Ba yếu tố để Việt Nam sớm trở thành cường quốc an ninh mạng

Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành cường quốc an ninh mạng, có sự ảnh hưởng mạnh mẽ với thế giới, mang lại doanh thu hàng tỷ USD/năm.

Tham vọng

Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có tiềm năng trở thành cường quốc an ninh mạng sau Mỹ, Nga, Israel… Việt Nam đang nhắm tới mục tiêu trở thành quốc gia có hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng đạt 100% về chủng loại; tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt trên 70% và doanh thu của doanh nghiệp về an toàn thông tin mạng đạt quy mô trên 500 triệu USD.

Tại Tọa đàm “Nguy cơ cuộc xung đột kỹ thuật số toàn cầu - giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam” ngày 25/4, TS. Trịnh Ngọc Minh, Giám đốc phát triển công nghệ Công ty cổ phần Dịch vụ công nghệ tin học HPT cho rằng, để trở thành cường quốc về an ninh mạng phải xem xét 3 yếu tố.

Thứ nhất là, ngân sách dành cho an toàn thông tin trong ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ bao nhiêu.

Thứ hai là, các sản phẩm, giải pháp, công cụ “vũ khí” nội địa cho an ninh mạng mà quốc gia đó có (ví dụ phần mềm phát hiện, chống mã độc, firewall, các công cụ có thể cho phép phát hiện tấn công cao hơn theo hành vi…).

Thứ ba là, số lượng chuyên gia an ninh mạng, đặc biệt chuyên gia giỏi. Đó là những người được thế giới tham chiếu đến, có những đề xuất ảnh hưởng đến xu hướng, bức tranh an toàn thông tin; có những chứng chỉ về an toàn thông tin...

“Một quốc gia được gọi là cường quốc về an toàn thông tin phải có khả năng ảnh hưởng tới bức tranh an toàn thông tin của thế giới. Mỹ, Nga, Israel là những quốc gia như vậy”, ông Minh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav cũng cho rằng, một cường quốc về an ninh mạng phải có tác động đến thế giới. Có nghĩa là phải có năng lực, có sản phẩm an toàn an ninh mạng trong nước, nhưng muốn tạo sự ảnh hưởng với thế giới thì phải có thị phần tối đa tại Việt Nam, đồng thời phải có sự thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế, tạo ảnh hưởng đến thị trường.

“Mục tiêu này là khả thi dựa trên các yếu tố về nguồn nhân sự, nhân lực và sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Việt Nam đã có đội ngũ nhân lực an ninh mạng có năng lực, có quy mô toàn cầu. Chuyên gia Việt Nam đã phát hiện ra những lỗ hổng của các ứng dụng phổ biến như Google Chrome, hoặc tìm được và chỉ rõ nguồn gốc các cuộc tấn công mạng vào trang web của Mỹ, Hàn Quốc. Điều này đã khẳng định năng lực của chuyên gia an ninh mạng Việt Nam...”, ông Tuấn Anh đánh giá.

Còn ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) thì cho rằng, Việt Nam chỉ trở thành cường quốc an ninh mạng khi là cường quốc chuyển đổi số. Mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng tạo động lực cho doanh nghiệp, nhưng đó là một hành trình dài của 5-10 năm, có rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đó.

Những việc cần làm ngay

Lấy ví dụ từ Israel, ông Trương Đức Lượng phân tích, hệ sinh thái an ninh mạng Israel rất hoàn chỉnh từ viện nghiên cứu, trường đại học, nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp rất lớn. Số lượng doanh nghiệp làm về an ninh mạng ở Israel gấp 20 lần Việt Nam. Về chất lượng, trong 3-4 năm, các quỹ đã đầu tư cho an ninh mạng 11 tỷ USD và số lợi nhuận mang lại gấp 2,3 lần số vốn họ đã đầu tư.

“Muốn trở thành cường quốc an ninh mạng như Israel, chúng ta cần đầu tư mạnh, phải có một hệ sinh thái đầy đủ để phát triển ngành. Cường quốc về an ninh mạng phải là vấn đề toàn dân, chứ không chỉ trong một số ngành như tài chính, ngân hàng, Chính phủ hay doanh nghiệp”, ông Lượng nêu quan điểm.

Doanh thu toàn ngành an ninh mạng năm 2021 đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với năm 2020; lợi nhuận đạt 314 tỷ đồng, cao hơn so với mức 204 tỷ đồng năm 2020.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo ông Lượng, Việt Nam không thiếu chuyên gia an ninh mạng, nhưng để tạo ra thị trường rất cần các doanh nghiệp, cần những người có tư duy về thị trường, về kinh doanh. Từ đó sẽ tạo ra một thị trường đa dạng, tạo môi trường chia sẻ phát triển an ninh mạng. Không nên phụ thuộc vào nguồn lực của một vài công ty, mà cần tạo ra một hệ sinh thái.

Ông Ngô Tuấn Anh thì cho rằng, để trở thành cường quốc về an ninh mạng, Việt Nam cần phải đảm bảo 3 yếu tố: thị trường phát triển, nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ. Trong đó, yếu tố thị trường là quan trọng nhất. Người Việt đã được khẳng định là có năng lực. Việt Nam cũng đã có khá đầy đủ những sản phẩm, giải pháp an ninh mạng như bảo vệ đường truyền, tường lửa, giám sát, phát hiện tấn công và chống tấn công…

“Nếu có thị trường tốt, đúng nghĩa, sẽ giúp cho số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, đồng thời có nguồn lực đủ lớn để phát triển các doanh nghiệp lớn mạnh”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn Anh, hiện cơ chế chính sách của Việt Nam đã khá hoàn thiện, thúc đẩy hỗ trợ phát triển ngành. Thời gian qua, cơ quan Nhà nước đã đưa ra các quy định đảm bảo an ninh mạng nhưng có những nơi thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm. Yêu cầu đầu tư an ninh mạng nhưng các đơn vị lại không sử dụng chuyên nghiệp đúng nghĩa, mà thuê các đơn vị công nghệ thông tin thông thường triển khai an ninh mạng.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thành Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) cho rằng, sản phẩm an toàn an ninh mạng của doanh nghiệp Việt đã được thị trường nội địa tin dùng, nhưng muốn bung ra thị trường quốc tế thì rất gian nan, đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ba-yeu-to-de-viet-nam-som-tro-thanh-cuong-quoc-an-ninh-mang-d164751.html