'Bắc cầu' tri thức kinh tế
Lực lượng báo chí kinh tế đã rất đông đảo, có những đóng góp quan trọng trong việc lan tỏa thông tin kinh tế, tài chính, doanh nghiệp… trong nước và quốc tế đến với độc giả, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên nhiều nền tảng tuyền thông hiện đại.
Nhiều tờ báo và các kênh phát thanh - truyền hình đều dành một phần dung lượng, thời lượng đáng kể cho các vấn đề kinh tế, doanh nghiệp và doanh nhân. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan báo chí truyền thông quan trọng của VCCI với cái tên rõ ràng là Diễn đàn Doanh nghiệp, tôi mong muốn tạp chí thực sự trở thành diễn đàn, là địa chỉ để doanh nghiệp trao đổi vấn đề quan tâm, trăn trở; là địa chỉ tin cậy phản ánh tâm tư tình cảm, nguyện vọng của doanh nghiệp đến với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người làm luật, làm chính sách.
Báo chí kiến tạo
Nhiệm vụ quan trọng của báo chí trước đây là phản ánh và truyền tải tin tức. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của báo chí số hiện nay, khi mà vai trò của báo in, phát thanh truyền hình ngày càng gặp nhiều thách thức, tin tức đến từ nhiều nguồn khác nhau một cách nhanh hơn. Do vậy, độc giả không chỉ mong chờ những thông tin nhanh, chính xác từ báo chí kinh tế mà là những bài viết chuyên sâu, những nội dung đánh giá toàn cảnh.
Đặc biệt, những tác phẩm dự báo trước tình hình để những người làm chính sách, làm luật, doanh nghiệp, doanh nhân, độc giả có thể nắm bắt, định hướng công việc trong hiện tại và tương lai. Hướng đi của báo chí hiện đại là gợi mở giải pháp từ các chuyên gia, thông qua các nghiên cứu đưa ra cách thức vấn đề xã hội quan tâm.
Báo chí giúp tạo nên nhân sinh quan, niềm tin trong xã hội. Do đó, đây là thời điểm báo chí kiến tạo cần phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Độc giả đã không hứng thú với những thông tin quá tiêu cực và chú trọng báo chí xây dựng, mang lại cái nhìn tích cực đối với những vấn đề của xã hội. Đó có thể là những bài viết tôn vinh, ca ngợi những cá nhân, tổ chức có việc làm hay, làm tốt hay phản ánh những bất cập trong hoạt động kinh tế trên tinh thần để giúp cho ngành nghề đó, doanh nghiệp đó, cá nhân đó tốt hơn. Trên thế giới, xu hướng của báo chí hiện nay là tránh và xa dần quan điểm chỉ trích, hướng đến tính xây dựng, đề ra những giải pháp nhiều hơn để cùng nhau cố gắng kiến tạo một xã hội có niềm tin, cùng tiến lên phía trước.
Trước đây chúng ta thấy rằng độc giả tìm đến báo chí nhưng hiện nay tin tức tìm đến độc giả. Người xem mở mạng, vào hoạt động trên internet, trên mạng xã hội là tin tức có thể tự động “chạy” đến từng người dựa trên thuật toán của công nghệ cho phép xác định nhu cầu đọc tin của từng cá nhân. Do đó, các cơ quan báo chí, dù là báo in, phát thanh truyền hình hay điện tử đều bắt buộc phải dùng đến công nghệ đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi số để nhắm trúng đối tượng độc giả, theo dõi những dữ liệu độc giả để sản xuất những nội dung phù hợp.
Chưa kể, công nghệ đang thay đổi rất nhanh, trong thời gian ngắn sắp tới thực tế ảo, thực tế tăng cường hoặc công nghệ mới phát triển, báo chí cần nhanh chóng nắm bắt để “đuổi kịp” khán thính giả trên môi trường số, thậm chí phải đi trước để chờ đón. Có như thế, các cơ quan báo chí mới làm được điều mà Đảng và Nhà nước giao phó là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như đạt được mục tiêu phát triển bền vững: có nhiều độc giả hơn, doanh thu lớn hơn, có thể tạo ra những phát triển đột phá trong tương lai.
Theo các nghiên cứu, việc báo chí dựa quá nhiều vào quảng cáo, vào các nền tảng công nghệ như Google hay Facebook để tìm kiếm nguồn quảng cáo là sai lầm lớn. Thực tế đã chứng minh, nguồn thu từ quảng cáo digital cho dù có tăng lên cũng là quá nhỏ so với phần mất đi từ báo in, đặc biệt, sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, theo thống kê, có khoảng 15 mô hình kinh doanh phổ biến mà báo chí cần hướng đến. Các chuyên gia chỉ ra rằng, mỗi cơ quan báo chí cần áp dụng ít nhất từ 3 - 4 mô hình hỗ trợ nhau tạo ra các nguồn thu mới phát triển bền vững thay vì chỉ dựa vào quảng cáo hay một số hoạt động bên lề, do những điều kiện nhất định của xã hội có thể gặp bất trắc.
Đó là tổ chức sự kiện, diễn đàn, hội thảo được xem là thế mạnh của các cơ quan báo chí kinh tế, tài chính. Một số cơ quan báo chí tổ chức thương mại điện tử, hợp tác với các đối tác kinh doanh để xác tín sản phẩm; tham gia đầu tư, giáo dục hay kinh doanh công nghệ, dữ liệu lưu trữ… Các cơ quan báo chí cần mạnh dạn thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, không phải mô hình nào cũng thành công nhưng phải mạnh dạn thử nghiệm, chấp nhận thất bại, linh hoạt chuyển đổi để tìm ra mô hình phù hợp nhất với mình.
Với Diễn đàn Doanh nghiệp, tôi cũng mong muốn tạp chí trở thành diễn đàn kết nối rộng khắp, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp trong nước học hỏi lẫn nhau mà còn học hỏi từ những thành công, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Làm được như vậy, chúng tôi tin rằng, Diễn đàn Doanh nghiệp có cơ hội phát triển tốt hơn, lan tỏa hơn, thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, giữa doanh nghiệp với công chúng, tạo thành liên kết nhiều chiều, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.