Bác Chín Hiệp - Nghĩa tình sâu nặng với quê hương

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Sóc Trăng, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí Dương Kỳ Hiệp (mà mọi người đều gọi bằng tên thân quen là bác Chín Hiệp) trở thành 'hạt giống đỏ' của cách mạng, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Bác Chín Hiệp là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Trong từng giai đoạn cách mạng, dù được Đảng phân công nhiệm vụ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tập kết ra Bắc, công tác nhiều cơ quan Trung ương hay khi đã về hưu, ở đâu, bác Chín Hiệp vẫn trăn trở lo toan và nghĩa tình với quê hương, xứ sở Sóc Trăng.

Sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trong những năm đầu đất nước đổi mới, bản thân tôi may mắn được gặp bác Chín Hiệp nhiều lần vào những năm thập niên 90 của thế kỷ 20. Lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 1990, khi tháp tùng cùng đoàn cán bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hậu Giang (cũ) đến gặp bác Chín Hiệp để thu âm, ghi hình tư liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh và làm phim tài liệu “Năm văn hóa - xã hội Hậu Giang”. Lần thứ hai, khi tỉnh Sóc Trăng vừa tái lập, để làm tư liệu sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Sau đó, là các lần tháp tùng cùng đoàn cán bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến thăm và chúc Tết; các cuộc họp mặt đồng hương Sóc Trăng tại TP. Hồ Chí Minh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đến thăm, chúc Tết gia đình đồng chí Dương Kỳ Hiệp tại TP. Hồ Chí Minh (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Q.K

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đến thăm, chúc Tết gia đình đồng chí Dương Kỳ Hiệp tại TP. Hồ Chí Minh (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Q.K

Ấn tượng về bác Chín Hiệp trong những lần được gặp gỡ là một cán bộ lão thành với gương mặt phúc hậu và rất thân thiện, gần gũi với mọi người. Khi đó, dù tuổi đã cao nhưng bác Chín rất minh mẫn; trí nhớ vẫn tốt. Khi làm việc với bác Chín, cả một quá trình lịch sử cách mạng được bác Chín Hiệp hồi tưởng lại, được chúng tôi ghi hình gần 3 cuồn băng hình VHS 180 phút. Bác nhớ và kể lại chính xác từng sự kiện, từng giai đoạn, đồng thời có những phân tích, lý giải thấu đáo. Tư liệu, lời kể của bác Chín Hiệp là minh chứng lịch sử, một trong những nguồn tư liệu quý giá để bổ sung, hoàn thành lịch sử Đảng bộ tỉnh Hậu Giang (cũ) và lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 1930 - 1945 và những năm sau này.

Trong những lần được gặp gỡ, chúng tôi luôn cảm nhận sự nghĩa tình của bác Chín Hiệp với quê hương Sóc Trăng. Bác luôn ân cần thăm hỏi những người quen biết ở Sóc Trăng, những cán bộ và gia đình cán bộ quê ở Sóc Trăng đi tập kết miền Bắc hiện giờ đang sinh sống, làm việc như thế nào. Dù tuổi cao nhưng những lần họp Hội đồng hương Sóc Trăng tại TP. Hồ Chí Minh, bác Chín Hiệp luôn có mặt để gặp gỡ bạn bè, con em của quê hương Sóc Trăng. Hội đồng hương Sóc Trăng được hình thành và do bác Chín Hiệp phụ trách từ những năm tập kết ra miền Bắc, quy tụ những cán bộ của quê hương Sóc Trăng.

Mỗi lần các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến thăm, bác Chín Hiệp đều hỏi nhiều về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống, thu nhập của người dân Sóc Trăng. Bác Chín Hiệp rất quan tâm và luôn dặn dò lãnh đạo tỉnh phải chăm lo, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đoàn kết cộng đồng 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng. Chính sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh của Đảng ta, của sự nghiệp cách mạng. Bác Chín Hiệp luôn mong muốn Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo để người dân Sóc Trăng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, bác Chín rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho thế hệ trẻ, tương lai của quê hương, đất nước. Mỗi lần gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, bác Chín Hiệp thường trao đổi về giáo dục và rất mong thế hệ trẻ có đủ điều kiện để học tập, trau dồi kiến thức và cống hiến cho quê hương, đất nước.

Sau khi bác Chín Hiệp mất, thực hiện theo di nguyện của bác Chín, con cháu đã an táng bác tại quê nhà xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Năm 2012, gia đình, con cháu của bác Chín Hiệp đã lập Quỹ Học bổng Dương Kỳ Hiệp. Đến nay, nguồn Quỹ Học bổng Dương Kỳ Hiệp đã vận động được hàng tỉ đồng, trao hàng ngàn suất học bổng giúp cho học sinh hiếu học, học sinh nghèo, học sinh mồ côi, khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... có điều kiện học tập tốt hơn.

Để tưởng nhớ, ghi nhận công lao của bác Chín Hiệp với Đảng bộ, chính quyền và quê hương Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã lấy tên bác Chín Hiệp đặt tên đường và trường học như: Trường THCS và THPT Dương Kỳ Hiệp ở Quốc lộ 60, ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, huyện Long Phú; đường Dương Kỳ Hiệp ở Phường 2, TP. Sóc Trăng và Trường THCS Dương Kỳ Hiệp ở số 75 đường Dương Kỳ Hiệp, Phường 2, TP. Sóc Trăng. Và cũng trùng hợp ngẫu nhiên, ngày đặt tên trường và tượng bán thân của bác Chín Hiệp ở Trường THCS Dương Kỳ Hiệp ở Phường 2, TP. Sóc Trăng, tôi lại đi tác nghiệp về sự kiện này. Tôi cũng có dịp khuyên dạy cho con tôi (đang học ở trường này) về tấm gương sáng của bác Chín Hiệp.

Nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp, “hạt giống đỏ” của cách mạng, của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã để lại cho đời một tấm gương sáng về tính chiến đấu cách mạng, về đạo đức cách mạng và tấm lòng nghĩa tình với quê hương, xứ sở. Bác Chín Hiệp luôn là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Ghi nhận công lao của đồng chí Dương Kỳ Hiệp, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Q.K

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chuyen-de/bac-chin-hiep-nghia-tinh-sau-nang-voi-que-huong-54166.html