Bắc Giang: Bảo đảm quyền lợi phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
Để xóa bỏ những hủ tục đối với phụ nữ tại một số khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã triển khai hiệu quả các nội dung trong Dự án 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' (gọi tắt là Dự án 8).
Lâu nay, trong quan niệm của một bộ phận người dân tộc thiểu số, khi người chồng qua đời, nếu vợ tái hôn với người khác thì phải ra khỏi nhà, nếu không, người đó sẽ mang xui rủi, vận hạn đến cho gia đình chồng cũ.
Cũng vì hủ tục này mà chị Lăng Thị Đ. ở thôn Đồng Man, xã Biển Động (Lục Ngạn) từng bị người thân bên chồng đánh, đuổi khỏi chính ngôi nhà của mình. Trước hành vi trái pháp luật đó, lực lượng công an đã vào cuộc giải quyết, trả lại quyền lợi cho chị Đ và các con.
Bà Lý Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lục Ngạn cho biết: “Để ngăn ngừa vụ việc tương tự, Hội LHPN huyện phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước”. Trong đó, Hội LHPN các cấp chú trọng tập huấn, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực cho người dân vùng sâu, xa, nhất là đồng bào DTTS.
Trong hỗ trợ phụ nữ vươn lên cuộc sống, năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà “Mái ấm tình thương” và 2,4 tỷ đồng giúp 48 hội viên phụ nữ DTTS khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Hội LHPN các cấp tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Giữ gìn bản sắc dân tộc” cho các câu lạc bộ hát then, hát sình ca tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang. Đồng thời, thành lập mới 6 mô hình và tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động của gần 300 mô hình thu hút hàng nghìn phụ nữ DTTS tham gia hoạt động.
Được biết, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, tập trung vào các hoạt động về truyền thông cộng đồng và thành lập, vận hành các mô hình cốt lõi của dự án. Bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông, một trong những mô hình được Hội LHPN các cấp tích cực triển khai là “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Nơi đây trở thành điểm tựa cho chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình khi cần tư vấn, hỗ trợ pháp lý và can thiệp, tạm lánh lúc nguy cấp.
Triển khai Dự án 8 là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ, giải quyết một cách căn bản tình trạng bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Giai đoạn 1 (2021- 2025), Dự án tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động người dân nhằm thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng và những hủ tục.
Hội LHPN chỉ đạo Hội LHPN các huyện xây dựng các nội dung thực hiện của Dự án 8 và phối hợp với phòng dân tộc tham mưu lồng ghép vào Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi năm 2023 của từng địa phương. Đồng thời tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động của dự án; xây dựng văn bản hướng dẫn, chọn điểm chỉ đạo thực hiện các mô hình, rút kinh nghiệm để nhân rộng và tổ chức các cuộc đối thoại chính sách phù hợp tại các cấp.
Ngọc Anh