Bắc Bình: Nhiều thuận lợi trong chuyển dịch kinh tế nông nghiệp

Với sự linh hoạt, biết tận dụng lợi thế của từng vùng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ngành nông nghiệp của huyện Bắc Bình đã có những bước phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; trọng tâm vẫn là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị.

Chịu thay đổi

Thấy rõ nhất là năm nay bà con sản xuất lúa ở Bắc Bình thắng lớn, năng suất bình quân qua các vụ đông xuân, hè thu là 6,8 - 7,5 tấn/ha (lúa khô) và giá lúa (lúa khô) dao động 8.200 – 8.500 đồng/kg, vừa được mùa vừa được giá, nông dân rất phấn khởi. Mặc dù năm 2024 nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn hơn so với năm 2023, tình hình nguồn nước tại các công trình thủy lợi đầu năm không đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện điều hành sản xuất phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, tổng diện tích gieo trồng ước đạt 71.366 ha/66.394 ha, đạt 107,49% so kế hoạch năm và đạt 107,85% so năm 2023.

Năm nay bà con sản xuất lúa ở Bắc Bình thắng lớn.

Năm nay bà con sản xuất lúa ở Bắc Bình thắng lớn.

UBND huyện luôn xác định cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, bởi ngoài yếu tố an ninh lương thực, lúa còn được xác định là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và ổn định cho bà con nông dân. Đặc biệt, nhiều nông dân đã chịu chuyển đổi sản xuất giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao và tăng dần theo hàng năm. Nếu năm 2020 chỉ gieo trồng 2.284 ha, năm 2021 diện tích gieo trồng tăng lên 15.541 ha, năm 2023 đã là 23.007 ha. Riêng diện tích sản xuất giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao năm nay đạt 28.745 ha, tăng 5.738 ha so với năm 2023...

Nhiều nông dân đã chịu chuyển đổi sản xuất giống lúa mới.

Nhiều nông dân đã chịu chuyển đổi sản xuất giống lúa mới.

Những năm trước đây, anh Nguyễn Minh Tuấn - xã Bình An thường dùng các giống lúa địa phương để gieo sạ, tuy nhiên giống thoái hóa, cùng với mật độ gieo sạ dày khiến sâu bệnh phát sinh. Gần đây, anh và bà con trong vùng đã mạnh dạn đưa các giống OM 406, Đài thơm 8, ST 24, ST 25 vào sản xuất. Thấy năng suất, hiệu quả được cải thiện rõ rệt, anh nhân rộng ra toàn bộ 2,5 ha ruộng lúa của gia đình và thu được kết quả rất khả quan. Anh Tuấn cho biết, với giống lúa cũ, năng suất thu hoạch cao nhất chỉ khoảng 5 - 6 tấn/ha. Nhưng từ khi sản xuất lúa theo quy trình SRI, chuyển sang giống mới, nông dân đã giảm 50 - 100 kg lúa giống/1 ha. Đồng thời, giảm chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu do lúa gieo thưa, ít sâu bệnh, giúp năng suất lúa đạt khoảng 7 tấn/ha, thu nhập của nông dân tăng lên.

Trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màn.

Trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màn.

Vùng cây ăn trái đa dạng

Không riêng gì cây lúa, những năm gần đây, nhiều nông dân Bắc Bình còn tích cực chuyển đổi trồng thanh long theo hướng hữu cơ, phù hợp với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Song song đó, Bắc Bình còn được xem là vùng trồng đa dạng, hình thành vùng cây ăn trái với diện tích 6.360 ha có giá trị kinh tế cao, được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Với nhóm cây sản xuất trong nhà màng, nhà bạt (dưa lưới, táo dây, rau các loại…) với tổng diện tích hơn 101,1 ha/463 nhà màng/47 hộ, được bà con ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhóm cây sản xuất trong điều kiện tự nhiên, cây có múi (bưởi, cam, quýt, chanh không hạt…) khoảng 409,5 ha. Các loại cây ăn quả khác (thanh long, xoài, mít, nhãn…) khoảng 3.218 ha... Phần lớn diện tích này được liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong năm 2024, tăng 983 ha so với năm 2023.

Bắc Bình còn được xem là vùng trồng đa dạng, hình thành vùng cây ăn trái.

Bắc Bình còn được xem là vùng trồng đa dạng, hình thành vùng cây ăn trái.

Không chỉ vậy, trong 2024, UBND huyện đã triển khai thực hiện 7 mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mô hình trình diễn trồng mít thái theo hướng GAP tại xã Phan Hòa, mô hình trồng bưởi theo hướng GAP tại xã Phan Hiệp, mô hình trình diễn trồng giống lúa mới chất lượng cao tại xã Phan Điền, mô hình trình diễn trồng lúa theo hướng hữu cơ tại xã Hải Ninh, mô hình trình diễn nuôi dông gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Bình Tân...

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song nhờ chủ động triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó, khắc phục nên các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện vẫn phát triển ổn định. Cơ cấu ngành chuyển biến tích cực nhất là cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng nâng cao về chất lượng, hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của đại bộ phận nông dân được nâng lên rõ rệt, các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn được quan tâm, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Trong năm 2025, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 86 HĐND tỉnh; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất giống lúa mới gắn với liên kết tiêu thụ từ nguồn vốn hỗ trợ đất lúa.

Trần Anh Thịnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện

MINH VÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bac-binh-nhieu-thuan-loi-trong-chuyen-dich-kinh-te-nong-nghiep-126915.html