Để Hà Nội trở thành điểm hẹn quốc tế
Ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, để hiện thực hóa mục tiêu này, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo.
Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2025, Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh mẽ với số liệu tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực du lịch. Theo báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội, Thủ Đô đã đón 160.000 lượt khách trong ngày Tết Dương lịch, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số lượng này, khách quốc tế đạt 28.400 lượt, tăng mạnh đến 67%, trong khi khách nội địa đạt 132.000 lượt, tăng 10%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 594 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước.
Không chỉ dừng lại ở số lượng khách, các khách sạn cao cấp tại Hà Nội đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. InterContinental Hanoi Westlake và Lacasa đạt công suất 100%, trong khi các khách sạn lớn như Lotte, Movenpick, và Pullman cũng vượt ngưỡng 90%. Điều này phản ánh rõ rệt sức hút mạnh mẽ của Hà Nội đối với cả du khách trong nước lẫn quốc tế.
Dịp Tết Dương lịch 2025 chỉ được nghỉ lễ 1 ngày nhưng nhiều khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn và các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí và ăn uống... đều ghi nhận lượng khách và doanh thu tăng cao.
Cụ thể, Vườn thú Hà Nội đón 18.535 lượt khách, Hoàng thành Thăng Long gần 8.000 lượt, Làng cổ đường Lâm hơn 2.000 khách và 3 điểm du lịch của huyện Gia Lâm (Bát Tràng, Dương Xá, Phù Đồng) đón khoảng 5.000 lượt khách.
Các đơn vị kinh doanh du lịch đã thực hiện nghiêm túc các quy định về an ninh, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Đây là yếu tố quan trọng giúp Hà Nội duy trì hình ảnh một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, ngành du lịch Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2025: thu hút trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm trước. Trong đó, dự kiến đón 7 triệu lượt khách quốc tế (tăng 27,3%) và 23 triệu lượt khách nội địa (tăng 7%). Tổng thu từ du lịch kỳ vọng đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2024.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đang nỗ lực đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm. Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam chia sẻ rằng, các doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào các tour du lịch đêm – một xu hướng đang được du khách trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt.
Những sản phẩm nổi bật bao gồm tour “Du lịch Đêm Thiêng Liêng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ”.
“Những tour này không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo mà còn tạo cơ hội để du khách khám phá chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Chúng tôi tin rằng sự mới lạ và ý nghĩa của các sản phẩm này sẽ chinh phục trái tim của mọi du khách”, ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Hà Nội cho biết du khách quốc tế ngày càng quan tâm đến các hoạt động du lịch bền vững, đặc biệt là những trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên và cộng đồng địa phương.
“Chúng tôi đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống và điểm đến văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là cách bảo tồn giá trị văn hóa mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương”, ông Bảy chia sẻ.
Bà Phạm Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty Kavo Travel gợi ý một chiến lược mang tính đột phá để đưa Hà Nội trở thành điểm đến hàng đầu.
“Hà Nội cần đẩy mạnh liên kết vùng để tạo ra những tuyến du lịch hấp dẫn, đồng thời tiên phong trong chuyển đổi số để tối ưu hóa trải nghiệm của du khách. Thủ đô phải đi đầu trong các lĩnh vực như du lịch MICE, ẩm thực, nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Đây chính là những mảng tiềm năng để nâng tầm vị thế du lịch Hà Nội trên bản đồ thế giới”, bà Thơm chia sẻ với Người Đưa Tin.
Còn dưới góc độ quản lý, theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý nhà nước về du lịch, Hà Nội tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng thời ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch đêm, khai thác giá trị truyền thống từ các di sản và di tích.
Đồng thời, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông, kết nối các điểm đến dọc sông Hồng và sông Đuống, như tuyến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử và mở rộng đến khu vực Sơn Tây, Ba Vì.
Ngoài ra, không gian đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm, hào Thành cổ Sơn Tây, hồ Thiền Quang và các khu vực mới sẽ được khai thác để tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực theo chủ đề. Các sản phẩm du lịch sáng tạo như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, bay trực thăng, khinh khí cầu và ứng dụng thực tế ảo cũng đang được nghiên cứu phát triển.
Về thị trường quốc tế, Hà Nội sẽ tập trung xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, ASEAN, EU, và mở rộng sang Ấn Độ, Đông Âu, các quốc gia Hồi giáo.
Sở Du lịch Hà Nội sẽ tham gia các hội chợ quốc tế lớn như JATA (Nhật Bản), KOTFA (Hàn Quốc), WTA (Anh), và TOPRESA (Pháp), đồng thời phối hợp với các hãng hàng không tổ chức các chương trình quảng bá điểm đến tại nước ngoài.
Bà Đặng Hương Giang khẳng định: “Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, đầu tư trọng tâm, trọng điểm để định vị Hà Nội là điểm đến chất lượng cao, hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế”.