đã khiến cho quỹ đạo công nghệ thay đổi hoàn toàn. Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước, hoạt động đổi mới trên thế giới gắn liền với những công nghệ liên quan đến động cơ đốt trong, lĩnh vực vận tải và những loại máy móc cơ khí khác.

Các công nghệ dược phẩm sinh học phát triển vượt bậc nhờ các sản phẩm dược phẩm vào những năm 1930 và công nghệ sinh học từ những năm 1990. Và trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi lớn đối với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và chất bán dẫn. Các sáng chế trong những lĩnh vực này chiếm một phần tư tổng số bằng sáng chế trong 30 năm từ 1990 đến 2010. Sự gia tăng tỷ trọng bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã làm giảm đáng kể tỷ lệ bằng sáng chế trong lĩnh vực máy móc cơ “truyền thống”.

Những lĩnh vực công nghệ có nhiều bằng đăng ký sáng chế nhất trong giai đoạn 1895-2020 (Ảnh: WIPO)

Những lĩnh vực công nghệ có nhiều bằng đăng ký sáng chế nhất trong giai đoạn 1895-2020 (Ảnh: WIPO)

Ba xu hướng chính trong hoạt động đổi mới sáng tạo

Bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, những loại công nghệ mới đã và đang thúc đẩy thế giới đổi mới trong ba lĩnh vực chính, đó là khoa học, công nghệ và y học.

Số hóa đang thay đổi thế giới. Ngày nay, những công nghệ phát triển vì mục đích chung của toàn xã hội đang phát triển nhanh, mạnh và được đánh giá cao. Trong số đó có thể kể đến trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dự báo, tự động hóa có độ tinh vi cao và dữ liệu lớn. Những công nghệ kỹ thuật số phát triển vì mục đích chung của toàn xã hội đang làm thay đổi các ngành công nghiệp thông qua việc mang lại những sáng tạo, cấu trúc, thực tiễn và giá trị mới.

Những công nghệ này đã làm nảy sinh các ngành công nghiệp hoàn toàn mới, trong số đó, Internet vạn vật (IoT) là một ví dụ điển hình.

Chuyển đổi số có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng có khả năng khiến cho tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn. Với khả năng hỗ trợ và nâng cao năng suất của con người, AI, tự động hóa và những công nghệ kỹ thuật số khác có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhưng những công nghệ này có nguy cơ khiến cho tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ khi những đổi mới này có thể thay thế con người hoàn toàn, thay vì nâng cao năng suất của con người.

Những đổi mới đó sẽ khiến cho một số nghề trở nên lỗi thời, đồng thời tạo ra những nghề mới đòi hỏi nhiều loại kỹ năng hơn. Và, mặc dù những đổi mới này có thể tạo ra cơ hội nhảy vọt cho một số nền kinh tế, một số nền kinh tế khác có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển do thiếu vốn đầu tư và lực lượng lao động chất lượng cao để sử dụng các công nghệ này.

Hoạt động đổi mới liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật số đã phát triển nhanh hơn 172% so với tất cả các loại bằng sáng chế khác trong 5 năm qua.

Tăng trưởng trung bình số lượng bằng sáng chế theo phần trăm trong giai đoạn 2016-2020 (Ảnh: WIPO)

Tăng trưởng trung bình số lượng bằng sáng chế theo phần trăm trong giai đoạn 2016-2020 (Ảnh: WIPO)

Mô hình phát triển vắc xin COVID-19 là một mô hình đổi mới cần nhân rộng. Khi đại dịch xảy ra, cả thế giới điên cuồng tìm công cụ để chống lại nó. Đại dịch COVID-19 đã khiến cho tất cả các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới phải cùng vào cuộc, từ các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và trường đại học, cộng đồng quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đến cả các tổ chức từ thiện.

Đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho phần lớn dân số trên toàn thế giới, điều này đã tạo ra động lực quan trọng cho khu vực tư nhân. Ngoài ra, một số chính phủ đã hỗ trợ cho khu vực tư nhân một nguồn vốn đầu tư lớn, trong cả hoạt động thử nghiệm lâm sàng và hoạt động phát triển vắc xin để có thể sản xuất được vắc xin trên quy mô lớn. Thêm vào đó, chính phủ các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã khẩn cấp thực hiện các hoạt động ủy quyền và phối hợp, khiến cho hoạt động cung cấp và tiêm vắc-xin trên toàn thế giới diễn ra nhanh hơn.

Sự hợp tác thành công giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong việc phát triển và triển khai tiêm vắc xin COVID-19 nhanh chóng cho thấy các chính sách có thể rất hữu ích đối với hoạt động đổi mới vì mục tiêu chung.

Việc phát triển vắc xin COVID-19 đã có tác động đến hoạt động nghiên cứu và thực hành y tế. Sự thành công của việc áp dụng nền tảng vắc xin mRNA trong đại dịch COVID-19 là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy tính hiệu quả của nó, đồng thời người ta cũng có thể áp dụng nền tảng vắc xin này cho các bệnh khác. Điều này cũng có thể là dấu hiệu của một kỷ nguyên vàng trong hoạt động phát triển vắc-xin.

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ba-xu-huong-chinh-trong-hoat-dong-doi-moi-sang-tao-toan-cau-1659553854053.htm