Bác đơn khởi kiện, giữ nguyên quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ
Ngày 29-8, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án đại diện cơ sở Ngân Anh kiện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc 'khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên bác đơn khởi kiện, sửa bản án sơ thẩm số 13/2015/HC-ST ngày 22-9-2015 của TAND tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân cho Cơ sở Ngân Anh được giữ nguyên.
Tại phiên tòa, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã giữ nguyên quan điểm kháng cáo toàn bộ bản án. Đồng thời, ông Lê Ngọc Lâm đã trình bày thêm nhiều căn cứ pháp lý và thực tiễn khẳng định, quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân cho Cơ sở Ngân Anh là đúng pháp luật. “Cục không thể cấp chứng nhận cho những sản phẩm có thể gây nhầm lẫn, gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Hơn nữa, chức năng nhiệm vụ của Cục không chỉ cấp hay không cấp chứng nhận mà Cục còn có chức năng bảo vệ người tiêu dùng, tránh gây ra nhầm lẫn trên thị trường. Vụ việc đã rất rõ ràng, nếu xử lý không đúng sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước và bộ mặt của bức tranh sở hữu trí tuệ Việt Nam, ảnh hưởng cả đến niềm tin của nhà đầu tư, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lê Ngọc Lâm khẳng định.
Đại diện cơ sở mỹ phẩm Ngân Anh trình bày một số căn cứ cho rằng, Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT không đúng các quy định của pháp luật cả về nội dung và hình thức. Việc từ chối cấp chứng nhận không phải thẩm quyền của Cục trưởng Cục SHTT mà phải là thẩm quyền của “tập thể cục”. Mặt khác, hai sản phẩm cùng mang nhãn hiệu Bảo Xuân song thuộc hai nhóm khác nhau, không trùng nhau.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, cả các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát đều đưa ra nhiều căn cứ bác bỏ lập luận trên. “Hai loại hàng hóa có chung một kênh phân phối thương mại là hệ thống các nhà thuốc trong phạm vi cả nước và việc sử dụng dấu hiệu “Bảo Xuân” của cơ sở Ngân Anh có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm cho nên Cơ sở Ngân Anh đã nhiều lần bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành chính về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu… Mặt khác, bản kết luận giám định số NH 294-12 YC/KLGĐ ngày 8-10-2012 và kết luận giám định NH084-13 YC/KLGĐ ngày 26-4-2013 của Viện Khoa học SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) đều kết luận các dấu hiệu “Bảo Xuân và hình” bị coi là tương tự với nhãn hiệu “Bảo Xuân và hình” cả về cấu trúc, phần hình, phần chữ; dấu hiệu Bảo Xuân bị coi là tương tự với nhãn hiệu Bảo Xuân” – Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh (TP Hà Nội ) trình bày tại tòa.
Luật sư Nguyễn Minh Hương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, lập luận của Cơ sở Ngân Anh là không hiểu biết về Luật SHTT. Có tới 14 cặp sản phẩm trùng nhau gây ra nhầm lẫn thực tế trên thị trường, thiệt hại cho khách hàng. Cơ sở Ngân Anh đã từng thừa nhận sai phạm sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm. Là một luật sư đã hơn 20 năm theo dõi lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tôi hết sức lo ngại hiện tượng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để tránh tạo ra tiền lệ xấu, tòa án cần xem xét khách quan, để pháp luật về sở hữu trí tuệ được thực thi nghiêm minh.
Đại diện Viện KSND Tối cao, ông Võ Chí Thiện nêu quan điểm: Phiên tòa sơ thẩm đã đánh giá chứng cứ chưa đúng các qui định của pháp luật, chưa làm rõ có hay không sự trùng lắp giữa hai sản phẩm. Ý kiến của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền là Viện Khoa học SHTT đã có kết luận giám định chỉ rõ hai sản phẩm trùng lắp nhau và Cơ sở Ngân Anh cũng không có khiếu nại gì đối với quyết định giám định. Với những chứng cứ tại phiên tòa, Viện KSND Tối cao nhận thấy kháng nghị của Viện KSND tỉnh Hậu Giang và kháng cáo của Cục SHTT là có căn cứ. Đề nghị áp dụng Luật tố tụng hành chính chấp nhận kháng nghị và kháng cáo, sửa án sơ thẩm, giữ nguyên quyết định Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT.
Thay mặt Hội đồng xét xử, ông Đặng Quốc Khởi, Chủ tọa phiên tòa kết luận khẳng định: Cục SHTT hoạt động theo nguyên tắc thủ trưởng nên việc ban hành và ủy quyền ký quyết định Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Nội dung quyết định 11692 cũng đúng các quy định của pháp luật. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học SHTT thì nhãn hiệu Bảo Xuân của cơ sở Ngân Anh và Bảo Xuân của Công ty Ích Nhân là tương tự, gây nhầm lẫn song đối tượng khởi kiện cũng không có khiếu nại. Đây là một trong những chứng cứ quan trọng để xác định hàng hóa có trùng và gây nhầm lẫn hay không. Vì vậy, Quyết định số 11692/QĐ-SHTT là có căn cứ. Tòa quyết định chấp nhận đơn kháng cáo của Cục SHTT và Công ty Ích Nhân, kháng nghị của Viện KSND tỉnh Hậu Giang. Về nội dung kiến nghị của Công ty Ích Nhân đề nghị thu hồi sản phẩm mang nhãn hiệu Bảo Xuân của Cơ sở Ngân Anh, không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án.
Như Báo Quân đội nhân dân đã phản ánh, đây là vụ việc điển hình về việc xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp nên được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Kết quả phiên tòa phúc thẩm, theo các luật sư và đại diện Công ty Ích Nhân, Cục SHTT là khách quan, công bằng, bảo đảm cho các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ được thực thi.
Theo Quân đội nhân dân