Bắc Giang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Bắc Giang là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch về 'Chương trình mỗi xã một sản phẩm' (gọi tắt là Chương trình OCOP). Sau 5 năm triển khai, đến nay, Bắc Giang thuộc tốp đầu các tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP, với 255 sản phẩm từ 3 sao trở lên.
Năm 2023, Bắc Giang phấn đấu có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, tỉnh sẽ phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; có tối thiểu 2 sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm thu hút du khách, quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh.
Để đạt mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách phát triển Chương trình OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Ban hành Quy chế quản lý sản phẩm OCOP
Ngày 30/1/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quy chế quản lý sản phẩm OCOP áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao trở lên và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang. Theo đó, tất cả chủ thể có sản phẩm OCOP phải duy trì những nội dung, kết quả đã đưa vào trong hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP và đã được Hội đồng đánh giá, xét công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh công nhận, khuyến khích các chủ thể áp dụng các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP ở mức độ cao hơn.
Các cơ sở có sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trong đó, đối với sản phẩm 3 sao OCOP có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, ghi hồ sơ lô sản xuất; đối với sản phẩm 4 sao OCOP phải có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến ISO/GMP/HACCP,… và bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và các quy định hiện hành.
Về quy trình sản xuất phải được xây dựng từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và xuất bán ra thị trường; từng công đoạn phải mô tả chi tiết, cụ thể các nội dung, yêu cầu bắt buộc thực hiện để có kết quả đầu ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Quá trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm túc Quy trình sản xuất, phải thiết lập hồ sơ ghi chép đầy đủ, chính xác từng lô hàng sản xuất; có phương án xử lý khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng và sản phẩm là phụ phẩm sau khi đã sản xuất. Chủ cơ sở phải thực hiện niêm yết công khai Quy trình sản xuất tại vị trí dễ quan sát để thực hiện và thuận tiện cho người dân, cộng đồng kiểm tra giám sát.
Đối với nguyên liệu sản xuất phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quy định. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa có trách nhiệm quản lý nguyên liệu sản xuất đầu vào bằng việc thiết lập hệ thống sổ sách theo dõi, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Theo dõi, đánh giá chất lượng nguyên liệu sản xuất sản phẩm, hàng hóa. Phân loại và sơ chế nguyên liệu sản xuất đảm bảo nguyên liệu theo đúng quy trình sản xuất đã công bố đạt chất lượng cao nhất.
Khi xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì cơ sở phải tiến hành ngay việc truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm đó. Báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng để phối hợp xác định rõ nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời, đảm bảo tránh gây hậu quả nghiêm trọng, những tổn thất không đáng có về sức khỏe, tính mạng và những thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng.
100% sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT
Ngày 26/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 2749/UBND-KGVX yêu cầu các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang. Đảm bảo 100% các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên của địa phương được đưa lên sàn TMĐT. Kịp thời cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; khung giá thu mua sản phẩm nông sản ổn định; xác nhận chủng loại và phẩm cấp sản phẩm nông sản cho các đơn vị cung cấp sàn TMĐT.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp truy cập vào các sàn TMĐT để tạo tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT; tuyên truyền về khung giá bán, tiêu chuẩn áp dụng (Global Gap, VietGap...), chất lượng, thông tin vệ sinh phòng dịch của sản phẩm, thời gian bán... đến người tiêu dùng trên cả nước; nêu bật những ưu việt, lợi ích để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa thông qua sàn TMĐT. Đăng tin liên quan đến việc kết quả tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của từng huyện, thành phố trên các phương tiện báo chí.
Bưu điện tỉnh Bắc Giang, Công ty cổ phần Bưu chính Viettel Bắc Giang đảm bảo nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ đáp ứng năng lực vận hành của sàn TMĐT phục vụ các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tham gia giao dịch trên sàn TMĐT. Cử nhân viên tham gia vào quá trình hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Hướng dẫn đăng ký tài khoản khi tham gia sàn TMĐT, đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến trên sàn TMĐT. Hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để các tổ chức, cá nhân tác nghiệp trong quá trình mua bán trên sàn TMĐT. Có phương án kịp thời chuyển phát sản phẩm đến tay người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng tốt nhất các sản phẩm của địa phương được bán trên sàn TMĐT.
