Bác ba bể
Tham dự buổi họp mặt cựu học sinh trường cấp 3 Tây Thụy Anh khu vực phía Nam, ai nấy rất hồ hởi, vui mừng vì được gặp các thế hệ thầy cô giáo, anh chị em, bạn hữu năm xưa, hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm thuở cắp sách đến trường. Trong câu chuyện của một chị gái niên khóa 1980-1983, tôi như được gặp lại bố của mình - người được mọi người yêu quý gọi với cái tên 'bác ba bể'.
Bắt đầu với một câu khẳng định: “Những ai từng là học sinh trường cấp 3 Tây Thụy Anh vào những thập niên 70, 80, chắc chắn không quên nhà “bác ba bể” sát bên trường. Bởi suốt 3 năm học, mỗi ngày tôi đều chứng kiến rất đông học sinh vào nhà xin nước mưa uống vì nhà tôi có tới 3 cái bể chứa nước mưa”.
Câu chuyện của chị khiến cả khán phòng lặng đi. Riêng tôi, nhớ bố đến cồn cào.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, với bản tính cần cù, siêng năng, suốt cuộc đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bố chính hiệu là “lão nông tri điền” của thôn Thuyền Đỗ, một trong 3 thôn của xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1959, bố được bầu là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp. Đến năm 1965, xã tôi từ 5 hợp tác xã hợp lại còn 2 hợp tác xã, bố tiếp tục làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Đỗ - Phúc.
Với vai trò là chủ nhiệm hợp tác xã, bố đã vận động xã viên xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu, áp dụng kỹ thuật làm đất, cải tạo đồng ruộng bằng các loại phân chuồng, phân xanh, phát triển phong trào thả bèo hoa dâu làm phân bón, đổi mới, nhân rộng giống, cấy thưa, ít dẻ,… Những cái tên như: Mộc Tuyền, Bao Thai, Nông nghiệp 8… được bố cho nhắc đến nhiều lần trong chương trình phát thanh nông nghiệp của xã.
Cuộc cải cách đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, cụ thể hóa phong trào “thóc vượt cân, quân vượt mức” đã giúp xã tôi đạt 5 tấn lúa/ha, góp phần đạt và vượt chỉ tiêu đóng góp nghĩa vụ. Bố được tặng thưởng huy hiệu “5 tấn”, đội sản xuất xóm 5 của Hợp tác xã Đỗ - Phúc do bố làm chủ nhiệm được bình xét là “Đội lao động xã hội chủ nghĩa”. Bà ngoại đã kể cho tôi nghe tường tận về bố và câu chuyện bố trở thành “lão nông tri điền” trong mắt xóm làng như vậy.
Sau này, lớn lên tôi mới hiểu cái tên “Quê hương 5 tấn” và câu hát: “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày” trong ca khúc Bài ca năm tấn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng khởi nguồn từ ấy.
Những năm sau đó, bố vừa lãnh đạo hợp tác xã thâm canh lúa màu vừa tổ chức các trại chăn nuôi lợn, trâu, bò tập trung, phát triển thêm nhiều ngành nghề vào những ngày nhàn rỗi như: trồng dâu, nuôi tằm, đan manh, đóng gạch,... tạo việc làm, nâng cao đời sống cho xã viên. Tôi lúc ấy tôi độ 10 tuổi, khi thì lẽo đẽo theo mẹ đi tham gia phong trào trồng cây xanh tại “Vườn cây các cụ”, lúc thì theo bố ra “Ao cá Bác Hồ” của hợp tác xã.
Làm chủ nhiệm hợp tác xã nhưng bố rất liêm khiết, chưa hề lạm dụng của xã cân lúa hay chia phần hơn cho vợ con khúc cá, lạng thịt. 7 anh chị em tôi khôn lớn nhờ khoai sắn, dưa cà, nhưng lời răn dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm” của bố vẫn đi theo tôi đến tận bây giờ.
Quê tôi lúc bấy giờ nhà ai cũng có ít nhất một bể nước chứa nước mưa. Nhà tôi đóng được gạch, nung được vôi, anh trai tôi lại làm thợ xây nên bố cho xây 3 bể chứa nước mưa, vừa để dùng, vừa cho học sinh xin uống.
Giờ ra chơi, có đến vài chục người ùa vào một lúc nên bố đục lỗ cả chục cái gáo dừa, xỏ que tre làm cán phục vụ. Hằng năm, nhà tôi còn cho vài anh chị ở xa trọ học, góp gạo nấu cơm ăn chung, đồ ăn chủ yếu rau muống xào tóp mỡ, bắp cải luộc và cá vụn kho.
Bố đã đi xa, nhưng mỗi khi được gặp các thế hệ cựu học sinh trường cấp 3 Tây Thụy Anh ngày ấy, dù ở bất cứ đâu, những ký ức về “bác ba bể”, về câu chuyện “lão nông tri điền” Hợp tác xã Đỗ - Phúc và hình ảnh người bố thân yêu lại ùa về trong tâm trí tôi.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171162/bac-ba-be