Bắc Bộ chuẩn bị lấy nước đợt hai cho vụ đông xuân
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 1-2, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Khoảng ngày 3-2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng núi Bắc Bộ.
Từ chiều tối đến đêm 3-2, không khí lạnh ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến bắc Trung Bộ, tây Bắc Bộ và trung Trung Bộ. Từ ngày 3-2, ở Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ; từ đêm 3-2 ở bắc Trung Bộ có mưa. Từ ngày 4-2, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét, vùng núi phía bắc có rét đậm. Trên biển, từ ngày 4-2, khu vực bắc Biển Ðông, vùng biển phía tây khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động.
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) yêu cầu Sở NN và PTNT các địa phương khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và các công ty khai thác công trình thủy lợi: Bắc Ðuống, Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ, Bắc Nam Hà chỉ đạo sẵn sàng công tác lấy nước đợt hai cho sản xuất vụ đông xuân 2020. Theo đó, đến hết ngày 31-1, tổng diện tích sản xuất vụ xuân 2020 đã có nước đạt gần 83%, vượt kế hoạch ban đầu. Trong đó, có hai địa phương đã lấy đủ nước là Vĩnh Phúc và TP Hải Phòng. Trong đợt lấy nước thứ hai, Bộ NN và PTNT giữ nguyên thời gian lấy nước là tám ngày.Thời gian lấy nước bắt đầu từ 0 giờ ngày 5-2 và kéo dài đến 24 giờ ngày 12-2.
* Tổng cục Thủy lợi đã đề nghị các tỉnh, thành phố, các công ty khai thác công trình thủy lợi tổ chức vận hành tối đa công trình thủy lợi để tập trung cấp nước phục vụ gieo cấy, tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng... để dành cho tưới dưỡng. Một số nơi lấy nước đạt nước thấp: các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ðông Anh, Mê Linh (TP Hà Nội); các huyện Mỹ Hào, Ân Thi (tỉnh Hưng Yên); các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Nam Sách (tỉnh Hải Dương) cần đẩy nhanh lấy nước để kịp tiến độ chung, bảo đảm hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt hai.
* Lịch gieo cấy các loại cây trồng trà xuân chính vụ và xuân muộn trong vụ đông xuân 2019-2020 của tỉnh Thanh Hóa bắt đầu từ tháng 2. Thời điểm này, nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất lớn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đang có tới 332 trong tổng số 610 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước thiết kế từ 1m trở lên, trong đó, có 24 hồ đang ở mực nước chết. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình đầu mối với nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán.
* Sau Tết Nguyên đán, nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai sản xuất. Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2020, toàn tỉnh gieo trồng gần 39.000 ha cây trồng các loại; trong đó có 29.500 ha lúa. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương thực hiện theo hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng và thời vụ đã ban hành; bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp; đồng thời, mở rộng tối đa diện tích trà lúa xuân muộn với các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, có tiềm năng năng suất cao.
* Mùa khô năm 2019-2020, mặn đã xâm nhập nội đồng tỉnh Trà Vinh làm ảnh hưởng nhiều diện tích lúa đông xuân. Chỉ tính riêng hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú, theo thống kê ban đầu đã có hơn 5.000 hộ dân bị thiệt hại hơn 3.500 ha lúa đông xuân; trong đó, khoảng 913 ha bị thiệt hại hơn 70% và 1.200 ha bị thiệt hại từ 30 đến 70% diện tích. Hiện tỉnh đã vận động nông dân tạm ngưng sản xuất gần 1.400 ha trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác. Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực để phòng, chống xâm nhập mặn.