Toàn cảnh vụ hàng loạt máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon

Trong vụ việc nghi là chiến dịch tấn công tinh vi từ xa, một loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah đã phát nổ gần như cùng lúc ở Lebanon và Syria hôm 17/9 (giờ địa phương).

Người bị thương nằm la liệt khắp các bệnh viện tại Lebanon Ít nhất 9 người thiệt mạng và 2.800 người bị thương khắp Lebanon sau khi hàng loạt máy nhắn tin phát nổ. Israel được cho là đã can thiệp vào thiết bị của các thành viên Hezbollah.

Vụ máy nhắn tin phát nổ đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, trong đó có cả một đứa bé 8 tuổi, và hơn 2.800 người bị thương.

Theo AP, một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Israel đã thông báo với Mỹ về chiến dịch này. Cụ thể, các máy nhắn tin được bán cho Hezbollah được cho là có chứa một lượng nhỏ chất nổ và bị kích nổ từ xa.

Hai quan chức Mỹ giấu tên nói rằng lô hàng máy nhắn tin nói trên đã bị can thiệp và cài từ khoảng 30 đến 60 gam chất nổ ở vị trí gần khoang pin của mỗi thiết bị trước khi được giao đến Lebanon. Mỗi thiết bị cũng gắn kèm một công tắc cho phép kích nổ từ xa.

 Phần còn lại của một thiết bị nhắn tin bị kích nổ ở Lebanon hôm 17/9. Ảnh: Telegram.

Phần còn lại của một thiết bị nhắn tin bị kích nổ ở Lebanon hôm 17/9. Ảnh: Telegram.

Các thiết bị nhắn tin được cho là đã phát ra tiếng bíp trong vài giây trước khi phát nổ, theo New York Times.

Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ nổ máy nhắn tin hàng loạt này, làm liên lụy đến một lượng lớn thường dân. Quân đội Israel hiện từ chối bình luận về sự vụ.

"Gót chân Achilles" của Hezbollah

Vào đầu năm, lãnh đạo Hassan Nasrallah của Hezbollah từng yêu cầu các thành viên của lực lượng này không sử dụng điện thoại di động vì có thể bị Israel theo dõi. Do đó, tổ chức này sử dụng máy nhắn tin để liên lạc.

Một quan chức giấu tên của Hezbollah với hãng tin AP rằng các thiết bị nhắn tin phát nổ hôm 17/9 được sản xuất bởi một thương hiệu mới mà nhóm này chưa từng sử dụng trước đây.

Tờ New York Times dẫn nguồn tin từ một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết lô hàng máy nhắn tin phát nổ nói trên được đặt hàng sản xuất tại công ty Gold Apollo ở đảo Đài Loan.

Người sáng lập và chủ tịch Gold Apollo, Hsu Ching-kuang, nói với báo giới vào sáng 18/9 rằng công ty của ông đã ký hợp đồng với một nhà phân phối châu Âu.

Hsu cho biết nhà phân phối (không nêu tên) đã thiết lập mối quan hệ với Gold Apollo khoảng ba năm trước.

 Bức ảnh ông Hsu Chin-Kuang, người sáng lập và chủ tịch của Gold Apollo, tại thành phố New Taipei ở đảo Đài Loan vào ngày 18/9. Ảnh: Wayne Chang/ CNN.

Bức ảnh ông Hsu Chin-Kuang, người sáng lập và chủ tịch của Gold Apollo, tại thành phố New Taipei ở đảo Đài Loan vào ngày 18/9. Ảnh: Wayne Chang/ CNN.

Ông cho biết lúc đầu, công ty châu Âu chỉ nhập khẩu các sản phẩm máy nhắn tin và truyền thông khác của Gold Apollo. Sau đó, công ty nói với Gold Apollo rằng họ muốn tự sản xuất máy nhắn tin và yêu cầu quyền sử dụng thương hiệu của công ty Đài Loan, ông cho biết.

Keren Elazari, nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv, nhận định rằng chiến dịch tấn công này đã nhắm đến điểm yếu chí mạng của Hezbollah.

“Đợt tấn công này đánh thẳng vào gót chân Achilles của Hezbollah vì đã nhắm đến phương thức liên lạc trọng yếu của họ”, bà Elazari nhận xét. “Chúng ta từng thấy các máy nhắn tin bị nhắm đến nhưng không phải theo cách tinh vi như thế này”.

Nicholas Reese, một cựu sĩ quan tình báo, cho rằng đợt tấn công này sẽ buộc Hezbollah phải thay đổi giao thức liên lạc và những thành viên sống sót của lực lượng này có thể sẽ phải ngưng sử dụng “không chỉ máy nhắn tin mà còn cả điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác”.

Cách thức tiến hành của chiến dịch

Ngay cả khi các quan chức Mỹ xác nhận rằng vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin ở Lebanon là hoạt động được lên kế hoạch bởi Israel, nhiều giả thuyết vẫn được đặt ra về cách thức tiến hành của chiến dịch này, theo AP.

Một cựu nhân viên xử lý bom của quân đội Anh, người từ chối tiết lộ danh tính, giải thích rằng một thiết bị phát nổ có 5 thành phần chính: vỏ chứa, pin, thiết bị kích nổ, kíp nổ và chất nổ.

“Một máy nhắn tin đã bao gồm 3 trong 5 thành phần đó rồi”, cựu sĩ quan nói trên giải thích. “Giờ chỉ cần cài thêm kíp nổ và chất nổ là đủ”.

Sau khi phân tích đoạn phim do camera an ninh quay lại cảnh thiết bị nhắn tin phát nổ bên hông của một người đàn ông ở một khu chợ Lebanon, hai chuyên gia về đạn dược cho rằng vụ nổ xuất phát từ một thiết bị gây nổ nhỏ.

“Nhìn vào video, quy mô của vụ nổ cho thấy nó xuất phát từ một kíp nổ điện hoặc một thiết bị kích nổ cực nhỏ và có tính cảm ứng cao”, cựu sĩ quan Sean Moorhouse của quân đội Anh, đồng thời là chuyên gia về cháy nổ, nhận xét.

Ông Moorhouse cũng nói thêm rằng Mossad, cơ quan tình báo nước ngoài của Israel, là đơn vị nằm trong phạm vi nghi vấn cao nhất vì có đủ nguồn lực để tiến hành một chiến dịch như sự vụ xảy ra hôm 17/9.

 Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bị cáo buộc đứng sau hoạt động kích nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah. Ảnh: IDF.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bị cáo buộc đứng sau hoạt động kích nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah. Ảnh: IDF.

N.R. Jenzen-Jones, giám đốc Lực lượng Tình báo Nghiên cứu Vũ khí (ARS) có trụ sở tại Australia, lưu ý rằng Israel từng bị cáo buộc thực hiện các hoạt động tương tự chiến dịch này trong quá khứ.

Vào năm 2023, Iran từng cáo buộc Israel cố gắng phá hoại chương trình tên lửa đạn đạo của nước này bằng cách cài các linh kiện nhập khẩu có thể bị kích nổ vào thiết bị của Iran nhằm phá hỏng hoặc vô hiệu hóa vũ khí của họ.

Thời gian tiến hành

Hiện chưa rõ về chi tiết nguồn lực để chuẩn bị cho một chiến dịch có quy mô như trên. Một số chuyên gia nói với AP rằng thời gian cần thiết để tiến hành hoạt động này ước tính rơi vào khoảng từ vài tháng đến 2 năm.

Theo ông Reese, một chiến dịch tầm cỡ này đòi hỏi người thực hiện phải xây dựng những mối quan hệ cần thiết để có thể can thiệp vào các máy nhắn tin trước khi chúng được giao đến Lebanon.

Đồng thời, người đứng sau chiến dịch cũng cần nguồn tình báo để đảm bảo các mục tiêu đang mang máy nhắn tin bên người khi kích nổ thiết bị.

Elijah J. Magnier, nhà phân tích chính trị có hơn 37 năm kinh nghiệm làm việc tại khu vực Trung Đông, đã nói chuyện với những người sống sót sau đợt phát nổ hôm 17/9, cho biết các máy nhắn tin đã được mua và sử dụng bởi thành viên Hezbollah từ tháng 4.

“Các máy nhắn tin đã hoạt động bình thường trong 6 tháng”, ông Magnier nói. Theo ông, một tin nhắn lỗi được gửi đến thiết bị đã đồng loạt kích nổ các máy nhắn tin.

 Hình ảnh cắt ra từ video trích xuất camera an ninh ở một khu chợ Lebanon, nơi thiết bị nhắn tin của một thành viên Hezbollah phát nổ. Ảnh: CNN.

Hình ảnh cắt ra từ video trích xuất camera an ninh ở một khu chợ Lebanon, nơi thiết bị nhắn tin của một thành viên Hezbollah phát nổ. Ảnh: CNN.

Thông qua cuộc trò chuyện với một số thành viên Hezbollah, ông Magnier cũng chỉ ra rằng một số máy nhắn tin đã không phát nổ, cho phép các chuyên gia mở rộng điều tra.

Ông Jenzen-Jones cũng nói rằng một hoạt động với quy mô lớn như vừa rồi cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về đối tượng mục tiêu được nhắm đến.

Trong một tuyên bố, Hezbollah cho biết một trong số các nạn nhân thiệt mạng là con trai của một thành viên Hezbollah trong Quốc hội.

“Chúng tôi yêu cầu Israel chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hoạt động thù địch này vì nhắm cả vào dân thường”, Hezbollah khẳng định trong một tuyên bố, nói thêm rằng Israel “chắc chắn sẽ phải trả giá”.

Video máy nhắn tin phát nổ hàng loạt ở Lebanon Hàng nghìn người bị thương sau các vụ máy nhắn tin bất ngờ phát nổ hàng loạt ở Lebanon. Lực lượng Hezbollah cho biết các thành viên của nhóm đã sử dụng phương tiện liên lạc này.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/toan-canh-vu-hang-loat-may-nhan-tin-phat-no-o-lebanon-post1498544.html