Bắc Cực đang ngày một 'nóng' lên

Nga và Trung Quốc thời gian gần đây đã mở rộng hợp tác chiến lược đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng vận tải qua Bắc Cực, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi cán cân thương mại và chiến lược toàn cầu.

Trong khi đó, trong Chiến lược Bắc Cực năm 2024, Mỹ gọi Trung Quốc là “thách thức đang gia tăng” và Nga là “mối đe dọa cấp tính”. Cách tiếp cận này của Washington được đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ đối đầu với Moscow và Bắc Kinh.

Triển vọng và thách thức

Một trong những bước tiến quan trọng trong quá trình mở rộng hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc là việc ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt – đường biển “Arctic Express” vào tháng 7 vừa qua, một phần trong dự án phát triển chung “Con đường tơ lụa trên băng”. Hãng tàu NewNew Shipping của Trung Quốc (hiện là hãng tàu đứng thứ 45 thế giới về sức chở, theo Alphaliner) và Tập đoàn Rosatom (Nga) đang khai thác tuyến dịch vụ này.

“Đấu trường” Bắc Cực tăng nhiệt khi Mỹ, Nga và Trung Quốc ra sức cạnh tranh. Ảnh: SCMP

“Đấu trường” Bắc Cực tăng nhiệt khi Mỹ, Nga và Trung Quốc ra sức cạnh tranh. Ảnh: SCMP

Đây là một sáng kiến nhằm tạo ra tuyến đường ngắn nhất từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, đi qua Bắc Cực. Cụ thể, hành trình dài 13.200km này sẽ mất từ 20 - 25 ngày, nhanh hơn khoảng một tuần so với Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Nga. Bên cạnh đó, tuyến đường này giúp rút ngắn thời gian giao hàng từ Moscow đến các cảng Trung Quốc xuống từ 35 đến 55%, cho phép vận chuyển hơn 20.000 TEU (đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn) hàng hóa mỗi năm.

Sự hỗ trợ của Bắc Kinh phản ánh cam kết của Trung Quốc trong việc phát triển tuyến đường chiến lược trên, đồng thời gia tăng sức mạnh thương mại và chính trị của Bắc Kinh trong khu vực.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, Tập đoàn Rosatom, công ty độc quyền năng lượng hạt nhân và đơn vị vận hành NSR, và NewNew Shipping đã ký thỏa thuận thành lập một liên doanh để phát triển một đội tàu gồm 5 tàu container chịu được băng đá (ice-classed) hoạt động quanh năm. Các tàu đóng mới sẽ được giao vào năm 2027. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước mà còn có những tác động chiến lược quan trọng đối với tình hình địa chính trị toàn cầu.

Trước bối cảnh đó, Trung Quốc ngày càng nhận thấy tầm quan trọng chiến lược trong việc tham gia vào quá trình phát triển và bảo vệ NSR của Nga. NSR không chỉ bổ sung cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà còn giúp Trung Quốc đa dạng hóa các tuyến vận tải, giảm bớt phụ thuộc vào các tuyến đường truyền thống qua Biển Đông và các khu vực có xung đột tiềm ẩn. Việc tham gia vào phát triển NSR cũng cho phép Trung Quốc bảo đảm ổn định của các tuyến thương mại quan trọng.

Trong khi đó, Nga hiện đang tích cực mở rộng NSR với sự hỗ trợ của Rosatom. Tuy nhiên, việc phát triển tuyến đường này không hề dễ dàng. Các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với ngành đóng tàu và khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường. Ngoài ra, sự mở rộng này còn làm tăng tính dễ bị tổn thương của NSR trước các quốc gia ven biển NATO, bao gồm Estonia, Latvia, Litva và các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, và Norway.

Một yếu tố khác cần lưu ý là việc mở rộng NSR có thể làm gia tăng các điểm yếu trên biển của Nga, đặc biệt khi các tàu phải đi qua gần vùng biển ven bờ của các quốc gia thành viên NATO. Điều này có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh hàng hải của Nga và buộc Moskva phải xem xét các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của mình.

Hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục, với thương mại song phương đạt trên 240 tỷ USD vào năm 2023, tăng 26,3% so với năm trước. Điều này phản ánh sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nền kinh tế, đặc biệt khi Nga đang tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Sự phát triển của NSR và Arctic Express là một minh chứng rõ ràng cho sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại Nga-Trung, khi Nga tập trung nhiều hơn vào Bắc Cực, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu từ miền Trung và Tây Bắc của Nga tiếp cận trực tiếp với thị trường Trung Quốc mà không cần quá cảnh qua các nước thứ ba...

Khả năng xảy ra xung đột

Mặc dù Chiến lược Bắc Cực năm 2024 của Lầu Năm Góc là bản cập nhật đầu tiên cho cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng Mỹ đối với khu vực này kể từ năm 2019, song, nó cũng dựa trên Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022 và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2022.

Theo chiến lược mới, Lầu Năm Góc sẽ tăng cường nhận thức về lĩnh vực thông tin liên lạc, tình báo, giám sát và khả năng trinh sát ở Bắc Cực, đồng thời sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để duy trì khả năng phòng thủ và răn đe ở Bắc Cực. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng sẽ “thực hiện sự hiện diện được hiệu chỉnh ở Bắc Cực bằng cách thường xuyên huấn luyện trong khu vực và tiến hành các hoạt động quan trọng để duy trì khả năng răn đe”.

Quân đội Mỹ cho biết, khu vực Bắc Cực đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng. Một mặt, Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trong khu vực. Mặt khác, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đã tạo ra những cơ hội mới cho liên minh quân sự phương Tây ở Bắc Cực.

Theo chuyên gia Vorotnikov, mặc dù Trung Quốc không phải là một quốc gia Bắc Cực, nhưng nước này đóng vai trò rất lớn trong chính sách Bắc Cực của tất cả các quốc gia - cả Nga và các quốc gia thành viên NATO. Chiến lược Bắc Cực năm 2024 của Lầu Năm Góc cũng đề cập đến thực tế là Nga tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự mới và hiện đại hóa các căn cứ thời Liên Xô trong khu vực, trong thời gian tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chuyên gia Alexander Vorotnikov chỉ ra rằng, đường bay ngắn nhất cho tên lửa hoặc máy bay ném bom giữa Mỹ và Nga chính là qua Bắc Cực. Hơn nữa, việc hai quốc gia Bắc Âu - Phần Lan và Thụy Điển - gia nhập NATO cũng đồng nghĩa với việc NATO đã mở rộng ở Bắc Cực, tạo động lực mới khiến Nga phải hành động để bảo vệ các vùng lãnh thổ Bắc Cực của nước này. Cuối tháng 12/2023, các chuyên gia an ninh cho biết, “dấu chân” quân sự của phương Tây ở Bắc Cực chậm hơn khoảng 10 năm so với Nga...

Một vấn đề khác có tầm quan trọng đặc biệt cũng được học thuyết đề cập đến là việc Nga kiểm soát NSR, có ý nghĩa là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa phần phía Tây của Âu Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường. Tuyến NSR hầu như hoàn toàn đi qua vùng biển lãnh thổ của Nga hoặc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia này. Luật pháp Nga quy định rằng, NSR là “hành lang vận tải quốc gia phát triển theo lịch sử”.

Về phần mình, Mỹ đã nhiều lần cố gắng thách thức lập trường này bằng cách tuyên bố rằng tuyến đường này là “eo biển quốc tế”. Cùng với đó, hôm 11/7, các nhà lãnh đạo Mỹ, Canada và Phần Lan đã công bố ý định thành lập Nỗ lực hợp tác phá băng, hay Hiệp ước ICE, để tăng cường hiện diện ở Bắc Cực.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bac-cuc-dang-ngay-mot-nong-len-i743961/