Đến nay, tỉnh đã có trên 113.670 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nhiều mặt hàng nông sản và 180 sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn... để đưa sản phẩm nông sản Bắc Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiệu quả từ việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT được nhìn thấy rõ nhất từ vụ vải thiều. Theo đó, đã có trên 10.500 tấn vải được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn thương mại điện tử.
Hỗ trợ kinh phí bao bì cho sản phẩm OCOP
Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ bao bì, in tem cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang với tổng kinh phí hỗ trợ 2,4 tỷ đồng .
Trong đó, đợt 1 hỗ trợ kinh bao bì, in tem tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2023 cho 06 sản phẩm. Tổng kinh phí thực hiện (đợt 1) là 360 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 180 triệu đồng, trung bình mỗi sản phẩm được hỗ trợ 30 triệu đồng; chủ thể sản xuất đối ứng (50%) tương ứng với 180 triệu đồng.
Đợt 2, hỗ trợ 06 chủ thể xây dựng và đăng ký nhãn hiệu bao gồm: Hộ kinh doanh Trần Quốc Hương (TP Bắc Giang); Hợp tác xã (HTX) sản xuất và thương mại Huy Linh; HTX Nông sản Thành Phát Lục Ngạn; Hộ kinh doanh Vũ Trung Hiếu (huyện Lục Ngạn); HTX Nông nghiệp Hạ Sơn; HTX Cường Nhung (huyện Yên Thế), mỗi nhãn hiệu được hỗ trợ 20 triệu đồng. Hỗ trợ chi phí bao bì, in tem cho 29 sản phẩm, trong đó, hỗ trợ 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao 100 triệu đồng/sản phẩm, 02 sản phẩm 4 sao 50 triệu đồng/sản phẩm, 25 sản phẩm 3 sao 30 triệu đồng/sản phẩm.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chi phí hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, chi phí hỗ trợ chi phí bao bì, in tem sản phẩm năm 2023 (đợt 2) là 2,22 tỷ đồng, từ nguồn sự nghiệp kinh tế thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát triển điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh, hỗ trợ các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị, lồng ghép thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đề án thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thương mại trực tuyến, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường từ nguồn vốn khuyến công.
Thời gian qua, đã có trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể với trên 300 lượt sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hòa Bình,… hỗ trợ xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện Yên Thế, Lục Nam, Việt Yên và TP Bắc Giang. Qua đó, tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã nhận được sự quan tâm của khách hàng khắp mọi miền tổ quốc; ký kết hợp đồng các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn phân phối lớn, các đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh. Nhiều đơn vị, chủ thể sản xuất tham gia đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý và các nhà phân phối.
Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm OCOP
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực của các chủ thể. Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 255 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (gồm 31 mặt hàng đạt 4 sao còn lại 3 sao). Các sản phẩm mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề.
Tuy vậy, trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy trình công nhận sản phẩm OCOP, nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm phụ thuộc vào nguồn kinh phí của các huyện, kinh phí để sản phẩm nâng hạng lớn trong khi việc tiếp cận vốn ưu đãi còn hạn chế.
Trên cơ sở đó, ngày 26/10, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại về chính sách phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe các ý kiến đề xuất từ các chủ thể. Trên cơ sở đó sẽ xem xét ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP thời gian tới.
Hội nghị đã nghe 11 ý kiến của chủ thể và đại diện cơ quan chuyên môn các huyện tập trung làm rõ những lợi ích thiết thực khi tham gia chương trình OCOP. Nhiều sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nâng cao vị thế của nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết phát triển theo hướng xây dựng chuỗi giá trị, gia tăng giá trị sản phẩm, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cơ sở để kịp thời ban hành chính sách đặc thù kích cầu sản xuất. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung làm rõ thêm các nội dung dự thảo bảo đảm đúng quy định của pháp luật và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Sở Tài chính xem xét cân đối nguồn lực đáp ứng kịp thời khi Nghị quyết được ban hành.
Ngày 18/1/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), trong đó có khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia.